Multimedia Đọc Báo in

Nhân Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 4 (3-9-2013):

Nhìn lại sự tiếp biến âm nhạc dân gian ở Dak Lak

06:37, 01/09/2013

Ngược dòng thời gian, những năm 1980 – 1982, là thời điểm kinh tế vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tượng “chảy máu cồng chiêng” trở nên đáng báo động, với sự buôn bán thành “đồng nát” hàng nghìn bộ chiêng cổ để đổi lấy không chỉ tín ngưỡng mới mà còn cả lương thực. Vậy mà chính quyền và ngành Văn hóa tỉnh đã chọn thời gian này để tiến hành tập huấn, triển khai chương trình công tác sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian các dân tộc bản địa - lần đầu tiên ở các tỉnh Tây Nguyên - với sự giúp đỡ của các nhà khoa học xã hội Trung ương và TP. Hồ Chí Minh.

Diễn tấu cồng chiêng trong Lễ mừng cơm mới tại buôn Kon H’ring  xã Ea H’đing (Cư M’gar).                                           Ảnh: Lê Hương
Diễn tấu cồng chiêng trong Lễ mừng cơm mới tại buôn Kon H’ring xã Ea H’đing (Cư M’gar). Ảnh: Lê Hương

Từ những đợt sưu tầm đầu tiên, bộ ching kram (chiêng tre) rồi tiếp tới ching pâng Êđê đã được phát hiện sau nhiều năm dài vắng bóng. Nghệ thuật diễn xướng dân gian được khuyến khích phục hồi  dần dần, cùng với việc khôi phục lại một số lễ hội truyền thống. Đội ching Knah Êđê buôn Kô Siêr TP. Buôn Ma Thuột, dàn ching Bih của Buôn Trấp (huyện Krông Ana) đã thành công trong những chuyến xuất ngoại giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế tại Pháp, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Điển, Đan Mạch… Những cuộc liên hoan văn hóa cồng chiêng, liên hoan văn nghệ dân gian, tuần văn hóa các dân tộc, những lớp truyền dạy diễn tấu chiêng… được bà con các dân tộc trong tỉnh ngày một nhiệt liệt hưởng ứng, góp phần giúp cho các dàn ching, cây kèn đinh năm, dần được xóa bỏ ấn tượng chỉ dùng trong tang lễ, mà trở thành một loại nhạc cụ quen thuộc có nhu cầu thay mặt cho cộng đồng buôn làng, cần phải xuất hiện trong các kỳ hội diễn.

Từ những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, phong trào truyền dạy diễn tấu chiêng cho lớp trẻ, khởi đầu từ Phòng Văn hóa huyện Cư M’gar, TP. Buôn Ma Thuột đã lan rộng trong cộng đồng các buôn làng Êđê trong tỉnh và lan sang hầu hết các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt từ sau khi Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho một số nghệ nhân, thì ngoài kinh phí của ngành Văn hóa, một số buôn, các nghệ nhân già còn tự nguyện truyền dạy cho lớp trẻ. Như tại buôn Tiêu (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có 2-3 đội chiêng của nhiều lứa tuổi từ nhi đồng cho tới thanh niên. Các nữ nghệ nhân Buôn Trấp cũng đã đào tạo được hai đội nữ thiếu niên diễn tấu ching Jhô trẻ, nối tiếp truyền thống, bắt đầu thay các bà, mẹ tham gia trình diễn ching Jhô ở huyện và tỉnh.

Liên hoan các đội chiêng trẻ đã trở thành thông lệ vài năm một lần ở cấp huyện và tỉnh.Cùng với truyền dạy chiêng, các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa tỉnh và huyện cũng làm được việc khôi phục lại nghệ thuật chế tác nhạc cụ dân tộc. Những ngày văn hóa dân tộc diễn ra hằng năm vào ngày 10-3 của TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar bao giờ cũng có những cuộc thi chế tác nhạc cụ dân tộc. Và cũng từ đây phong trào lan rộng ra toàn tỉnh: huyện Krông Ana có hẳn hội thi “nghệ nhân trẻ làm nhạc cụ dân tộc”. Ngoài ra, những điệu hát dân ca cũng được khôi phục, gìn giữ. Lối hát arei đối đáp đã nhiều lần có mặt trong chương trình biểu diễn của nhiều đội nghệ thuật quần chúng Dak Lak tham gia ở các hội diễn trong tỉnh, liên hoan của nhiều ngành ở Trung ương và đã thật sự có đời sống trong thanh niên Dak Lak hiện nay.

Một số nhạc cụ truyền thống của người Êđê được cải tiến để tham gia vào chương trình biểu diễn nghệ thuật của những nghệ sĩ đàn dân tộc chuyên nghiệp trong nước như: đàn kni, đàn đinh năm, brố, đinh pah… Những cây đàn cải tiến từ nhạc cụ dân gian cổ truyền của người Êđê này hiện đang được sử dụng phổ biến và có hiệu quả cao trong các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp khắp trong nước và cả ở nước ngoài.

Từ âm hưởng nhạc dân gian Êđê, một số tác phẩm khí nhạc của các tác giả Dak Lak đã  giành được sự chú ý của giới chuyên nghiệp như: Nhạc sĩ Mạnh Trí với các tác phẩm: giao hưởng  2 chương “Ngọn lửa Ban Mê” được Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư và chọn trình diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2004; giao hưởng 3 chương “Đam San” (giải Khuyến khích Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011); hòa tấu nhạc dân tộc Rondo “Nỗi buồn vui của rừng”  viết tại Trại sáng tác khí nhạc quốc tế ở Huế năm 2006; các tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Y Phôn Ksor như: “Cơn mưa chiều”“Giọt Bazan”. Nhạc sĩ Nguyễn Cường và Minh Đạo có giao hưởng – hợp xướng 3 chương “Đại bàng và giọt đắng”; nhạc sĩ Sỹ Hùng có hòa tấu dàn nhạc dân tộc…

Bên cạnh nhạc đàn, từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20, bài hát đầu tiên viết trên chất liệu nhạc dân gian Êđê “Mặt trời Êđê” dựa gần như hoàn toàn trên điệu hát K’ứt, cùng với bài dân ca cải biên “Xuống chòi mau đi em” của nhạc sĩ Nhật Lai đã từng rất thành công, đứng vững trong chương trình biểu diễn của Đoàn Ca múa Tây Nguyên (Hà Nội) hàng chục năm. Giới nhạc sĩ của tỉnh, cho dù là người dân tộc Êđê như cố nhạc sĩ Kpă Púi, Y Sơn Niê, Y Phôn Ksor, Linh Nga Niê Kdăm hay người nơi khác đến Dak Lak sinh sống như: Sỹ Hùng, Quang Dũng, cố nhạc sĩ Đức Hùng…  đa số đều bám sát chất liệu âm nhạc dân gian Êđê để sáng tác ca khúc phục vụ hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và phong trào nghệ thuật quần chúng trong tỉnh, đem về nhiều giải thưởng cao, kể cả của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Văn học – Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Có những ca khúc sáng tác nhưng được người dân vùng sâu coi là dân ca Êđê (như bài “Mừng lúa mới” của Ama Nô, hay “H’Zen lên rẫy” của Nguyễn Cường). Những tác phẩm thanh nhạc lớn như hợp xướng “Ban Mê một bài ca” của nhạc sĩ Mạnh Trí được Nhà hát Giao hưởng và Hợp xướng TP. Hồ Chí Minh trình diễn trong lễ kỷ niệm 100 hình thành và phát triển TP. Buôn Ma Thuột năm 2004, hay hợp xướng của nhạc sĩ Sỹ Hùng… đều viết trên chất liệu dân gian Êđê…

Có thể nói, âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng, tuy thiếu vắng dần chỗ đứng trong cộng đồng làng buôn, nhưng vượt qua “biên giới” các tỉnh Tây Nguyên, đến được với bạn yêu nhạc trong cả nước, thông qua tác phẩm của giới nghệ thuật chuyên nghiệp. Không ít tác phẩm nhận Huy chương Vàng, Bạc trong những kỳ liên hoan, hội diễn chuyên và không chuyên toàn quốc, được phát trên sóng Đài Phát thanh – Truyền hình quốc gia, được các thí sinh chọn tham dự các cuộc thi ca hát… thế cũng là điều đáng mừng và đáng nêu gương các nghệ sĩ biết mấy.

H’Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.