Multimedia Đọc Báo in

Sắc xuân làng Thái

08:36, 27/01/2014

Vào Dak Lak lập nghiệp đã mấy chục năm nhưng cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Thái ở thôn 1, xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) lại nhớ về sắc trắng hoa ban, nhớ những “mùa Tết” rộn ràng kéo dài từ khi lúa ngoài đồng đã chín vàng cho đến Tết Nguyên đán… Và họ mang những phong tục, truyền thống vui Tết của người Thái đến với quê hương mới, góp thêm một nét văn hóa đặc sắc cho phố núi cao nguyên…

Làng Thái (thôn 1, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột) có 277 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Thái chiếm đến 80%. Theo Trưởng thôn Lò Văn Vân cho biết, người Thái ở Hòa Phú chủ yếu là từ các tỉnh vùng Tây Bắc như: Sơn La, Lai Châu... di cư đến, sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp như chăn nuôi và trồng điều, mía, cà phê, lúa nước… Dù đời sống của bà con người Thái trong thôn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn khá hơn so với ở quê hương cũ, những hộ năng động, chăm chỉ như gia đình Điểu Văn Tủng, Lò Văn Vân… đã có cuộc sống ổn định, khá giả. Những căn nhà ván tạm bợ trong thôn đang dần dần được thay thế bằng nhiều ngôi nhà xây kiên cố hơn. Trẻ em trong làng Thái đều được đi học đúng độ tuổi, không còn tình trạng mù chữ như trước đây.

Dù di cư vào Dak Lak đã lâu song đồng bào Thái ở Hòa Phú vẫn còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống. Chị Lù Thị Hạnh, người dân trong thôn, hãnh diện: “Những hộ người Thái di cư vào đây, hầu như ai cũng mang theo hạt giống các loại rau, gia vị của quê hương Tây Bắc vào trồng ở vườn nhà để chế biến các món ăn đặc trưng của dân tộc mình và các chị em người Thái ai cũng mang theo những bộ trang phục truyền thống, những chiếc khăn piêu”. Ở vùng đất mới, không có điều kiện để tổ chức những lễ hội truyền thống như xíp xí, lễ hội hái hoa ban, những buổi sinh hoạt văn hóa “Hạn khuống” (tiếng Thái là “sàn sân”, tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân; vào tháng 11 hằng năm, sau vụ thu hoạch, người Thái thường dựng sàn để trai gái trong bản tụ hội hát đối đáp) nhưng bà con người Thái vẫn cố gắng duy trì những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán và tổ chức lễ hội tết Thái hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng âm lịch. 

Múa sạp luôn thu hút đông đảo người tham gia tại lễ hội tết Thái ở xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột).
Múa sạp luôn thu hút đông đảo người tham gia tại lễ hội tết Thái ở xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột).

Theo lời kể của Trưởng thôn Lò Văn Vân, đồng bào Thái ở Tây Nguyên cũng đón Tết Nguyên đán như các dân tộc khác trong vùng. Vào ngày 28, 29 Tết, gia đình nào cũng quét dọn, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ để đón xuân. Ngày 29 và 30 Tết thì gói bánh “khẩu tủm” - loại bánh giống như bánh chưng của người Kinh, thành phần gồm gạo nếp, nhân thịt heo, đỗ và gia vị nhưng cách gói dài u lên như bánh tày rồi buộc thành từng cặp một. Ngoài bánh “khẩu tủm”, mâm cỗ ngày Tết của người Thái không thể thiếu gà luộc và những món ăn truyền thống khác như “pa pỉng tộp” (cá xẻ đôi, nhồi các gia vị vào giữa rồi gập cá lại và nướng), “làm mẳm” (cá muối chua), “nằm pịa” (phèo non của trâu, bò, dê trộn với gia vị), cơm lam, da trâu nấu canh môn... Trưởng thôn Lò Văn Vân cho biết: “Có lẽ mâm cỗ với các món ăn truyền thống là nét văn hóa đặc trưng nhất của người Thái ở Tây Nguyên trong dịp Tết Nguyên đán. Còn nghi thức cúng như gọi hồn cho những người trong nhà đã khuất vào tối 29 hoặc 30 Tết hoặc tục lệ gõ sạp đón khách thì không duy trì được. Ở các vùng quê Tây Bắc, cứ từ chiều mùng Một Tết, thanh niên bắt đầu đi chơi, đến làng nào ăn uống ở làng ấy, có khi đi đến qua cả mùng 10 mới về. Làng nào cũng tổ chức các trò chơi dân gian như: ném còn, đá cầu lông gà, nhảy sạp... Còn ở đây, những trò chơi ấy chỉ tổ chức được vào dịp rằm tháng Giêng, khi bà con người Thái và người dân các dân tộc khác trong vùng tụ hội vui tết Thái”.

Lễ hội tết Thái của đồng bào Thái ở Hòa Phú thường được tổ chức vào ngày 14 hoặc 15 tháng Giêng và chỉ diễn ra trong một ngày. Cách đây hơn chục năm, ngày hội này được tổ chức riêng lẻ ở từng thôn có người Thái sinh sống (thôn 1, thôn 9, thôn 10), sau đó, đồng bào các thôn góp lại cùng tổ chức chung, dần dần hội tết Thái được nhiều bà con trong xã và các vùng lân cận biết tiếng, cứ đến ngày ấy là về làng Thái ở thôn 1, xã Hòa Phú vui chơi. Tại ngày hội tết Thái ở Hòa Phú, người ta dễ dàng tìm thấy nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào người Thái: những cô gái Thái đen, Thái trắng trong các bộ trang phục truyền thống hát lên khúc hát “Chung chiềng” (hát mừng tết đến) với những lời ca như “Tết đến rồi, xuân đến, hoa nở/Nhà nhà cùng vui mở hội”; tiếng đàn tính tẩu, đàn nhị réo rắt hòa vào khúc hát giao duyên; điệu múa xòe, nhảy sạp rộn ràng luôn thu hút rất đông các chàng trai, cô gái Thái và các vị khách tới dự hội; những trò chơi như ném còn, đập niêu đất… luôn thu hút đông người tham gia. Tất cả hòa quyện tạo nên một ngày hội thật vui với đậm đặc sắc màu văn hóa.

Vui vì cộng đồng người Thái trong thôn vẫn còn duy trì văn hóa truyền thống song những người như anh Lò Văn Vân, chị Lù Thị Hạnh vẫn không khỏi trăn trở làm thế nào để thế hệ con cháu - được sinh ra và lớn lên ở quê hương mới - vẫn lưu giữ và gắn bó với truyền thống của ông bà, tổ tiên. Anh Vân ưu tư: “Bọn trẻ con trong nhà vẫn nghe hiểu tiếng Thái nhưng khả năng diễn đạt rất kém. Những bài hát giao duyên bằng tiếng Thái, bọn trẻ ngày nay hầu như không còn thuộc. Cả thôn cũng chỉ còn cụ Ma Văn Cỏn biết đánh tính tẩu, đàn nhị cũng chỉ còn một người biết đánh”. Chẳng còn nhiều lễ hội có hát giao duyên, các bà, các chị thuộc thế hệ chị Hạnh giờ nhớ lắm cũng chỉ còn nghêu ngao những câu hát vào những lúc ngồi chơi hay đang lao động. Dệt thổ cẩm của người Thái đặc sắc là thế nhưng không có điều kiện để duy trì nơi quê hương mới. Chị Hạnh bảo: “Ở ngoài quê, những cô gái lớn lên ai cũng biết dệt, biết may thêu để đến khi lấy chồng còn mang về tặng nhà chồng những chiếc chăn, khăn piêu, áo hay váy tự tay dệt vải và may, thêu. Chị em trong thôn vẫn có nhiều người còn nhớ cách thêu, may áo váy, khăn piêu đấy nhưng ở đây thì kiếm đâu ra khung cửi hay nguyên vật liệu mà làm. Thành ra, chị em ai cũng có trang phục truyền thống nhưng toàn mua từ ngoài quê mang vào cả”. Với mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, anh Vân, chị Hạnh và nhiều chị em trong làng tự lập đội văn nghệ, tự tập luyện và sẵn sàng bỏ việc rẫy vườn đi biểu diễn ở các hội thi, hội diễn. Chị Hạnh ao ước: “Nếu được tỉnh, thành phố quan tâm có chính sách hỗ trợ giúp đồng bào Thái lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống thì hay biết mấy...”.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc