Ca khúc "Hò kéo pháo" trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Bộ đội đưa pháo vào trận địa. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Nhạc phẩm “Hò kéo pháo” vừa mang tính hào hùng, song lại vừa có nét cảm thương phảng phất trong từng giai điệu. Quả vậy, như trên đã nói, ca khúc này ra đời bắt nguồn từ một thực tế khi thấy hành động quả cảm của quân ta trong tư thế kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra khỏi trận địa do sự thay đổi chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" của tướng Giáp. Cảm xúc của người lính kéo pháo với một quyết tâm cao như núi đan xen cái hùng và cái bi, sự vững tin và nỗi đau mất mát đã khiến cho ca khúc thấm đẫm nỗi niềm đồng cảm, vừa hùng tráng bay bổng, vừa lắng đọng nỗi ray rứt trầm buồn trong từng điệu nhạc. Có phải thấu cảm được tấm lòng người chiến sĩ vậy chăng mà từ khi mới ra đời, “Hò kéo pháo” đã bay đi rất nhanh, len qua từng đơn vị chiến đấu, thấm vào lòng dạ không biết bao nhiêu người góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng của đất nước.
“Hò kéo pháo” sau đó đã nhanh chóng được những nghệ sĩ tên tuổi hát vang trong trận địa đánh Pháp, ngay cả lúc hòa bình và hát mãi đến hôm nay; hát cho những người lính sau nhiều ngày đêm kéo pháo mỏi mệt, hát cho cả vị tướng huyền thoại lừng danh Võ Nguyên Giáp nghe và được tặng ngay giải Nhất trong Đại hội Liên hoan toàn quân 1954. Ra đời đã 60 năm qua, song chắc chắn ca khúc này sẽ còn vang vọng mãi, đồng hành cùng chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ca từ nên thơ và giai điệu vừa hào sảng, vừa thoáng chút nỗi niềm, Hò kéo pháo ngân lên như một hồi kèn xung trận, lẫm liệt mà tràn đầy tình yêu thương tha thiết: "Gà rừng gáy trên nương rồi, kéo pháo ra băng qua đồi trước khi trời hửng sáng. Sắp đến nơi rồi, còn một đợt nữa thôi. Vai ướt đẫm sương đêm cùng mồ hôi..."
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc