Còn đâu thác đổ (?)
Du lịch văn hóa - sinh thái đang mất dần chỗ đứng
Kỳ II: Còn đâu thác đổ (?)
Làm du lịch văn hóa - sinh thái thì phải dựa vào cảnh quan thiên nhiên và vốn văn hóa đặc trưng, độc đáo của các cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn. Với Dak Lak, dường như “cẩm nang” ấy đang bị phá vỡ: rừng bị chặt phá và thu hẹp; những dòng sông, ngọn thác dần cạn khô. Còn doanh nghiệp kinh doanh loại hình du lịch này thì lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, thậm chí buông tay… do những hệ lụy trên mang lại.
Nhãn tiền là số phận của Khu du lịch văn hóa-sinh thái Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp (huyện Krông Ana). Khu du lịch này, ban đầu được Công ty Du lịch-Thương mại Đam San thuê theo chủ trương giao đất, giao rừng của UBND tỉnh để đầu tư kinh doanh trong những năm 2000-2002. Đến giờ, ông Lê Hoàng Cơ - Giám đốc công ty vẫn chưa thể quên: khi đất, rừng ở đây có chủ thì cảnh quan, sinh thái còn được chăm bẵm, bảo vệ. Vì nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng ấy là yếu tố sống còn để doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách tham quan. Đến cuối năm 2003, khi thủy điện Buôn Kuôp được xây dựng thì nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Ngoài việc các đối tượng chuyên “ăn rừng” lợi dụng đường sá ở đây được mở mang phục vụ công trình để vào rừng chặt phá, khai thác gỗ, làm cho tài nguyên rừng không ngừng suy giảm; thì bên cạnh đó, các con suối ngọn thác trong khu vực cũng cạn kiệt nhanh chóng trong những tháng mùa khô, khiến hoạt động kinh doanh du lịch ở đây vấp phải những trở ngại không lường trước được và vượt khỏi khả năng kiểm soát của mình. Vì thế đến đầu năm 2004, Công ty Du lịch - Thương mại Đam San đành bấm bụng ngừng lại các hoạt động đầu tư, khai thác tour du lịch văn hóa- sinh thái tại cụm thác Gia Long - Dray Nur, chấp nhận thua lỗ đồng nghĩa với việc buông xuôi cho số phận danh thắng khá nổi tiếng kia…
Thác Dray Nur - danh thắng nổi tiếng ở Dak Lak, nay chỉ còn là những dòng nước nhỏ. |
Năm 2005, Tập đoàn cà phê Trung Nguyên thuê lại cụm danh thắng trên để khai thác, kinh doanh du lịch văn hóa-sinh thái dưới tên gọi Công ty TNHH Đầu tư-Du lịch Đặng Lê. Ông Nguyễn Xuân Thiện-phụ trách khu du lịch này cũng ngậm ngùi: đã đổ tiền tỷ vào đây với mong muốn vực dậy hình ảnh một danh thắng, nhưng mỗi khi nhìn lên con đập cao sừng sững chặn dòng của thủy điện Buôn Kuốp cách đó không xa mới thấy nao lòng. Còn nhân viên bảo vệ thác thì ái ngại rằng: ai vào thăm thú, thưởng ngoạn cụm thác Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp làm gì khi không còn dòng nước cuồn cuộn chảy và tung khói trắng xóa giữa mênh mông rừng tự nhiên xanh mát quanh năm. Chính nguồn nước vốn có của sông Krông Na, Krông Nô hợp lại trước khi đổ vào sông Sêrêpôk để làm nên cảnh tượng hùng vĩ và tuyệt đẹp này đã bị công trình thủy điện Buôn Kuốp lấy đi, khiến khu du lịch văn hóa - sinh thái một thời làm say lòng du khách trở thành dĩ vãng…
Tiếp đó, vào những năm 2006-2008, khi thủy điện Krông K’ma (huyện Krông Bông) do Tổng công ty Sông Đà làm chủ đầu tư chính thức bấm nút chặn dòng, là lúc ngọn thác tuyệt đẹp mang tên Krông K’ma “cáo chung”. Anh Nguyễn Phúc Khảng (Công ty lâm nghiệp Krông Bông) phụ trách khu du lịch than thở: không còn ngọn thác và dòng nước Krông K’ma khô kiệt vì thủy điện thì làm du lịch văn hóa - sinh thái sao được, ai vào đây vui chơi, thư giãn khi hệ sinh thái đã thay đổi? Từ khi ngọn thác bị “bức tử” thì Khu du lịch sinh thái thác Krông K’ma trở nên vắng khách, mọi hoạt động kinh doanh du lịch ở đây thật sự gặp khó khăn vì thu không đủ chi… Trước những khó khăn đó, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông-đơn vị quản lý Khu du lịch thác Krông K’ma buộc phải đưa ra phương án cắt giảm, sắp xếp lại nguồn nhân lực cho phù hợp, tránh tình trạng thua lỗ như hiện nay. Theo ông Khảng, trong những năm qua, du khách ít tìm đến với khu du lịch vì nhiều lý do: cơ sở hạ tầng trên địa bàn chưa hoàn thiện; việc giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch ở đây chưa thật sự được chú trọng; và đặc biệt là do ảnh hưởng lâu dài từ “mặt trái” của công trình thủy điện khiến công ty ngần ngại trong việc đầu tư một cách có chiều sâu và quy mô hơn cho khu du lịch. Điều đáng tiếc hơn là trong gần 10 năm qua, nguồn lực đổ vào đây không phải là ít để xây dựng, nâng cấp cơ sở lưu trú, tôn tạo và bảo vệ danh thắng… nhằm mục đích biến thác Krông K’ma thành một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến Dak Lak thăm thú. Vậy mà vì một sự đánh đổi thiếu chia sẻ lợi ích cộng đồng (giữa thủy điện - rừng và du lịch) đã khiến công ty thật sự lao đao. Vì chẳng những không thu hồi được nguồn vốn bỏ ra, mà mọi công trình được đầu tư, tôn tạo xong cũng thành ra “phế tích”, chẳng mang lại ý nghĩa gì, vì bản thân nó không sinh lợi cho xã hội và không góp phần cải thiện được cuộc sống cho người dân địa phương-nhiều người làm du lịch ở đây tỏ ra đau đáu.
Rõ ràng, trực tiếp hay gián tiếp, các công trình thủy điện được quy họach và xây dựng tại các địa điểm trên đã có những tác động bất lợi đến các hoạt động kinh doanh ở một số tour, tuyến du lịch văn hóa- sinh thái trên địa bàn tỉnh. Những nơi khác như Vườn quốc gia Yok Đôn và các khu du lịch sinh thái nằm dọc theo sông Sêrêpôk sẽ trơ đáy vào mùa khô, nhiều thác nước như Bảy Nhánh, Drăng Phôk cùng những đảo nổi trên dòng sông được những tán cây si xanh rờn che bóng mát trở nên khô khốc… Đến lúc đó, dù không muốn cũng phải buông bỏ những khu du lịch văn hóa- sinh thái này.
(Còn nữa)
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc