Multimedia Đọc Báo in

Thành quả những nỗ lực bảo tồn các di sản văn hóa

16:44, 07/06/2013

Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được phục dựng, tôn tạo và bảo tồn, đó là một trong những kết quả nổi bật được ghi nhận tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” do Tỉnh ủy tổ chức mới đây.

Âm vang cồng chiêng. Ảnh: Hoàng Gia
Âm vang cồng chiêng.  Ảnh: Hoàng Gia

Dak Lak - ngôi nhà chung tụ hội nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Khí hậu, thổ nhưỡng của mảnh đất cao nguyên này đã trở thành mạch nguồn thai nghén, ươm trồng và phát triển những giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc, nhất là văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa. Ngày 25-11-2005, Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đó là sự ghi nhận nét độc đáo cũng như nỗ lực bảo tồn, nuôi dưỡng những giá trị của văn hóa cồng chiêng. Sau khi được công nhận, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của cồng chiêng trong đời sống xã hội. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10 “Về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak, giai đoạn 2007-2010”; Nghị quyết số 63 “Về bảo tồn, phát huy di sản – Không gian Văn hóa Cồng chiêng tỉnh Dak Lak, giai đoạn 2012-2015”. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị “Về việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Dak Lak trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Đặc biệt, thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, giai đoạn 2007-2010”, toàn tỉnh đã xây dựng được 300 đội chiêng trẻ với 2100 em, có độ tuổi từ 12 đến 18 tham gia. Để cồng chiêng thẩm thấu và có sức lan tỏa hơn với đời sống cộng đồng, từ năm 1998 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 12 cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca – dân vũ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc có quy mô lớn, với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ nhân của các địa phương trong tỉnh. Ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan diễn tấu cồng chiêng với cấp huyện được tổ chức hằng năm, cấp tỉnh thì 2 năm một lần. Đất sống, môi trường để tiếng cồng lời chiêng có nhiều cơ hội được vang lên cũng từ những hoạt động này; những nghệ nhân còn đau đáu với việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa cồng chiêng mà tổ tiên ông bà để lại có dịp trải lòng mình và tiếp tục truyền lửa cho lớp trẻ.

Không gian văn hóa cồng chiêng, không gian núi rừng Tây Nguyên cũng là mảnh đất để sản sinh và nuôi dưỡng kho tàng sử thi Tây Nguyên đồ sộ, có một không hai và những lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa. Trong nỗ lực bảo tồn, phục dựng, đến nay, Dak Lak đã sưu tầm và thống kê một bản danh mục gồm 70 sử thi Êđê, 145 sử thi M’nông, góp phần quan trọng trong việc công bố, xuất bản 75 bộ sử thi Tây Nguyên do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam xuất bản. Bên cạnh đó, điều tra, thống kê được bản danh mục gần 70 lễ hội truyền thống thuộc hệ thống nghi lễ - lễ hội vòng đời người và hệ thống nghi lễ - lễ hội nông nghiệp; phục dựng thành công các lễ hội truyền thống tiêu biểu; sưu tầm được trên 50 loại nhạc cụ dân tộc Êđê, M’nông. Một số bộ sách song ngữ Êđê-Việt, M’nông-Việt về Luật tục Êđê, M’nông về bảo vệ rừng, đất đai, nguồn nước; vận dụng luật tục Êđê, M’nông trong xây dựng gia đình, buôn, thôn văn hóa được phát hành rộng rãi đến các buôn làng Êđê, M’nông.

Cùng với những di sản văn hóa phi vật thể, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng tích cực phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành trong và ngoài nước, khai quật hàng chục di chỉ khảo cổ của người tiền sử trên địa bàn tỉnh; sưu tầm được hàng nghìn công cụ lao động, nhạc cụ, đồ trang sức, đồ đá, gốm, sắt, đồng như cuốc, vòng đeo tay, chuỗi hạt, trống đồng… Các hiện vật trên có niên đại từ 2.500 năm đến 3.000 năm đã được kiểm kê, hoàn thiện lý lịch, xử lý nghiệp vụ đưa vào trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Từ năm 1998 đến năm 2011, trên 3.000 hiện vật đã được nghiên cứu và sưu tầm.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.