Về thăm Làng Lụa Hội An
Làng Lụa Hội An được thiết kế theo phong cách kiến trúc của một ngôi làng cổ cách đây vài trăm năm ở Quảng Nam. Đến thăm Làng Lụa, du khách như lạc vào một không gian làng dệt cổ xứ Quảng, được trải nghiệm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa truyền thống, trên nền tảng kế thừa từ quá trình giao thoa giữa hai nền văn minh Chămpa và Việt Nam.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành nên một Làng lụa mang đậm phong cách cổ xưa ngay giữa lòng phố Hội nhộn nhịp, hiện đại, anh Lê Thái Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam và cũng là Giám đốc Làng Lụa cho biết: “Với mong ước hình thành một tụ điểm văn hóa nghề truyền thống để mọi người có thể tìm hiểu về lịch sử của nghề tơ lụa, về văn hóa mặc của người Việt, Công ty đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trên diện tích đất rộng 2 ha nằm dọc tuyến đường Đà Nẵng - Hội An. Tại đây, du khách có thể tận hưởng một không gian làng nghề sống động, tái hiện toàn bộ quá trình làm nên từng mét lụa từ việc nuôi tằm, ươm tơ, đến se tơ, dệt lụa”. Những con đường lát gạch mát rượi quanh co uốn lượn dưới bóng cây, những nếp nhà rường cổ xưa đặc trưng cho kiến trúc xứ Quảng, hàng cau trĩu quả, hàng chuối non xanh rì đu đưa trong gió đến tiếng khung cửi lách cách thoi đưa… tất cả được hội tụ tại Làng Lụa là thành quả của quá trình cố gắng, nỗ lực và những đam mê không mệt mỏi của anh Lê Thái Vũ. Để biến ước mơ phục dựng làng nghề truyền thống thành hiện thực, hơn 10 năm qua, anh Vũ đã trực tiếp bỏ công sưu tầm từng gian nhà rường cổ, sưu tập từng khung dệt cổ xưa của người Chăm và người Việt. Vất vả hơn cả là hành trình ngược xuôi khắp cả nước để tìm cho được cây dâu Chămpa cổ. Mãi đến năm 2012, anh tình cờ phát hiện ở vùng núi Quế Sơn (Quảng Nam) một cây dâu Chămpa cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi và sau đó tiếp tục tìm được những cây khác đưa về trồng và nhân giống tại Làng Lụa. Cầm trên tay hai lá dâu khác biệt nhau, một chiếc lá hình bầu dục đặc trưng của người Việt, một lá xẻ hình chân chim truyền thống của người Chăm, anh Vũ say sưa nói về quá trình giao thoa, tiếp nối nhau kéo dài hàng nghìn năm giữa hai nền văn minh nông nghiệp Chămpa - Việt Nam. Chính những chiếc lá dâu hình chân chim này là nguồn thức ăn để những chú tằm chăm chỉ nhả ra những sọi tơ vàng óng - nguồn nguyên liệu chính tạo nên chất liệu đặc biệt của tơ lụa Quảng Nam.
Anh Lê Thái Vũ (bìa trái) Giám đốc Công ty Cổ phần Tơ lụa Quảng Nam, Giám đốc Làng Lụa Hội An giới thiệu về sự khác biệt giữa lá dâu của người Chămpa và lá dâu của người Việt. |
Đến với Làng Lụa, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng 40 cây dâu Chămpa cổ, tìm hiểu vòng đời, quá trình nhả tơ làm kén của tằm mà còn biết đến một câu chuyện thi vị khác về Bà chúa Tằm Tang, sau này trở thành Hoàng hậu Đoàn Quý Phi - người có công lớn trong việc mở mang nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa tại miền Trung Việt Nam. Tại nhà ươm tơ và nhà dệt, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân Chămpa và Việt Nam thể hiện kỹ thuật ươm tơ theo phương pháp cổ truyền, kỹ thuật se tơ, kéo sợi, dệt lụa, dệt thổ cẩm bằng các thiết bị thủ công, đồng thời cũng được tìm hiểu thêm về chuyên ông Cửu Diễn - một người con của vùng đất Duy Xuyên (Quảng Nam) đã sáng tạo ra loại máy có hệ thống tự động dệt hoa văn trên mặt lụa và có công lớn trong việc phát triển nghề dệt lụa ở Quảng Nam đầu thế kỷ 20. Từ những tấm thổ cẩm của người Chăm và những mét lụa mượt mà xứ Quảng đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, riêng có tại Làng Lụa như quần áo, túi xách, ba lô, cà vạt, khăn tay, khăn quàng cổ… cho du khách nhiều sự lựa chọn về những món quà tặng người thân cũng như học được cách phân biệt giữa lụa thật, lụa giả. Sự độc đáo của Làng Lụa còn thể hiện ở bộ sưu tập 100 trang phục cổ của 54 dân tộc Việt Nam. Văn hóa mặc đa dạng và đầy sáng tạo của từng dân tộc, của các triều đại phong kiến qua từng thời kỳ lịch sử như bộ triều phục của vua quan, trang phục của các phụ nữ quý tộc, đến quan điểm chống ngoại lai trong trang phục Việt của các tầng lớp khác nhau thể hiện qua bộ sưu tập đã phản ánh khái quát sự thăng trầm của lịch sử, chính trị, điều kiện kinh tế, môi trường xã hội Việt. Khi bước chân đã mỏi, cơ thể thấm mệt, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc trưng của xứ Quảng như mì quảng, bánh xèo, các loại chè hay nước uống từ lá dâu tằm… ngay tại Làng Lụa. Và có lẽ một ấn tượng không thể nào quên là những âm điệu mượt mà của bài hát, điệu múa Apsara Chămpa vang lên giữa không gian tĩnh mịch, được thưởng thức và cùng chơi bài chòi của người xứ Quảng…
Việc kết hợp giữa phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn làng nghề đã được người Quảng Nam vận dụng, phát triển linh hoạt, hiệu quả, tạo ra sự đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dak Lak nói riêng, Tây Nguyên nói chung cũng có một bề dày lịch sử, có không gian cồng chiêng là di sản văn hóa thế giới, nơi đây còn có cả những khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học… là những điều kiện cần để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Thêm sự quan tâm đầu tư thích đáng, sẽ là những điều kiện đủ để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng như Quảng Nam.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc