Multimedia Đọc Báo in

Người đầu tiên viết giao hưởng Hồ Chí Minh

09:43, 30/01/2014

Đối với mỗi người Việt Nam, Bác Hồ, Hồ Chí Minh luôn là cái tên gợi lên nhiều nỗi xao xuyến, xúc động. Mỗi người có cách thể hiện niềm tôn kính riêng với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã dành trọn cuộc đời để đấu tranh cho độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Nhạc sĩ trẻ Phạm Hoàng Long đã thể hiện niềm tôn kính lãnh tụ của mình qua tác phẩm để đời “Giao hưởng Hồ Chí Minh”.

Con nhà tông

Dàn nhạc Giao hưởng  Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh  đang biểu diễn tác phẩm “Giao hưởng Hồ Chí Minh”
Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh đang biểu diễn tác phẩm “Giao hưởng Hồ Chí Minh”.

Phạm Hoàng Long sinh 1977 tại TP.Hồ Chí Minh trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Người cha của Phạm Hoàng Long, ông Phạm Lý là con của một nghệ nhân có tiếng ở vùng Thường Thới, Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ngay từ nhỏ Phạm Lý đã được sống trong không khí dân nhạc của vùng đất đờn ca tài tử. Cha đờn, mẹ ca, trong nhà cậu bé Phạm Lý, những người cùng một mái ấm, cùng dòng họ Phạm lại cùng hòa ca trong một ban nhạc lễ. Chính sự trang trọng, linh thiêng của dòng  nhạc này cùng với lòng yêu nước đã khiến gia đình âm nhạc họ Phạm gửi cậu bé Phạm Lý mới 11 tuổi vào đoàn văn nghệ cách mạng khi Nam Bộ bước vào cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. Sau 1954 tập kết ra Bắc, trò Phạm Lý được vào trường nhạc Việt Nam rồi Nhạc viện Traicopxky (Liên Xô) để được đào tạo chính quy và trở thành nhạc sĩ chuyên về lý luận sáng tác. Ngày miền Nam giải phóng, sau mấy mươi năm xa cách, anh bộ đội tập kết Phạm Lý được trở lại quê nhà. Cảm hứng dâng trào, nhạc sĩ Phạm Lý đã viết tặng quê hương mình ca khúc “Khi bóng em qua cầu”. Bài hát này được in báo, đã thành văn bản mực đen giấy trắng, là tác phẩm có tác giả. Nhưng, vượt qua tất cả những ràng buộc kia, nhạc phẩm thành văn “Khi bóng em qua cầu” của Phạm Lý đã thành bài “Lý qua cầu” dân gian, trở thành sản phẩm văn hóa cộng đồng. Nhạc sĩ Phạm Lý trở thành người viết dân ca. Cùng với “Lý qua cầu”, ông còn viết nhiều bài lý hiện đại: “Lý bông trang”, “Lý trăng soi”, “Lý Mỹ Hưng”, “Lý tương phùng”... và tất cả những bài lý ấy tạo ra “khí quyển âm nhạc” để cậu bé Phạm Hoàng Long hít thở và thành nhạc sĩ Phạm Hoàng Long hôm nay. Được rèn luyện trong nhạc viện từ nhỏ, sau khi tốt nghiệp trung học Piano, anh học bậc đại học ngành học này và đã tốt nghiệp loại giỏi. Sau đó Phạm Hoàng Long tiếp tục lấy bằng đại học chuyên ngành sáng tác. Sau khi ra trường, anh tìm ngay được việc làm thích hợp - biên tập viên âm nhạc Đài Tiếng nói nhân dân TP.Hồ Chí Minh. Quá trình đào tạo chính quy ấy giúp Phạm Hoàng Long vừa biên tập chương trình vừa sáng tác rất hiệu quả. Phạm Hoàng Long đã có những thành công đáng kể, với danh mục khá dài các sáng tác thanh nhạc như: “Hà Nội trong trái tim em”, “Tình sóng và biển”, “Những điều em không biết” (giải IV - Cuộc vận động sáng tác ca khúc về Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - năm 2011), “Bài ca mùa Xuân”, “Khúc ca Xuân”, “Anh không là giấc mơ”, “Điện Biên sáng mãi bản trường ca anh hùng”, “Hương tóc cỏ nội”, “Đường phố bình yên”, “Lỗi hẹn”, “Khúc Xuân cho em”, “Mời trầu”, “Trái tim tuổi trẻ tình nguyên”, “Tự hào giai cấp Công nhân Việt Nam”… Nhưng có lẽ người ta biết đến anh nhiều với các tác phẩm khí nhạc: Chùm 8 Prelude ký ức tuổi thơ biến tấu cho đàn Piano và Cello; Concerto cho Piano và dàn nhạc Dáng đứng Việt Nam; Ngũ tấu Sóng đàn Cửu Long - cho Piano và dàn dây. Và đặc biệt là tác phẩm Giao hưởng Hồ Chí Minh.

Tác phẩm để đời

Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long (trái) nhận hoa từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam  trong buổi ra mắt tác phẩm.
Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long (trái) nhận hoa từ nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam trong buổi ra mắt tác phẩm.

Viết về một nhân vật mang tầm vóc vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nói là không dễ. Hơn nữa lại dùng phương tiện là nhạc giao hưởng lại càng là điều không hề đơn giản. Từ rất lâu, đã có nhiều nhạc sĩ tên tuổi của Việt Nam thực hiện ý định này, nhưng dường như tất cả chỉ “dám” viết về một khía cạnh nào đó về Người. Thế nhưng Phạm Hoàng Long đã mạnh dạn thực hiện đề tài lớn này một cách trực diện khi tự tin đặt tên tác phẩm là “Giao hưởng Hồ Chí Minh”. Giao hưởng gồm 4 chương: Chương I - Sứ mệnh: Dựng lại bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam  những năm u tối cuối thế kỷ 19 khi dân tộc ta đang cần tìm một lối thoát, một con đường sáng. Sự xuất hiện của người thanh niêu yêu nước Nguyễn Tất Thành như là sự đáp ứng kịp thời. Lịch sử đã giao cho người thanh niên ưu tú sứ mệnh giải phóng dân tộc Việt Nam. Chuyển qua chương II - Ánh sáng: Sứ mệnh trên đã lớn thành tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Tới chương III - Niềm tin: Tư tưởng Hồ Chí Minh biến thành tình cảm sắt son, thành niềm hân hoan của mỗi người dân đất Việt đối với sự nghiệp giải phóng mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã mở đường. Chương kết - Vinh quang Việt Nam, vang lên như một khải hoàn ca trong đó hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hòa làm một với hình tượng đất nước đang tiến vào một kỷ nguyên mới. Nhạc sĩ Phạm Hoàng Long cho biết, hình tượng âm nhạc Hồ Chí Minh đã chủ yếu được xây dựng từ chất liệu dân ca Nam Bộ. Sở dĩ anh sử dụng chất liệu này bởi hơn ai hết, anh là người “làm chủ” và hiểu rõ về dân ca Nam Bộ từ những cảm nhận cũng như những kiến thức quý báu từ cái nôi âm nhạc là cha mình. Cũng cần biết thêm, người trực tiếp giúp đỡ Phạm Hoàng Long hoàn thành Giao hưởng Hồ Chí Minh chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam, cũng là học sinh miền Nam tập kết, cũng từng học âm nhạc tại Nga và hiện đang công tác tại Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Cùng chất liệu dân gian Nam Bộ, trong “Giao hưởng Hồ Chí Minh”, Hoàng Long còn phát triển các giai điệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Người nghe dễ nhận ra câu hò Cần Thơ mà nhạc sĩ Trần Kiết Tường đã viết thành bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”…  Có nhiều giao hưởng đã đưa nhạc cụ dân tộc (tranh, nguyệt, nhị, bàu, sáo trúc…) vào dàn nhạc Tây phương để âm sắc Việt Nam rõ hơn trong giao hưởng của mình, nhưng với “Giao hưởng Hồ Chí Minh”, Hoàng Long chỉ sử dụng duy nhất một nhạc khí mà theo anh là rất Việt Nam, đó là cái trống đại. Hoàng Long giải thích, trống đại gợi ra không gian lễ hội vì thế nó có mặt trong chương III - Niềm tin. Có tiếng trống như tiếng sấm vang từ các đình chùa Việt Nam, niềm tin trở thành đức tin thiêng liêng. Tính anh minh, anh linh của hình tượng Hồ Chí Minh rõ hơn.

Kể lại quá trình sáng tác tác phẩm “Giao hưởng Hồ Chí Minh”, Hoàng Long cho hay, viết về Bác Hồ kính yêu của chúng ta là đề tài lớn mà anh ấp ủ từ rất lâu. Để có thể hình thành tác phẩm này anh phải trả lời rất nhiều câu hỏi: triển khai ý tưởng bằng tiêu đề các chương thế nào? Chủ đề âm nhạc các chương thế nào? Làm sao để có thể lồng ghép âm nhạc dân tộc vào trong tác phẩm khí nhạc? Chọn ngôn ngữ âm nhạc nào để thể hiện? Thang âm, điệu thức nào? Các bài hát dân gian có thể lồng ghép vào được không?...Tất cả cũng đã được gợi mở trong chính quá trình sáng tác miệt mài trong khoảng thời gian 4 tháng (tháng 2 đến tháng 5-2011), mỗi ngày anh tập trung viết từ 8 đến 12 tiếng và ròng rã như thế. Hoàng Long tâm sự, điều tâm đắc nhất về tác phẩm là mình đã làm được điều mình muốn, mình đã biết ước mơ và biến ước mơ của mình thành sự thật. Và nhạc sĩ Phạm Hoàng Long đã hoàn thành tác phẩm này với mong muốn mang hơi thở âm điệu quê hương góp vào kho tàng âm nhạc Việt Nam.

Quốc Anh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.