Multimedia Đọc Báo in

Để bảo tồn và phát huy vốn văn hóa bản địa: Câu trả lời phải hỏi chính chủ thể

07:20, 01/03/2014

Chuyện về bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của các tộc người bản địa ở Tây Nguyên hiện đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm: đó là nền tảng, thiết chế xã hội cổ truyền dần bị biến đổi, và tất nhiên ý thức của chính chủ thể vốn văn hóa ấy bị dần thay đổi theo… khiến việc duy trì, phát huy vốn văn hóa trên chưa thực sự hiệu quả.

Lễ hội không còn “môi trường thiêng”

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm chắc chắn một điều: hiện không còn, hoặc còn quá ít lễ hội được bà con tự thân tổ chức một cách đúng nghĩa trong các buôn làng. Sự thay đổi tín ngưỡng cùng với phương thức canh tác hiện nay đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của cư dân các cộng đồng dân tộc bản địa trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa cổ truyền của họ, trong đó có lễ hội. Một khi lễ hội - được xem như một tập hợp sống động và đầy đủ nhất các yếu tố văn hóa chứa đựng trong đó (là nghi thức, tín ngưỡng, âm nhạc, vũ điệu…) không còn thì tất yếu mọi thứ đều phai lạt dần trong đời sống tinh thần của bà con. Bà Linh Nga cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng: Những lễ hội truyền thống trong năm (theo nghi thức vòng đời hoặc mùa vụ nông nghiệp) của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vô cùng đặc sắc, độc đáo. Nhưng trong cuộc sống đương đại hôm nay, để tìm và thưởng thức một lễ hội đích thực của đồng bào Êđê, M’Nông, Ja rai, Sê Đăng hay Ba Na… thì quả là không dễ. Nguyên nhân như đã nói - là nền tảng, thiết chế xã hội đã thay đổi, cộng với nhận thức của người dân về vốn văn hóa giàu bản sắc của họ không được khích lệ, vun đắp khiến họ xa rời. Bà Linh Nga bày tỏ sự bất ngờ khi thấy rất nhiều nơi, ngay cả trong những buôn làng xa xôi nhất ở huyện Lak, Ea H’leo, Cư M’gar (Dak Lak) cho đến Dak RLấp, Dak Song, Dak Glong (Dak Nông)… bà con không còn đánh chiêng trong các dịp lễ trọng và cả những sinh hoạt mang tính chất giao đãi vốn có của các tộc người bản xứ.

Dù không gian sống đã thay đổi, nhưng Lễ hội Cúng lúa mới của người Sê Đăng (buôn Kon Hring, Cư M’gar) cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống là “bữa ăn cộng cảm”.
Dù không gian sống đã thay đổi, nhưng Lễ hội Cúng lúa mới của người Sê Đăng (buôn Kon Hring, Cư M’gar) cố gắng gìn giữ nét văn hóa truyền thống là “bữa ăn cộng cảm”.

Lý giải điều này không đơn giản, tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tây Nguyên đều có chung nhận xét: Do “môi trường thiêng” đã mất, từ niềm tin đa thần và vạn vật hữu linh bao đời nay ngự trị và chi phối mọi suy nghĩ, sinh hoạt của bà con trong đời sống đã mất dần chỗ đứng nên tiếng chiêng không còn ý nghĩa với Yàng và các thần linh. Vì thế tiếng chiêng không còn và không được coi là phương tiện “cứu cánh” nữa (!?)

Câu trả lời phải từ chính chủ thể

Qua tìm hiểu, lắng nghe nhiều người có tâm huyết với vấn đề trên, một số ý kiến cho rằng lễ hội nói chung và các giá trị văn hóa truyền thống nói riêng của các dân tộc bản địa đã có một đời sống mới, hay nói cách khác nó đã bước ra khỏi “môi trường thiêng” để hòa nhập và phát triển với những giá trị mới, tương thích cùng đời sống đương đại. Vậy điều đó phải nhìn nhận như thế nào? Hầu hết những người trong cuộc đánh giá: bất kỳ một giá trị văn hóa nào đều có bước chuyển mình theo lịch sử, sự rạn nứt rồi đứt gãy… sau đó tự thân chúng sắp xếp lại theo logic và trật tự tích cực và phù hợp với môi trường mới là chuyện đương nhiên. Nhưng ở đây, nhìn vào lễ hội truyền thống của bà con được một cơ quan, đơn vị nào đó đứng ra làm “ông bầu” để tổ chức thì dường như logic ấy đã khác, hay nói một cách chính xác là đã lai tạp rất nhiều. Cách đây hàng chục năm, khi Lễ hội đón hồn lúa về kho của đồng bào M’nông ở huyện Lak hoàn toàn không có “kịch bản” dựng trước, nhưng sao mà tưng bừng, rộn rã đến thế. Mỗi thành viên trong cộng đồng là mỗi thành tố chân thực và thiết yếu để làm nên giá trị văn hóa đúng nghĩa, không lẫn lộn với dân tộc khác - từ nơi chốn, trang phục, âm nhạc cồng chiêng, vũ điệu… đến lễ vật dâng cúng và hiến tế. Tương tự, trong thời gian đó các dân tộc Êđê, Ja rai, Sê Đăng hay Ba Na cũng thế khi đồng bào tự ý thức và tổ chức lễ hội cho mình bao giờ cũng đạt đến sự chân thực nhất như nó vốn có. Từ đó mới thấy việc bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa của các cộng đồng dân tộc ở đây thuận theo cuộc sống bền vững và không vấp phải trở ngại nào.

Tiếc là hiện nay đang diễn ra tình trạng “áp đặt” phương thức bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa người bản địa không đúng với tinh thần truyền thống. Nhà nước bỏ tiền ra để tổ chức rất nhiều lễ hội hàng năm cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhưng hiệu quả mang lại không đáng kể. Nói về vấn đề này, ông Y Kô - cán bộ Phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT-DL) cũng như Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông (Trường ĐH Tây Nguyên) lưu ý: không hẳn là cứ bỏ tiền ra để tổ chức, phục dựng lại lễ hội và cổ xúy bà con đứng ra gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là được; mà nên hỏi họ nên giữ lại cái gì, không giữ lại cái gì… chắc chắn sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Tất nhiên để giải được “bài toán” khó này đòi hỏi một thiết chế quản lý, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống, nhất là các dân tộc bản địa phù hợp. Trong đó điều trước tiên và cũng là điều cấp bách nhất là phải đào tạo những người đồng bào dân tộc tại chỗ thật sự hiểu biết sâu sắc về vốn văn hóa của cộng đồng mình khi làm công tác văn hóa từ cấp cơ sở. Bởi đơn giản một điều: khi thật sự hiểu và yêu những gì mình có thì họ mới dễ dàng gìn giữ được.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc