Multimedia Đọc Báo in

Liên hoan hát ru và hát dân ca cổ truyền tỉnh lần thứ nhất: Ngọt ngào làn điệu quê hương

11:32, 16/05/2014

Lần đầu tiên, Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ truyền tỉnh được tổ chức đã thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp và sự động viên, cổ vũ nhiệt tình của người dân. Liên hoan không chỉ là “sân chơi” để chị em thể hiện tài năng, niềm đam mê ca hát mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ngay từ sáng sớm, không khí tại Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã sôi động bởi những bộ trang phục đa dạng, rực rỡ sắc màu của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam cùng nhiều đạo cụ như đàn tơ rưng, đàn tính, kèn, nón quai thao, quạt, hoa sen và đông đảo người dân đến xem, cổ vũ cho các thí sinh. Đây là lần đầu tiên Hội LHPN tỉnh tổ chức một Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ truyền bài bản, có quy mô từ cấp xã, phường, thị trấn đến huyện, tỉnh. Bằng tài năng, sự nỗ lực chuẩn bị công phu, 89 thí sinh của 15 huyện, thị xã, thành phố đã vượt qua nhiều thí sinh khác để được giao lưu, gặp gỡ và cùng nhau so tài tại liên hoan cấp tỉnh, trong đó có 15 thí sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Mỗi đơn vị có 2 tiết mục dự thi, sử dụng các chất liệu nghệ thuật dân gian như: hát ru, dân ca, ví dặm, quan họ, chèo…, với nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Người xem không chỉ hòa mình vào những làn điệu dân ca, hát ru ngọt ngào, sâu lắng, trải dọc cả 3 miền Bắc, Trung, Nam qua các bài hát như: “Còn duyên”, “Lý mười thương”, “Lý ngựa ô”, “Ngồi tựa song đào”, “Neo đậu bến quê”, “Trên quê hương quan họ”, “Lúng liếng”, “Lý giận thương”… mà còn được khám phá những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Êđê, Tày, M’nông qua các bài hát “Ru em mùa lúa chín”, “Bến nước Dur Kmăn”, “Ngày sinh nhật Bác”, “Tìm chị tìm em”, “Hát ru con”… Đặc biệt, tại liên hoan lần này cũng có các tiết mục tự biên, sáng tác lời mới gắn với nhiệm vụ công tác Hội, các phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước, học và làm theo lời Bác, vai trò của Hội phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, phòng, chống bạo lực gia đình…
Tiết mục
Tiết mục "Bến nước Dur Kmăn" - Dân ca Êđê.

Đến từ thôn 12 (xã Ea Pil, huyện M’Drak), chị Trương Thị Huyên (dân tộc Tày) đã rất hồi hộp khi lần đầu tiên được tham gia liên hoan hát ru, hát dân ca cấp tỉnh. Khi còn nhỏ, chị đã được các anh, chị dạy cho những làn điệu dân ca Tày, cách đánh đàn tính và bồi đắp tình yêu đối với nghệ thuật truyền thống của dân tộc Cao Bằng. Khi chuyển vào sinh sống tại Dak Lak từ năm 1997, dù rất bận rộn với việc mưu sinh nhưng chị vẫn duy trì niềm đam mê của mình. Và chính điều đó đã giúp chị vượt qua các vòng thi tại liên hoan cấp cơ sở, huyện để được so tài cùng chị em trong liên hoan cấp tỉnh bằng một bài hát dân ca tự biên “Ngày sinh nhật Bác”.

Chị Huyên chia sẻ: “Bài hát này có nội dung kể về quá trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Với tình yêu nước, thương dân sâu sắc, Bác đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để giải phóng dân tộc, đem đến hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho muôn nhà. Để hoàn thành bài hát, những lúc đi làm nông tôi tranh thủ sáng tác lời, nhịp điệu, tối đến thì tập hát, đánh đàn tính”. Bên cạnh niềm vui được tham dự liên hoan, chị Huyên cũng bày tỏ mong muốn các cấp, ngành quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tương tự để chị em được giao lưu, học hỏi, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Còn đối với thí sinh H’Blét Knul ở buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) – một trong những thí sinh nhỏ tuổi nhất tham dự liên hoan lại mang tâm trạng hồi hộp, lo lắng: “Mặc dù em cũng tham gia đội văn nghệ của buôn nhưng chủ yếu là tập ca hát để giao lưu với các xã khác trong huyện. Đây là lần đầu tiên em tham gia một liên hoan cấp tỉnh được tổ chức quy mô nên cảm thấy rất vui và tự hào. Với tiết mục “Bến nước Dur Kmăn”, đội của em mong muốn được giới thiệu cho mọi người nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê thông qua lời ca, tiếng đàn và điệu múa của dân tộc mình”.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Thoa cho biết: Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ truyền tỉnh lần thứ nhất năm 2014 có ý nghĩa rất lớn trong việc triển khai đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”, đồng thời nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp phụ nữ và là sân chơi lành mạnh,

bổ ích, tạo môi trường thuận lợi để chị em được giao lưu, học hỏi trao đổi kinh nghiệm. Qua đó tiếp tục kế thừa, phát triển và sáng tạo nghệ thuật dân gian, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Theo đánh giá của Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Chánh chủ khảo liên hoan: Liên hoan hát ru, hát dân ca cổ truyền tỉnh được tổ chức trong thời điểm này rất có ý nghĩa, không chỉ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước mà còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngày nay, trước sự bùng nổ của các loại hình âm nhạc thì nghệ thuật hát ru, hát dân ca đang có nguy cơ bị mai một, hình ảnh người mẹ bồng con ầu ơ hát ru ngày một thiếu vắng. Do đó, liên hoan đã tạo cơ hội để chị em sưu tầm, phục hồi, truyền dạy và thể hiện các làn điệu dân ca, hát ru truyền thống. Bằng niềm đam mê ca hát và sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, các thí sinh đã mang đến cho liên hoan âm hưởng của những khúc hát ru, hát dân ca nhẹ nhàng, ngọt ngào, sâu lắng chứa chan tình yêu thương đất nước, con người.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.