Multimedia Đọc Báo in

Ông "Ngọc Tây Nguyên"

22:34, 31/01/2014

Tôi đồ rằng, một ngày nào đó nhà văn Nguyên Ngọc sẽ buông bỏ hết mọi thứ để lên Tây Nguyên làm… người Tây Nguyên cho đến hết đời. Cái ngày ấy không biết có xảy ra không - hỏi ông, ông chỉ cười nhưng tôi chắc một điều Tây Nguyên luôn thường trực trong tâm trí của nhà văn này và đều đặn hằng năm, ông đều lên Tây Nguyên thăm chơi (chứ không hẳn là công việc) như một hối thúc tự thân.

Năm 2013, Nguyên Ngọc lên Tây nguyên đến hai lần và lần gần đây nhất là vào những ngày trung tuần tháng Mười. Cũng như mọi khi,  tấm chân tình của ông đối với cuộc sống và con người Tây Nguyên vẫn sâu đậm và đầy đặn như thể ông là đứa con ruột thịt của mảnh đất kỳ vĩ và đầy ắp kỷ niệm này. Trong câu chuyện với ông, tôi nhận ra ông mê và kính trọng nhà truyền giáo, đồng thời cũng là nhà Tây Nguyên học lão luyện Jacques Dournes lắm! Ông nói không mê sao được khi mà tâm thế sống của lão già Dournes ấy (từ Nguyên Ngọc dùng) tuyệt vời đến vậy: “Với Tây Nguyên, nếu phải hiểu để mà có thể yêu, thì phải yêu để mà có thể hiểu…”. Đó thật sự là suy nghĩ, thái độ ứng xử với Tây Nguyên hết sức hiền minh không ai bì kịp. Ông nhắc đi, nhắc lại về tâm thế sống của người Tây Nguyên mà Dournes “ngộ” ra được là “tâm thế rừng”. Rừng ở đây bao trùm lên tất cả, đến nỗi những nhà khai sáng, truyền giáo, học giả… và cả những viên quan bên trời Tây đến cai trị vùng đất này như Henri Maitre, Sabatier, Antomarchi, G. Condominas, Dournes đều bị “văn hóa rừng” mê hoặc. Buộc tất cả họ (và cả chúng ta hôm nay nữa) phải sống, hành xử theo “đạo đức của rừng”.

Với tôi, đã vài lần gặp Nguyên Ngọc, lần nào ông cũng nói về rừng và con người Tây Nguyên bằng niềm tin yêu đau đáu cùng với vốn hiểu biết tường tận vô cùng. Còn nhớ, tại cuộc Hội thảo “Luật tục, hương ước và những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội làng buôn Tây Nguyên” được tổ chức tại Plei Ku - Gia Lai hồi cuối năm 2003, ông nói rằng: “Đây là một cách đặt vấn đề rất đúng, rất kịp thời… Trong suy nghĩ của không ít người, làng buôn không được xem là đơn vị xã hội, mà là đơn vị quản lý hành chính thuần túy. Từ cách hiểu sai lầm này dẫn đến cách tổ chức, quản lý trở nên gượng ép. Công việc bây giờ của chúng ta là phải tìm và khôi phục lại môi trường tự nhiên - văn hóa cho người Tây Nguyên. Khôi phục như thế nào ư? Phải thiết lập các chế độ sở hữu cộng đồng cho làng buôn như xưa, bởi đó là đặc điểm tạo nên buôn làng Tây Nguyên truyền thống. Chẳng hạn như rừng, với đồng bào Tây Nguyên nó không phải là nơi khai thác, mà còn là môi trường, là không gian tồn tại tâm tư và tình cảm của con người. Làng buôn Tây Nguyên tồn tại trong một khu rừng, nếu không có rừng thì không có làng buôn”. Ông càng nói, cái tâm ông càng sáng, trách nhiệm món nợ tinh thần của ông đối với Tây Nguyên càng lớn trước vấn nạn mất rừng đang diễn ra ở đây. Cũng trong cuộc hội thảo này và những lần sau nữa, hễ cứ có dịp là Nguyên Ngọc lại trình bày, hay nói đúng hơn là chia sẻ tâm tư của mình về rừng và cuộc sống gắn với rừng của người Tây Nguyên để mong có một chút thay đổi nào đó từ phía những ai yêu mến mảnh đất này.

Những tâm tư của già làng Tây Nguyên được Nguyên Ngọc quan tâm và lắng nghe (Ảnh: Xuân Chiến)
Những tâm tư của già làng Tây Nguyên được Nguyên Ngọc quan tâm và lắng nghe. Ảnh: Xuân Chiến

Nguyên Ngọc minh triết về rừng thế này: Ở Tây Nguyên rừng núi mênh mông là vậy, nhưng đều có chủ sở hữu rành mạch và rõ ràng. Người chủ của đất và rừng là làng buôn. Người ta gọi đó là quyền sở hữu tập thể của cộng đồng. Sở hữu ấy gồm có các loại rừng sau: Rừng đã biến thành đất thổ cư; Rừng sản xuất (được người dân khai thác để làm rẫy); Rừng sinh hoạt (nơi tìm lấy những thứ cần thiết cho mình) và cuối cùng là Rừng thiêng - nơi các Yàng trú ngụ, không ai được phạm đến. Và đây thực chất là kinh nghiệm giữ rừng đầu nguồn được tích lũy lâu đời của người bản xứ được bọc bên ngoài bằng một “lớp vỏ” tín ngưỡng hữu hiệu. Tất cả các loại rừng đó hợp thành không gian sinh tồn, không gian văn hóa, xã hội của buôn làng. Một buôn làng đúng nghĩa, nhất thiết phải có đủ các loại rừng trên để có thể sinh tồn, làm nên tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên. Như vậy hai đặc điểm quan trọng nhất của xã hội Tây Nguyên là làng buôn và sở hữu tập thể của cộng đồng đối với đất và rừng luôn gắn chặt với nhau. Toàn bộ đời sống từ vật chất, kinh tế, văn hóa, tinh thần…cho đến tín ngưỡng, tâm linh và đạo đức của người Tây Nguyên tồn tại trên nền tảng cơ bản này. Và ông lưu ý rằng sẽ đổ vỡ tất cả khi nền tảng này bị tổn thương và mất đi.

Có lẽ tâm thế sống của Nguyên Ngọc dành cho Tây Nguyên cũng như thế, nên ông rất nhạy cảm với đời sống của người Tây Nguyên trong tiến trình phát triển chung của cả nước. Ông vui vì thấy hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào và cộng đồng quản lý, bảo vệ như một sinh kế bền vững. Ông cho đây là cách làm tốt, nhưng làm sao phải theo đúng tinh thần sở hữu cộng đồng của làng buôn ngày trước mới là điều cơ bản. Việc khôi phục lại làng buôn truyền thống là hết sức quan trọng, từ đó làm sống lại các giá trị văn hóa đích thực ở Tây Nguyên phù hợp với đặc điểm nhân văn của nó, đồng thời từng bước xác lập và gìn giữ, công nhận những giá trị văn hóa cho người bản địa như: luật tục, phong tục, tập quán lâu đời… dựa trên nền tảng làng buôn và sở hữu cộng đồng về đất và rừng. Bởi đó là cội nguồn của đời sống, là phần sâu xa nhất trong con người và cộng đồng các dân tộc ở đây. Hiểu rừng một cách hời hợt, chỉ coi rừng là tài nguyên thôi thì sẽ không thành công, chỉ trượt đi trên bề mặt thực tế, không ăn sâu được vào đời sống của bà con người Tây Nguyên - một lần nữa ông lưu ý.

Được biết, những năm gần đây Nguyên Ngọc lên Tây Nguyên chủ yếu là để thăm bạn bè thân quen cũ. Lúc thì ông có mặt trên đỉnh Ngọc Linh, Dak Glei (Kon Tum) uống rượu với đồng đội, tri ân với đồng bào Mường Hon một thời đùm bọc và cưu mang mình. Dịp khác, ông lại sang Mang Yang, Kông Cho Ro (Gia Lai), rồi ngược về Ea H’leo, Buôn Ma Thuột, Krông Nô (Dak Lak) chia sẻ ân cần với đồng nghiệp như vợ chồng nghệ sĩ H’Ben, Nay Nô, Giang Nga, họa sĩ Xu Man hay nghệ nhân Y Jơn… mà ông gọi đó là những người Tây Nguyên “thứ thiệt”. Những chuyến đi ân tình đó đã giúp ông ra tập Bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” (mới xuất bản năm 2013) như món quà tặng cho Tây Nguyên khi nhà văn đã bước qua tuổi tám mươi. Ở cái tuổi này mà ông vẫn còn đi, và Tây Nguyên là điểm đến thường trực trong ông thì tự đáy lòng những ai đã từng quen biết ông đều cảm phục. Riêng tôi, tôi hiểu điều đó bởi có lần Nguyên Ngọc tâm tình: phải làm một điều gì đó cho Tây Nguyên. Ông nói là làm - và tôi nhớ không sai, kể từ những năm 2000-2003, nhà văn Nguyên Ngọc đã cùng đạo diễn Lê Đức Tiến lên Tây Nguyên “ăn dầm, ở dề” với bà con trong buôn làng xa xôi, hẻo lánh nhất để làm bộ phim tài liệu được đánh giá là rất công tâm và có chất lượng: “Tây Nguyên nguồn cội” được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam sau đó. Tiếp đến là nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên các mặt lịch sử, văn hóa và xã hội của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên cũng được ông âm thầm thực hiện dưới nhiều thể loại đa dạng và phong phú, kể cả bút ký văn học cũng như báo chí vốn là thế mạnh của Nguyên Ngọc.

Cứ mỗi lần gặp ông rồi chia tay, tôi có cảm giác một phần trong con người ông, có khi nhiều hơn thế dường như đã thuộc về Tây Nguyên, vì thế tôi trân trọng gọi ông là Ông “Ngọc Tây Nguyên” cũng chẳng có gì là quá lắm. Và một khi đã thuộc về Tây Nguyên thì hy vọng sẽ còn gặp ông trên mảnh đất thân yêu này, dù qua Tết Giáp Ngọ ông đã bước vào tuổi tám mươi ba. 

Buôn Ma Thuột tháng 11-2013

Bút ký của Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.