Hình tượng người mẹ trong trường ca về thời kỳ kháng chiến
Khi sáng tác, các tác giả của những bản trường ca về thời kỳ kháng chiến không đi ngay vào hình ảnh người mẹ trong lửa đạn chiến tranh mà trở về với hình ảnh người mẹ quê tảo tần: “Mẹ tôi dòng dõi nhà quê/ Trầu cau từ thuở chưa về làm dâu/ Áo sồi nâu, mấn bùn nâu/ Trắng trong dải yếm bắc cầu nên duyên” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Hình ảnh người mẹ hiện lên hết sức chân thực, người mẹ mang vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ sinh ra từ làng quê nghèo khó, mẹ như bao người phụ nữ khác. Câu ca, lời ru ngọt ngào mà êm đềm cất lên từ bờ môi mẹ, những đứa con lớn lên từ đó. Để rồi, khi đất nước có chiến tranh, mẹ sẵn sàng động viên những đứa con lên đường đi đánh giặc: “Ta nhận ấn vàng từ tay mẹ/ Vẫy đoàn xung kích mũi vào Nam” (Hành trình - Hưởng Triều).
Tượng đài Mậu Thân (TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng từ hình tượng một người mẹ anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Hoàng Gia |
Dù là bà bầm, bà bủ, là u, là mẹ, là má… thì những người mẹ đều có một điểm chung là nghèo khó và những đức tính cao cả của người phụ nữ Việt Nam. Người mẹ trong các trường ca viết về thời kỳ kháng chiến hiện lên là những người phụ nữ bình dị, tảo tần và giàu lòng yêu thương. Tình cảm của mẹ giản dị mà lớn lao, tình cảm ấy hòa vào tình yêu đất nước. Vì vậy, từ người mẹ riêng của các chiến sĩ đã hòa nhập làm một và trở thành người mẹ chung, người mẹ nhân dân, người mẹ đất nước: “Chúng tôi biết ơn bà mẹ nghèo làng Gióng/ Đã nuôi con lam lũ nhọc nhằn/ ...Mẹ ngồi đó đêm mưa ngày nắng/ Mẹ ngồi đó một thời bom đạn” (Trường ca sư đoàn - Nguyễn Đức Mậu). Khi những đứa con đi chiến trường, ngồi ở nhà, mẹ ngóng trông từng bước đi, từng tin thắng trận với tấm lòng rộng lớn và tình thương bao la: “Mẹ chờ con - lòng mẹ rộng bao la/…mẹ hằng dõi theo ta qua tháng ngày lửa đạn” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Nếu đọc thơ Bằng Việt, người đọc ấn tượng bởi hình ảnh người bà lam lũ, sớm khuya và tình thương vô hạn của người cháu dành cho bà, thì đọc trường ca viết về thời kỳ kháng chiến, người đọc lại day dứt bởi nỗi nhớ mẹ nơi hậu phương của người lính. Trường ca về thời kỳ kháng chiến đã nghiêng hẳn về mẹ, hướng về mẹ; mẹ là điểm tựa vững chắc nơi hậu phương. Đã có những giây phút người lính tự nhủ và hối tiếc vì không nói được nỗi lòng của mình với mẹ: “Ta chưa một lần thư thả đất ơi/ Chưa một lần nói được lên lời/ Lòng của ta với mẹ (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh). Những cô thanh niên xung phong nơi Ngã ba Đồng Lộc ác liệt vẫn không quên lời mẹ dặn:“Mẹ ơi/ Hôm mẹ tiễn con đi đến vùng bom đạn/ Mẹ chỉ dặn/ Sống sao cho xứng với chị em, bầu bạn” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo).
Trên chặng đường hành quân, hình ảnh người mẹ bao giờ cũng là hình ảnh sáng nhất: “Anh đi đi, đường dài đội ngũ/ Mẹ phía trước mỗi chặng đường kháng chiến/…Trái tim mẹ trải mọi vùng bom đạn/ Anh đi đi, phía trước, mẹ đang chờ” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Mẹ trở thành điểm tựa tinh thần ở mọi ngả đường của những người chiến sĩ. Nơi tiền phương, phía trước mặt biết bao hiểm nguy thử thách nhưng người lính đã có một niềm tin vô bờ bởi trong trái tim họ, có người mẹ như ngọn lửa cháy mãi luôn soi sáng, dẫn đường. Lời thơ trong các bản trường ca khi viết về người mẹ đã có sức lan tỏa cao khi các nhà thơ có sự chuyển hóa tài tình từ hình ảnh một người mẹ cụ thể bằng xương, bằng thịt thành người mẹ của quê hương xứ sở: “Nơi anh đến, hậu phương hay tiền tuyến/ Mẹ cánh đồng, mẹ nhà máy, mẹ dòng sông/ Mẹ đất đai dàn trận địa mênh mông/ Ngày có giặc, lòng mẹ như ngọn súng” (Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo). Tình yêu thương của người mẹ đã hòa vào tình dân tộc, tình quê hương. Mẹ đã trở thành người mẹ Đất nước, người mẹ dân tộc che chở và đùm bọc cho những đứa con đang ngày đêm đối diện với giặc thù. Phía sau lưng, nơi quê nhà yêu dấu, mẹ là hậu phương vững chắc nâng bước chân cho người chiến sĩ vượt qua mọi gian lao.
Người chiến sĩ trong những lúc gian nguy nhất, đau đớn nhất lại tìm được điểm tựa vững chắc về tinh thần. Họ như quên đi những thương tích trên cơ thể khi nhớ về mẹ, nhớ về ngôi nhà xưa của mẹ, về dáng hình người mẹ già đang ngày đêm ngồi dõi theo mỗi bước đi của những đứa con: “Mẹ là người chúng con nhớ nhất/ Đất nước ngày có giặc/ Mẹ vẫn đỏ miếng trầu/ Ấm một vùng tin cậy phía sau” (Sức bền của đất - Hữu Thỉnh). Nỗi nhớ về hình ảnh người mẹ mang trên vai mình bao nỗi đắng cay đã chuyển hóa thành niềm tin và sự lạc quan cho những người con tiến lên phía trước: “Nỗi nhớ mẹ già nỗi nhớ đắng cay/ Tấm lưng mẹ cầu vồng qua tháng năm con gái/ Nước mắt bay qua dấu tích nụ cười” (Quê hương mặt trời vàng - Thu Bồn). Để rồi, nơi đạn bom ác liệt, những người con vẫn khắc ghi trong lòng mình lời thề sắt son với mẹ, với đất nước: “Mẹ ơi! Con vẫn ở giữa lòng đất nước/ Trời nắng thiêu nghe rìu mẹ chém cây” (Bài ca chim Chơrao - Thu Bồn). Ngay cả đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi đạn bom và kẻ thù cướp đi sự sống của các anh, người lính nhớ về mẹ, nhớ về đấng sinh thành thiêng liêng nhất trong cuộc đời mình: “Má của con ơi khi con nhắm mắt/ Chính là khi con thương người nhất/… Con thương má chẳng thể về với má…” (Mặt trời trong lòng đất - Trần Mạnh Hảo).
Có thể nói, trường ca về thời kỳ kháng chiến đã khắc họa chân thực và rõ nét chân dung người mẹ Việt Nam giàu đức hy sinh và có tình yêu thương vô bờ. Trong những năm tháng đất nước chìm trong lửa đạn, tình cảm của mẹ chan hòa với tình yêu nước, tình dân tộc và hình tượng người mẹ trở thành một biểu tượng thiêng liêng, ngời sáng trong vẻ đẹp dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thế Lượng
Ý kiến bạn đọc