Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo “mắt cửa” những ngôi nhà cổ Hội An

06:36, 01/09/2013

Đi dọc các tuyến phố trong lòng phố cổ Hội An, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều các công trình kiến trúc độc đáo của phố thị, như các Hội quán Quảng Đông, Phúc Kiến…, các chùa như chùa Ông, chùa Cầu hay là Lai Viễn kiều. Tuy nhiên điều đặc biệt ở những ngôi nhà trên phố cổ Hội An khiến nhiều du khách quan tâm, đó chính là biểu tượng  của cặp “mắt cửa” hiện diện trên ngôi nhà. Điều này cũng có phần lạ, giống như các ghe thuyền đi sông đi biển đều có hình tượng đôi mắt trông xa đến cả ngàn dặm vượt sóng giữa biển khơi. Vậy ý nghĩa của mắt cửa trên những ngôi nhà ở phố cổ Hội An có gì lạ?

Đến Hội An, du khách sẽ thấy cửa ra vào các ngôi nhà cổ ở Hội An đều có gắn bộ phận "Mắt cửa", đó là phần chốt gỗ được chạm trổ những hình bát quái; hoa 8 cánh có nhụy là vòng tròn lưỡng nghi... "Mắt cửa" là một nét độc đáo của nghệ thuật Hội An.

Trước tiên, các hình ảnh mắt cửa ở các ngôi nhà trên phố cổ Hội An là không giống nhau. Có rất nhiều loại, hình ảnh đa dạng, kích thước cũng không đồng nhất được người Hội An chạm trổ và treo ở trước cửa ra vào. Ngoài ra rất nhiều mắt cửa lại được chạm trổ ở chính giữa trung tâm mắt biểu tượng của triết lý âm dương. Bên ngoài lại có những biểu tượng của bát quái. Đặc biệt hơn có nhiều mắt cửa của những ngôi nhà lại được đính cả vải đỏ để treo cùng với mắt cửa.

Vậy mục đích của việc làm mắt cửa cho  ngôi nhà và ý nghĩa của hình ảnh mắt cửa là gì? Chúng ta đã biết đến quan niệm của nhà Phật với câu nói: “khai quang điểm nhãn” tức là vẽ mắt cho Phật để làm cho Phật tỏa sáng linh thiêng; hay như trên ghe thuyền, người ta vẽ mắt cho ghe để trông xa muôn dặm trùng khơi. Còn mắt cửa ở Hội An có liên quan gi đến yếu tố tâm linh không? Nếu đem thống kê các loại mắt cửa đang hiện hữu ở Hội An, chúng ta thấy có rất nhiều loại với những trang trí khác nhau.

Theo chủ nhân của một số ngôi nhà mà chúng tôi vào tham quan đã cho biết: sở dĩ có mắt cửa treo trước nhà là bởi nó được coi như mắt thần canh giữ cho ngôi nhà. Nó vừa là vật trang trí vừa mang yếu tố tâm linh. Trong đời sống tâm linh của người Hội An, mắt cửa vừa là vật trang trí, vừa là vật “canh giữ” cho ngôi nhà. Nếu như người miền Bắc hay dùng gương bát quái, gương chiếu tà để treo ở cửa nhà, thì người Hội An lại dùng mắt cửa bằng gỗ chạm trổ cầu kỳ. Hai mắt cửa có thể là hình bát quái, hình bông cúc, hình mặt trời…., dù với biểu tượng nào đi nữa, mắt cửa được người dân tôn thờ như hai ông thần đem đến sự an lạc, xua đuổi điều càn quái, xấu xa.

Mặc dù đôi mắt là vật trang trí nhưng theo quan niệm tín ngưỡng tâm linh của người Hội An thì đôi mắt ở đây cũng mang một tâm hồn, xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh - mọi thứ đều có linh hồn. Do đó, mắt cửa ở Hội An đã được “khai quang” làm cho nó trở nên linh thiêng hơn và có chức năng bảo vệ cho ngôi nhà. Nó giống như đôi mắt thần giữ nhà giữ cửa để mang lại bình yên cho ngôi nhà. Có lẽ khi làm những đôi mắt này, người Hội An cũng chỉ mong được như vậy mà thôi.

Nguyễn Huy Khuyến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.