Multimedia Đọc Báo in

Từ “Chuyện rừng xanh” nghĩ về văn hóa rừng

09:37, 06/09/2013

Vào tháng 7 vừa qua, tập truyện ngắn “Chuyện rừng xanh” (The Jungle Book) của nhà văn người Anh Rudyard Kipling đã được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp với Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Đây là tập truyện ngắn thiếu nhi nổi tiếng thế giới, mặc dù được sáng tác cách đây hơn một thế kỷ (năm 1894) nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ đối với trẻ em và cả người lớn. Nhiều ý kiến cho rằng, đó là “một trong những khung trời tưởng tượng đẹp nhất, trong trẻo nhất cho thiếu nhi và cho bất cứ người lớn nào” từ xưa đến nay. Đến với tập truyện, người đọc được tiếp xúc với một thế giới loài vật và cảm nhận sự tương thông đến lạ kỳ giữa con người với loài vật, con người với thiên nhiên – vũ trụ và với chính tâm hồn mình. Những truyện ngắn trong sách cứ mở ra, khơi gợi nhiều suy ngẫm, đặc biệt là những cảm nhận về rừng và vai trò của văn hóa rừng trong đời sống ngày nay.

Nhân vật chính, xuyên suốt nhiều truyện trong tác phẩm là cậu bé người – sói Mowgli. Đó là một đứa trẻ, do tình cờ phải rời xa thế giới loài người, lạc vào rừng và được bầy sói nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành. Rồi cậu bé có số phận kỳ lạ ấy lại được các loài vật như báo Bagheera, gấu Baloo dạy cho thông hiểu ngôn ngữ các con vật. Câu chuyện cứ thế mở ra với biết bao cuộc phiêu lưu kỳ thú của cậu bé, đặc biệt là cuộc quyết chiến với con hổ hung ác Shere Khan để trở thành chúa tể rừng xanh. Từ những cuộc phiêu lưu ấy, những khu rừng nguyên sơ với bao bài học quý báu, những tình cảm chân thành, ấm áp đã nuôi dưỡng tâm hồn người đọc, giúp họ thêm hiểu, thêm yêu thế giới xung quanh mình.

Không chỉ là câu chuyện về chú bé Mowgli, tập truyện còn hấp dẫn, giàu sức gợi với bao câu chuyện của những loài vật khác, như chồn hương dũng cảm Rikki – Tikki – Tavi cứu giúp con người, hay chú voi Kala Nag với vũ điệu voi đầy huyền ảo… Những loài vật được nhà văn nhân cách hóa, thông qua những câu chuyện như một ngụ ngôn về cuộc đời, cứ lấp lánh bao sắc màu của trí tưởng tượng. Nó đánh thức trong thẳm sâu tâm hồn người đọc một thế giới bí ẩn mà êm đềm, như nỗi niềm cổ tích và theo đó là một cảm nhận về văn hóa rừng mạnh mẽ, dạt dào sự sống, luôn tồn tại cùng với đời sống xã hội loài người.

Nhà văn Nguyên Ngọc – một người yêu Tây Nguyên đến tha thiết, trong bài giới thiệu cuốn “Rừng, Đàn bà, Điên loạn” của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes, có cho rằng: tác giả đã hết sức nhấn mạnh vai trò của rừng trong việc hình thành nên con người, xã hội và văn hóa bản địa. Theo ông, rừng là cái hoang dã, nguyên sơ, tự nhiên; rẫylàng là những phần mà con người lấy ra từ rừng, cắt đi của rừng “bằng rìu và lửa”. Người Tây Nguyên, sống quân bình giữa rừng và làng, giữa tự nhiên và văn hóa, giữa những tiếng gọi từ thẳm sâu bản thể và những luật tục được chế định theo thời gian.

Vậy là có một nền văn hóa rừng thẳm xanh, đặc sắc nơi mảnh đất Tây Nguyên nắng gió. Cùng với biển, rừng giúp hình thành những lễ nghi luật tục, rừng cho cái ăn, cái mặc, không gian diễn xướng văn hóa. Văn hóa rừng vừa biểu hiện trong những yếu tố vật thể, có thể nhìn bằng mắt, có thể sờ bằng tay; nhưng mặt khác, cũng biểu hiện qua những yếu tố phi vật thể, chỉ có thể cảm nhận bằng cả tâm hồn mình.

Một trong những phương diện biểu hiện rõ nét văn hóa rừng là mối quan hệ giữa con người với rừng, với cỏ cây, với loài vật, mà khái quát hơn, đó là mối quan hệ giữa con người với tự nhiên. Mối quan hệ này được nhìn nhận trên nhiều bình diện ở nhiều nền văn hóa và các thời đại lịch sử khác nhau: con người đi từ khám phá, chinh phục tự nhiên, đến con người hòa đồng, trở thành một phần của tự nhiên…

Trong cách cảm nhận như vậy về văn hóa rừng, những truyện ngắn trong tập “Chuyện rừng xanh” của Kipling mang nhiều ý nghĩa thời sự về việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa rừng. Nó không chỉ đơn thuần là những truyện thiếu nhi đầy sức hấp dẫn, nó còn mang theo những chức năng nhận thức và giáo dục sâu sắc đối với mỗi người. Nó cho chúng ta thấy rằng: con người là một phần của tự nhiên, của vũ trụ, và sự hòa hợp giữa con người với rừng, với tự nhiên là yếu tố cơ bản để tạo nên một sự cân bằng môi sinh và đời sống hài hòa, hạnh phúc vĩnh bền.

Hơn thế, nó còn nhắc nhở chúng ta ý thức về cội nguồn sự sống của mình, để từ đó giữ gìn, bảo vệ rừng, bảo vệ tự nhiên, như bảo vệ những gì thiết thân nhất với cuộc đời mình.

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc