Nhiếp ảnh - niềm đam mê của giới trẻ
Trong những ngày cuối tuần, đến những quán cà phê hay đi dạo trong công viên… đôi khi bạn sẽ thấy những chàng trai, cô gái trên tay là những chiếc máy ảnh, mới có, cũ có… “đang lăn lê bò toài”, hoặc những cô người mẫu xinh như mộng đang đứng tạo dáng để các “nhiếp ảnh gia” tác nghiệp. Những hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc với nhiều người.
Bình minh trên hồ Ea Kao. |
Không biết từ bao giờ mà nhiếp ảnh đã và đang trở thành một thú vui, một niềm đam mê với rất nhiều các bạn trẻ. “Thời còn là sinh viên, mình cũng có chụp nhiều ảnh nhưng chủ yếu là bằng máy compact, đưa lên là chụp. Rồi có một dịp được chụp thử dòng máy DSLR thấy “chất” ảnh khi nhìn vào sao mà đẹp thế. Thế là mình dành dụm và quyết định đầu tư ngay một con Canon 40D cùng với ống kính Tamron 17 - 50 f2.8 ngay từ những năm 2009 để tha hồ sáng tác. Đó cũng chính là lúc mình được tham gia và trải nghiệm cùng niềm đam mê nhiếp ảnh này”, anh Bùi Hữu Ý, hiện công tác tại tỉnh Dak Nông và là chủ nhiệm CLB Photo Buôn Ma Thuột đã tâm sự như vậy khi được hỏi về niềm đam mê nhiếp ảnh của mình. Thật vậy, rất nhiều bạn trẻ đã bắt đầu niềm đam mê chỉ bằng một chiếc máy ảnh “point and shot”, nhỏ gọn chỉ đưa lên ngắm và chụp. Đây có lẽ cũng chính là bước đệm mà nhiều người đam mê nhiếp ảnh trước khi dùng những “cỗ máy” chụp hình chuyên nghiệp đều trải qua. Thế nhưng, chụp bằng máy cầm tay thì đơn giản, nhưng khi chuyển sang dùng dòng máy chuyên nghiệp ống kính rời DSLR, thì không ít bạn trẻ đều bỡ ngỡ vì cấu trúc máy to, nhiều chức năng tùy chỉnh… Cũng theo anh Ý, ngày mới tập tành chơi DSLR, đi ngoài đường, đi chơi cùng bạn bè hay đi sáng tác… mỗi khi thấy phong cảnh đẹp, những hình ảnh cuộc sống thân quen, anh với nhiều bạn cùng niềm đam mê liền đưa máy lên “chụp lấy, chụp để”. Đến khi mở ra xem lại thì toàn những tấm thừa sáng, thiếu sáng…, hạn hữu lắm mới có được một vài tấm ưng ý. Đến cả mấy tháng trời Ý cùng các bạn không biết chụp như thế nào cho hợp lý, lấy nét ra sao cho phù hợp, đây là những lúc mà nhiều người đã thành thạo về chụp ảnh hay nói vui là: “Những tấm hình đầu tiên là những tấm hình hy sinh vì nghệ thuật”. Không nản chí, Ý và mọi người liền tìm tòi, học hỏi cách chụp ảnh từ những nhiếp ảnh gia thực thụ, hay tham gia các diễn đàn trên Internet, rồi thành lập Câu lạc bộ Photo Buôn Ma Thuột để tìm gặp, giao lưu và học hỏi với những người cùng đam mê không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột mà còn ở các nơi khác để kết nối những người đam mê chụp ảnh với nhau, từ đó nâng cao tay nghề của mình.
Những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh không ngần ngại đến những vùng xa để có những bức hình đẹp. |
Theo bạn Nguyễn Hoàng, công chức tại TP. Buôn Ma Thuột thì, có những bạn rất đam mê chụp chân dung vì thông qua những bức chân dung, người chụp còn thể hiện điều ẩn giấu về vẻ đẹp con người trong từng “khung cảnh” của cuộc sống. Như đặc tả một đôi tay gầy guộc và khi nhìn vào đó người xem có thể cảm nhận được sự trôi qua của thời gian, sự khắc khổ của một đời người; hoặc chụp một bà lão và khi nhìn vào đó thì người xem sẽ cảm nhận được sự hiền từ, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam; hay hình một cô gái trẻ sẽ làm cho người xem có những cảm nhận về cái đẹp đang tràn trề sức sống. Ngoài thể loại chân dung, thể loại ảnh phong cảnh cũng thu hút những bạn trẻ không kém. Bạn Lê Viết Cường, làm kinh doanh tại TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, đối với những người chụp ảnh, để có một tấm hình đẹp không chỉ đơn giản đưa máy lên là bấm, mà đòi hỏi đó là một sự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm, thậm chí là gặp những tình huống nguy hiểm nữa… Có những lúc, người chụp ảnh phải đi xa, dậy sớm để canh me những khung cảnh đẹp của thiên nhiên, thế nhưng thời tiết không phải lúc nào cũng ủng hộ người chụp. Có những lúc trời có sương mù không có nắng, lại có những lần sương quá dày lại chụp không được…; hay người chụp phải chờ khoảng khắc hừng đông trên mặt hồ vắng lặng, có con thuyền chạy ngang để tạo nên một hình ảnh đẹp. Có những lúc nhiều bạn phải trèo, bò trên những triền dốc đầy nguy hiểm chỉ để có một tấm hình về sự bao la của thiên nhiên… Đây cũng là cách mà nhiều bạn trẻ, khi đam mê nhiếp ảnh muốn thể hiện những hình ảnh đẹp về quê hương, con người tại mảnh đất Ban Mê đầy nắng gió đến với bạn bè. Anh Hoàng Thịnh, trú phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Tuy mới đến với nhiếp ảnh chưa lâu nhưng thông qua những bức hình của mình, tôi chỉ mong người xem có thể cảm nhận được đời sống, thiên nhiên và con người của người dân Dak Lak có những đặc trưng đẹp, bình dị của riêng nó”.
Tạo dáng vì nghệ thuật. |
Đến với nhiếp ảnh bằng niềm đam mê và thú vui, thế nhưng để niềm đam mê này thường đi kèm với hai điều kiện đó là kỹ năng chụp ảnh và thiết bị, cũng theo anh Thịnh thì đến với nhiếp ảnh bạn sẽ phải liên tục đầu tư kinh phí cho các thiết bị mà nhiều người vẫn đùa nhau rằng: “càng đầu tư đam mê càng thấy thiếu”. Nhất là việc đầu tư một ống kính cho phù hợp với từng thể loại hình: từ chân dung, phong cảnh, đến chụp cảnh rộng, hay “zoom” xa… Tốn kém là vậy nhưng đối với một người nghiêm túc với nghệ thuật chụp ảnh thì sẽ luôn sẵn sàng làm hết mình để nuôi nấng niềm đam mê nhiếp ảnh theo đúng tinh thần của nó. Thế nhưng, bên cạnh những chiếc máy kỹ thuật số đắt tiền, hiện đại của các hãng nổi tiếng như: Canon, Nikon, Sony… thì hiện nay nhiều bạn đam mê nhiếp ảnh cũng đang tìm về những dòng máy phim như một niềm đam mê hoài cổ về nhiếp ảnh. Lê Nữ Băng Tâm, sinh năm 1985, tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, là một trong những bạn nữ đam mê nhiếp ảnh và sử dụng loại máy phim Canon AF khá cũ của mình. Tâm cho biết, thực sự khi chụp bằng máy phim thì người chụp phải “tiết kiệm” hơn rất nhiều. Với máy ảnh kỹ thuật số người chụp có thể bấm liên tục cả trăm tấm, sau đó xem lại nếu không ưng ý thì xóa và chụp lại. Nhưng với máy phim, khi người chụp đã lên phim và chụp rồi thì không thể chỉnh sửa được nữa mà phải đợi rửa ra mới biết được “đứa con tinh thần” của mình ra sao. Ngoài ra, người chụp phim cũng rất tiếc phim, do đó người chụp sẽ cẩn thận hơn khi chụp ảnh. Khi được hỏi về chiếc máy ảnh “cổ” của mình, Tâm đã hồ hởi nói rằng: “Khi cầm máy phim đưa lên chụp thì trong lòng cảm thấy rất “sướng” vì những tiếng “xách” khi lên phim, tiếng “tách” khi bấm máy, rồi cái thú khi xoay phim để lấy phim ra… Và cùng một phong cảnh đẹp, khi đi với mọi người Tâm đều cố gắng chọn một góc nhìn ưng ý nhất chỉ để chụp một hoặc hai tấm đẹp nhất có thể. Ngoài ra với những tấm hình bằng phim, dù đã bao lâu đến đâu Tâm vẫn nhớ những xúc cảm khi chụp những tấm hình đó”.
Đêm Ngã sáu. |
Đối với những bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh, khi đi và chụp những tấm hình, thì niềm vui lớn nhất chính là những tác phẩm của mình được bạn bè, người thân, người xem khen tặng, hoặc được xã hội công nhận bằng những giải thưởng tại các cuộc thi ảnh. Đó chính là sự khích lệ rất lớn cho những bạn trẻ khi được trải nghiệm niềm đam mê của mình.
Thiên Ân
Ý kiến bạn đọc