Multimedia Đọc Báo in

Cảm xúc khi nghe "Tổ quốc gọi tên mình"

08:07, 03/07/2014
Những lúc giải lao giữa giờ làm việc căng thẳng, chúng tôi thường nghe bài hát Tổ quốc gọi tên mình.  Dù đã nghe đi nghe lại nhiều lần nhưng lần nào những ca từ trong bài hát cũng dội vào lòng chúng tôi những cảm xúc khó tả, đó là sự phấn chấn, tự tin, xúc động đến trào nước mắt, thương cho đất nước nhỏ bé của mình, chỉ chiếm diện tích nhỏ trên bản đồ thế giới mà bao phen phải chống lại kẻ thù xâm lăng, biết bao máu xương cha ông phải đổ xuống mảnh đất này để cho chúng ta có cuộc sống yên bình, hạnh phúc như ngày nay. Gần 40 năm sau ngày đất nước được giải phóng, đất nước ta vẫn “chưa bao giờ ngơi nghỉ”, đã oằn mình vươn dậy sau những đổ vỡ của chiến tranh để xây dựng, giữ gìn và phát triển.

Bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai. Bài thơ được nhà thơ Quế Mai gửi đăng trên báo Hà Nội Mới ngay khi chị viết xong ở Đức tháng 6-2011. Mới ra đời, nhưng nhạc phẩm này đã có sự lan tỏa rộng lớn. Đã có hàng trăm bài viết, hàng trăm video clip quay phần biểu diễn “Tổ quốc gọi tên mình” từ khắp mọi miền đất nước. Bài hát xuất hiện trên các chương trình truyền hình, liên hoan ca múa nhạc, những cuộc thi, những cuộc hội ngộ tại các nhà máy, xí nghiệp, trường học... Bên cạnh việc được thể hiện bởi các ca sĩ đã có tên tuổi nổi tiếng, “Tổ quốc gọi tên mình” còn là nhạc phẩm được nhiều học sinh, sinh viên, những người lao động bình thường yêu thích và gửi gắm tình cảm.

“Tôi đang nghe Tổ quốc gọi tên mình” - câu mở đầu trong bài thơ “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai, tiếp tục được vang lên trong ca khúc của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn với giai điệu nhẹ nhàng nhưng da diết, xúc động “Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/Bằng tiếng sóng Hoàng Sa, Trường Sa dội vào ghềnh đá/Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới bủa vây”… Nghe bài hát với giai điệu nhẹ nhàng, da diết làm thổn thức con tim khi Tổ quốc không được bình yên, những lời ca đó ngỡ như là lời cha ông đang vọng lại, đang nhắc nhở con cháu hãy nhớ lấy lịch sử, nhớ lấy những đau thương, mất mát bao đời đã qua để có được hôm nay. Phần điệp khúc của bài hát khẳng định tình yêu đối với Tổ quốc là bất diệt “Tổ quốc linh thiêng, tổ quốc linh thiêng/Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa”. Nguyện ước về nền hòa bình là vĩnh cửu, là khát khao cháy bỏng, là niềm tin của mọi thế hệ người Việt; cha ông đặt niềm tin vào thế hệ con cháu bằng mọi biện pháp, mọi hành động khôn khéo sẽ bảo vệ được sự bình yên của Tổ quốc mình.

Hòa bình là khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa).
Hòa bình là khát vọng muôn đời của dân tộc Việt Nam. (Ảnh minh họa).

“Tổ quốc gọi tên mình” có lẽ là tiếng gọi thiêng liêng nhất từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con đất Việt nói lên tiếng lòng của tất cả những người Việt Nam yêu nước. Bài hát làm lay động lòng người, là lời hiệu triệu hùng hồn nhất, giúp thổi bùng lên tinh thần yêu nước trong mỗi chúng ta. Nghe những lời lẽ trong ca khúc, cảm xúc về đất nước, về Tổ quốc, về nhân dân, về người lính, về tình đồng chí, đồng bào lại ùa về dâng lên, hòa quyện vào nhau thật cao cả, thiêng liêng, không thể nào tả hết. Ca khúc giúp chúng ta có niềm tin vững vàng hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, niềm tin vào những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm vững chắc tay súng để bảo vệ biển trời quê hương.

Thời điểm này, khi cả nước đang sục sôi vì hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có các hành động khiêu khích, gây hấn, ngăn cản nhiệm vụ của các lực lượng chấp pháp và ngư dân ta thì một lần nữa, tiếng gọi của Tổ quốc lại thôi thúc những trái tim người Việt. Chúng tôi – thế hệ thanh niên của đất nước tự nhủ sẽ luôn phấn đấu rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để đóng góp một phần sức lực, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc – bởi chúng tôi, các bạn và tất cả mọi người con trên dải đất Việt Nam thật sự đang nghe “Tổ quốc gọi tên mình”.

Hồ Thị Nghĩa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.