Multimedia Đọc Báo in

Niềm mong mỏi của những người yêu âm nhạc Tây Nguyên

08:59, 15/06/2014

1. Hồi những năm 80 của thế kỷ 20, tôi từng nghe một bạn yêu nhạc người nước ngoài đã lựa chọn 6 ca khúc hay nhất Việt Nam. Tôi chỉ còn nhớ tên ba ca khúc trong số ấy, là: “Bài ca trên núi” (trích nhạc phim “Vợ chồng A Phủ” - Nguyễn Văn Thương), “Tình ca Tây Bắc” (Bùi Đức Hạnh) và “H’Zen lên rẫy” (Nguyễn Cường). Trong số ba bài này, có một bài viết từ chất liệu âm nhạc Tây Nguyên: “H’Zen lên rẫy”. Thật là thú vị.

Những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên luôn được nhiều ca sĩ trẻ người dân tộc thiểu số lựa chọn trình bày trong các cuộc thi.       Ảnh: Hoàng Gia
Những ca khúc mang âm hưởng Tây Nguyên luôn được nhiều ca sĩ trẻ người dân tộc thiểu số lựa chọn trình bày trong các cuộc thi. Ảnh: Hoàng Gia

2. Tôi nhận được một cuộc điện thoại đường dài từ TP.Hồ Chí Minh vào lúc 21 giờ đêm. Nghe giọng, tôi đoán người nhạc sĩ chừng trên dưới 40 tuổi. Sau những câu giao đãi, anh hỏi:

- Từ sau 1975 đã có rất nhiều ca sĩ, nghệ sĩ Tây Nguyên học hành âm nhạc có bài bản, thành danh trên nhiều sàn diễn, tập tành sáng tác ở TP.Hồ Chí Minh. Chị nghe bài hát của các em chưa?  Chị nghĩ thế nào khi các em sáng tác toàn nhạc thị trường, chẳng có chút gì âm nhạc Tây Nguyên trong đó? Thậm chí còn sáng tác bằng tiếng Anh nữa. Tây Nguyên của chính các em đâu rồi?

- Tôi không trách chuyện các em không trở lại quê hương. Ở đâu có việc làm, nhất là làm nghề mình được học nữa, là tốt rồi. Còn chuyện sáng tác… Có khi đấy là cách “hội nhập” của mỗi người thì sao?

- Âm nhạc dân gian Tây Nguyên vô cùng tuyệt vời, người nhạc sĩ nào cũng ao ước viết được những ca khúc để đời từ chất liệu ấy. Sao các em lại không hả chị?

- Tôi e các em cũng không nhớ, không biết  nhiều những làn điệu dân ca của tộc người mình đâu. Học suốt từ trung cấp lên đại học, chỉ toàn Sostacovik, Traicopski, Medenson…; nghe toàn rap, rock…; lại còn muốn bài hát của mình thành “hot, hit” trong giới trẻ hiện nay nữa, thì đó là điều tất nhiên thôi bạn ơi.

- Tôi có hỏi nhiều bạn Tây Nguyên câu này, chẳng ai trả lời. Sao vậy chị?      

Đến câu này thì tôi cũng không biết trả lời thế nào bởi sự thật quả có thế. Đành đem ý kiến này hỏi các bạn trẻ làm nhạc Tây Nguyên hiện nay, may ra có câu trả lời thỏa đáng chăng? Cá nhân tôi mong đến một lúc nào đó trái xanh sẽ chín và thơm ngon.

3. Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên nói chung, là nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ. Rất nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thành công bằng đề tài nghiên cứu văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Nhiều tác phẩm múa để đời bằng chất liệu múa J’rai, Bana, Chăm (Ca Tu, Rong chiêng, Chim ưng, Kong Koh…) không chỉ giành nhiều Huy chương Vàng trong các liên hoan, hội diễn mà còn được đưa đi biểu diễn khắp thế giới. Không ít các ca khúc được nhiều thế hệ người nghe yêu thích từ đường nét âm nhạc dân gian Tây Nguyên, thậm chí cả giao hưởng lẫn nhạc kịch (như các vở Opera: Người tạc tượng, Bên bờ Krông Pa, Đất nước đứng lên…). Có người nhạc sĩ nào không mơ ước viết được những tác phẩm nhạc nhẹ mang âm hưởng Tây Nguyên như “Cây đàn Cha Pi”, “Chuyện tình trên thảo nguyên”… (Trần Tiến); “Ơ M’Drak”,  “H’Zen lên rẫy”, “Và ta đã thấy mặt trời rạo rực trên cao nguyên”… (Nguyễn Cường), “Bài ca trên đồi” (Mạnh Trí) hay các ca khúc nghệ thuật như “Bóng cây Knia” (Phan Huỳnh Điểu - Ngọc Anh), “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” (Kpă Y Lăng – Lê Lôi), “Tình ca Tây Nguyên” (Hoàng Vân)... Đã có rất nhiều nhạc sĩ dừng chân trên quê hương Tây Nguyên, muốn để lại dấu ấn cảm xúc của mình bằng các ca khúc với những quãng nửa cung đặc trưng quen thuộc của dân ca J’rai, Bana... Đa số các tác giả sinh sống ở Tây Nguyên, hoặc gắn bó lâu dài với miền quê đất đỏ, đều muốn khắc họa những rung động của tâm hồn mình từ âm nhạc dân gian các tộc người K’ho, Êđê, M’nông…

Còn làm nhạc hiện nay? Quá phổ biến, quá dễ dàng. Thậm chí một tác giả từng đoạt giải “Bài hát yêu thích 2013” đã lấy nhạc nền Hàn Quốc, viết giai điệu na ná bên trên, thành bài “hit”; còn thì cứ hát lên là thành ca khúc, tham gia vài cuộc thi ca nhạc là thành ca sĩ! Những ca khúc nghệ thuật sẽ “xanh mãi với thời gian”; còn những bài hát thời thượng thì giống như thời trang, lúc này có thể rất “hot”, nhưng vài tháng sau đã chìm nghỉm đâu đó rồi. Bạn muốn sáng tác kiểu gì mà không  được? Đó cũng là cảm xúc, là quyền của mỗi cá nhân. Chỉ có điều, ca khúc của bạn có đến được và ở lại trong tâm hồn người yêu mến nhạc Tây Nguyên hay không mà thôi.

Nhạc sĩ Linh Nga Niê kdam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.