Cổ tích Tây Nguyên: Di sản văn hóa cần được gìn giữ và bảo tồn
Kho tàng chuyện cổ tích Tây Nguyên là một di sản văn hóa cần được bảo tồn. (Ảnh trên: Nhiều câu chuyện cổ tích đã được xuất bản thành sách). Ảnh: Lan Anh |
Sau này, trải qua năm tháng, hình thành trong tôi thói quen mua sách cho mình, mua chuyện cổ tích tặng cho các con , rồi đến cho các cháu. Nhất là trong hành trình sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi có diễm phúc được biết đến một kho tàng vô tận, phong phú - kho tàng chuyện cổ tích các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Khó có thể quên những đêm trăng sáng nhàn nhạt trôi đi dưới mái căn nhà K’ho ở Lâm Đồng, già làng, cha của nhạc sĩ Kra Zan Đích rỉ rả kể cho nghe những chuyện đồng dao; hay trong bóng chiều hoàng hôn chập choạng ở Dak Đoa, cố ghi vội các chuyện cổ tích Ba Na về những nàng H’Bia xinh đẹp; hay đâu đó ở M’Drak, miên man theo gió chạy trên những cánh đồng cỏ bao la, là những chuyện kể về con heo trắng của tù trưởng Đam San, chuyện chàng Y Rít nghèo được Yang (Giàng) cho bộ ching (chiêng); hoặc những đêm bập bùng nửa thực nửa mơ trong ánh lửa bếp nhà sàn AYun Pa, nghe những câu chuyện cổ và điệu hát giao duyên Jrai…
Có thể thấy rất rõ, những câu chuyện cổ tích dân gian (klei đưm) tuy không dài hơi, không diễn xướng bằng hình thức hát – kể như trường ca (Klei khan, k’han…), nhưng vẫn phản ánh đầy đủ nhịp sống của buôn làng qua các phong tục, tập quán sinh hoạt, thưởng phạt phân minh, sự ràng buộc mọi thành viên của cộng đồng; cuộc chiến giữa các bộ lạc, giữa cái thiện và ác… Toát lên trên hết là tính nhân văn thấm đẫm trong từng câu chuyện kể; đa phần chuyện cổ Tây Nguyên thực ra chỉ gồm những cái kết có hậu: là sự sum họp gia đình giữa vợ chồng người trần và thần linh từng bị chia cắt; là cuộc sống nghèo khổ của những người già cô đơn, kẻ mồ côi được các vị thần giúp đỡ trở nên khấm khá; là những cô gái đẹp chịu gian truân rồi được đền bù bằng hạnh phúc gia đình với những chàng trai khỏe mạnh dũng cảm. Hình ảnh những người nghèo thông minh, giàu lòng nhân đạo, các gã nhà giàu ngốc hợm của khinh người, cái thiện thắng cái ác… chiếm hầu hết các câu chuyện.
Bên cạnh đó, với trí óc hồn nhiên, trong sáng, dân gian đã sáng tạo nên những huyền thoại, đa số là sự hóa thân của những nhân vật biết quên mình vì cộng đồng như: sự ra đời của một dòng sông mênh mang sóng do cô gái H’Năng, quyết tâm đi tìm nguồn nước cho buôn làng (Sự tích dòng sông Krông Năng); một ngọn núi chất ngất mây vờn đỉnh (Sự tích núi Ngok Linh), hay cánh rừng đại ngàn đầy bí ẩn của thiếu nữ H’Lâm (Núi Cư H’Lâm) xóa bỏ lời nguyền để mãi mãi gái trai các buôn làng được tự do yêu thương; hay nàng H’Linh (thác Drei H’Linh), H’ly (sự tích thác Ia Ly) quyết đằm mình dưới dòng thác dữ cho những mối tình không phân biệt sang nghèo. Thật thú vị khi nghe người Mạ kể rằng “họ tìm thấy những chiếc ching trên một cánh đồng, nên gọi đó là Cánh đồng chiêng - Srê gong – bây giờ người Kinh gọi chệch đi là Sài Gòn”?… Những cái tên gắn liền với địa danh, khiến cho mỗi bước chân đi ở Tây Nguyên, đều có thể bắt gặp những huyền thoại. Những truyền thuyết hư ảo, lung linh, làm đẹp thêm mảnh đất, con người vốn rất hồn hậu, thân thương của vùng cao nguyên bazan đất đỏ.
Một mảng chuyện khác hấp dẫn không kém là những câu chuyện về loài vật. Tinh khôn, thậm chí ma mãnh để xử kiện thay chim Mling đuôi dài là con thỏ bé nhỏ; hống hách, ngốc nghếch là chúa sơn lâm cọp vằn vện; chậm chạp, ngơ ngác hiền lành là bác voi to đùng; chậm chạp mà ranh mãnh là anh rùa, nhẹ dạ và khờ khạo là chị sơn dương… Khi hài hước, dí dỏm tạo nên tiếng cười thâm trầm, khi răn dạy một cách nhẹ nhàng lối ứng xử ở đời của mỗi con người…, những câu chuyện nửa thực, nửa hư mang sẵn yếu tố tích cực, lành mạnh trong nội dung, hình thức kể cứ tồn tại một cách dai dẳng trong những tâm hồn từ thuở ấu thơ đến trưởng thành, tạo nên một lối sống của người Tây Nguyên.
Tất cả những nét đậm nhạt trên hợp thành một bức tranh toàn cảnh về sắc màu cuộc sống từ thuở xa xưa của các bon, buôn, kon, plei trên vùng cao nguyên đất đỏ bazan. Cứ thử hình dung mà xem, những đứa trẻ “da nâu mắt sáng”, tóc xoăn tít cháy khét nắng cao nguyên, sau một ngày lăn lóc theo mẹ lên rẫy, rảo theo gót chân cha vào rừng đại ngàn, đêm đến quây quần bên bếp lửa với mùi khoai lang, củ mì nướng thơm lừng, khói bếp bay trùm bảng lảng, quyện vào tiếng bổng, tiếng trầm của ông, của bà, kể đêm này qua đêm khác trong tiếng lách cách khung dệt của mẹ, những câu chuyện cổ xưa của tộc người. Để rồi chìm dần vào trong giấc ngủ, bé gái mơ trở thành những nữ tù trưởng H’Bia Blao, H’Nhi không chỉ xinh đẹp, mà còn có tấm lòng tràn đầy yêu thương. Bé trai thấy mình lớn bổng lên như dũng sĩ Đam San, Jing Chơ Ngă, Đăm Noi… bắt nữ thần Mặt trời về xua tan bóng đêm bao phủ nơi buôn làng. Những giấc mơ hướng thiện cao đẹp đến từ những câu chuyện cổ tích, không chỉ đơn thuần mang theo ước mơ, tiếng cười, niềm vui, sự thư giãn đến cho con người, mà còn là sự răn dạy một cách êm ái, thấm thía, khắc ghi, theo suốt cuộc đời một con người từ sau lễ thổi tai, đặt tên, đến lễ trưởng thành, là một công dân chính thức của cộng đồng.
Cổ tích còn là một kho tàng kiến thức của tộc người, có thể qua đó tìm hiểu về dân tộc học, văn hóa học, thậm chí chỉ để thêm yêu thương đến thảng thốt về một miền quê. Một mai, khi tivi, Internet, radio… chen vào thống lĩnh toàn bộ âm thanh của núi rừng, thay cho tiếng đàn t’rưng nước lanh canh, đàn brố bập bùng, hay tiếng đinh năm dìu dặt; nhà gạch thay cho những ngôi nhà dài “một hơi ngựa chạy”, biết có ai buồn vì những đêm kể chuyện rỉ rả như thế bên bếp lửa nhà sàn Tây Nguyên, vĩnh viễn không còn nữa không?
Các già làng, những nghệ nhân chân đất hồn nhiên, những “báu vật nhân văn sống” của nhiều tộc người Tây Nguyên đã từng trân trọng trao lại cho bạn, cho tôi những câu chuyện cổ xưa ấy, từ lâu đã đi về miền thẳm xa xôi của “bến nước ông bà”. Nhưng kho tàng chuyện cổ tích Tây Nguyên vẫn chính là những bài học hướng thiện mà tri thức dân gian Tây Nguyên để lại cho con cháu, cho đời sau. Chính vì vậy mà đó là một di sản văn hóa luôn luôn và mãi mãi cộng đồng cần phải bảo tồn. Và thật hay biết mấy nếu có được những cuốn chuyện cổ tích in song ngữ các thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên, dành riêng cho lũ trẻ các buôn, bon, kon, plei…
Linh Nga
Ý kiến bạn đọc