Multimedia Đọc Báo in

Yêu Tây Nguyên qua từng trang bút ký "Các bạn tôi ở trên ấy" của nhà văn Nguyên Ngọc

08:54, 04/01/2014
Đọc tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy” của nhà văn Nguyên Ngọc (NXB Trẻ, 2013), tôi nhớ lại câu thơ của  nhà thơ Giang Nam mà nhiều bạn đọc đã biết: “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”.

Từ tình yêu vùng đất và con người Tây Nguyên, Nguyên Ngọc truyền tình yêu ấy đến bạn đọc qua từng trang bút ký của mình.

Như nhiều độc giả đã biết, Nguyên Ngọc đến với Tây Nguyên như một lẽ tự nhiên. Cái “tạng” của ông phù hợp với người và cảnh của vùng này. Dù không được trực tiếp gặp ông, sống gần ông nhưng bạn đọc vẫn có thể “tri nhân, tri diện” và cả “tri tâm” về ông qua các tác phẩm nổi tiếng: “Đất nước đứng lên” (1956), “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” (1969), “Đất Quảng” (1974)… Ở Nguyên Ngọc, văn với người là một.

Biểu diễn cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia
Biểu diễn cồng chiêng là một phần không thể thiếu trong các lễ hội của người Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Trái tim hồn nhiên, trong suốt, cách nhìn thẳng băng của nhà văn đập cùng một nhịp, cùng cách nhìn với những nhân vật của ông: Đinh Núp, cụ Mết, Trúc, cô Mai, cô Dít…

Đọc tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy”, chúng ta cảm nhận sâu sắc Nguyên Ngọc là một trí thức của núi rừng, là nhà văn hóa của Tây Nguyên với vốn hiểu biết vô cùng phong phú.

Độc giả tìm đọc “Các bạn tôi  trên Tây Nguyên”.                   Ảnh: H.G
Độc giả tìm đọc “Các bạn tôi ở trên ấy”. Ảnh: H.G

Ai đó, từ các vùng miền của đất nước, mới đến Tây Nguyên, nhờ Nguyên Ngọc mà biết được: “Tây Nguyên, gọi đúng hơn là Nam Trường Sơn, là một bình nguyên lớn do một lần nâng cao hay sụt lún đột ngột nào đó trong những kỳ địa chất xa xưa – bỗng nhô hẳn lên so với địa hình chung quanh và tồn tại như vậy cho đến ngày nay… Tây Nguyên: Cao vút lên ở hai đầu, mạn cực bắc là cụm núi lớn Ngok Linh cao nhất toàn miền Nam, cực nam là dãy Chư Yang Sin, chỉ nhỏ và thấp hơn đôi chút, còn ở giữa là một bình nguyên lượn sóng vô tận, đẹp đến mê hồn vào bất cứ mùa nào” (tr8). Nguyên Ngọc cảm nhận sâu sắc nhiều tầng văn hóa của Tây Nguyên, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể. Một vài dẫn chứng:

“Thường nói đến Tây Nguyên bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến nhà rông, kiến trúc kỳ lạ, như một lưỡi rìu khổng lồ dựng ngược, như một cánh buồm lớn đột ngột vút lên giữa rừng núi bạt ngàn và thâm u” (tr8).

“Trong sử thi Đam San của người Êđê”… nhà dài như một tiếng chiêng…” ở đây người ta lấy tiếng chiêng thành đơn vị đo lường… nhà Tây Nguyên dài (thời trước nhà ông Ama Thuột, người đã được lấy tên để đặt cho cái làng về sau đã trở thành thành phố thủ phủ Tây Nguyên bây giờ – dài đến 200m, đến nỗi khi cần tập hợp gia đình ông chủ nhà phải thổi tù và” (tr9).

“Người Tây Nguyên chỉ “nuôi” mộ người chết một thời gian, rồi làm lễ bỏ mả, bỏ luôn, mãi mãi, trả con người về lại cho rừng vĩnh cửu” (tr 68).

“Ở Tây Nguyên, một đứa bé lọt lòng mẹ ra vẫn chưa phải là một con người. Người ta phải thổi linh hồn vào cho nó thành người. Thổi vào đâu? Thổi qua lỗ tai. Vì thế mà có lễ thổi tai cho đứa bé sơ sinh… Người đàn bà thổi tai thường là một bà đã đứng tuổi… Bà cầm một cuộn chỉ bông, lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé. Vừa thổi vừa khấn: thông lỗ mũi/ tinh lỗ tai/ phun gừng/ tai trái/ nhớ lấy công việc/ tai phải/ nhớ lấy ruộng rẫy/ làm người, hãy nhận lấy hồn người đây/ con trai/ phải nhớ lấy cái cuốc/ phải nhớ lấy cái rìu/ phải nhớ lấy cái giáo giữ làng/ cái ná và ống tên/ con gái/ chớ quên chiếc xa cán bông/ cái go dệt vải/ chớ quên cái yết làm cỏ/ cái gùi suốt lúa/ giọt nước đầu làng/ và bếp lửa ủ ấm mẹ cha…” (tr 304, 305).

Tình yêu Tây Nguyên của Nguyên Ngọc gắn bó với “văn hóa rừng” Nam Trường Sơn. Tình yêu ấy luôn thường trực trong lòng như ông đã bộc bạch và triết luận: “Ở Tây Nguyên tự nhiên tức là rừng. Tôi vẫn ngày đêm phập phồng lo nghĩ, may quá cho tôi, rừng Tây Nguyên đã bị tàn phá nhiều lắm, nhìn mà cháy ruột, nhưng vẫn còn một ít, như Ngok Linh, như Chư Yang Sin… và như vậy thì tôi vẫn còn những người bạn trên đó. Nếu một ngày nào đó, với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa này, không còn chút rừng nào nữa để họ thỉnh thoảng lại tan biến vào đấy, thì sẽ ra sao nhỉ? Tôi không biết. Tôi sợ…” (tr 73).

Rừng Tây Nguyên vẫn còn. Nguyên Ngọc vẫn còn những người bạn ở trên ấy – những người đã mất và còn… Người mà Nguyên Ngọc kính yêu nhất là cụ Núp: “Người già làng của cả Tây Nguyên”. Nhà văn đã dùng những ngôn từ đẹp nhất để ca ngợi cụ Núp: “Có lẽ ông là một trong những cụ già đẹp nhất của nước ta trong mấy mươi năm trở lại đây. Cường trứng, lẫm liệt, quắc thước như một vị tướng, mà vẫn lại cứ phúc hậu, thong dong như một ông tiên. Cặp mắt cười dễ dãi ngây thơ như trẻ con, và vầng trán thì thanh cao như của một nhà hiền triết” (tr 80).

Tập sách với 24 bài bút ký – thể loại văn học vừa giúp người đọc như được tai nghe mắt thấy những điều nhà văn ghi lại, vừa được thăng hoa cùng với những cảm xúc, những triết luận từ những trải nghiệm cuộc đời của ông lão đã ngoài 80 xuân với vốn tri thức phong phú về văn hóa học, dân tộc học, xã hội học… đã giúp bạn đọc hiểu (dù chỉ một phần) về Tây Nguyên để rồi yêu vùng đất và con người nơi đây…

Trương Tử Kỳ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.