Văn hóa đọc - một vài cảm nghĩ
Đọc sách giúp con người nâng cao trí thức, mở mang tầm hiểu biết. (Ảnh minh họa). |
Bàn về văn hóa đọc, có một số nhận định gần như đi đến thống nhất, đó là hiện nay, do sự lấn át và gần như chiếm lĩnh của các loại hình văn hóa nghe nhìn, nhiều người xa rời và không còn mấy mặn mà như trước nữa đối với việc đọc sách. Thời đại chúng ta đang sống với sự bùng nổ thông tin mạnh mẽ chưa từng có, bên cạnh sự xuất hiện và sự ra đời của nhiều công nghệ bổ trợ khác đã tạo điều kiện cho sự tiếp thu thông tin không còn theo một kênh truyền thống. Nếu trước đây, số lượng người tìm đến với sách như là một phương tiện giao tiếp duy nhất để thỏa mãn sự tìm tòi, khao khát tri thức, nâng cao trí tuệ và tâm hồn thì giờ đây, điều ấy không còn đúng nữa. Tuy nhiên, bàn về văn hóa đọc, xét trên cái nhìn tổng thể, đa chiều, chúng ta không thể phủ nhận vai trò vô cùng tích cực của văn hóa đọc. Vì vậy, dù đời sống hiện nay có vô vàn những kênh tiếp thu văn hóa tinh thần khác nhau, song văn hóa đọc vẫn có một vị trí vô cùng quan trọng đối với con người.
Quả thật, không thể nói văn hóa đọc bây giờ kém với trước đây, hoặc người ta không còn yêu thích đọc sách nữa. Thực ra người đọc bây giờ rất đông đảo, nhưng đã bắt đầu có sự phân hóa rõ ràng. Điều chúng ta cần quan tâm là làm sao trong số những người đọc ấy dần dần sẽ hình thành người đọc cao cấp, nghĩa là họ có thể tiếp thu các loại sách tri thức phổ thông, sách giải trí, đồng thời có thể lĩnh hội các loại sách học thuật chuyên môn cao.
Thứ nữa là việc đọc sách ở giới trẻ. Thế giới trong sự bùng nổ thông tin đến chóng mặt đã tác động không nhỏ đến cảm quan đọc sách ở lứa tuổi này. Họ chỉ cần một chiếc máy tính, một máy điện thoại là có thể lướt web, xem phim, nghe nhạc thoải mái và có cảm giác rằng họ vẫn thỏa mãn trí tuệ và cảm xúc mà mình mong muốn. Chính cách tiếp cận văn hóa tinh thần một cách dễ dàng và tiện lợi như vậy, nên phần lớn lớp trẻ ngày nay ít khi đọc sách như một kênh giao tiếp thông thường như những thế hệ cha anh ngày trước.
"Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới", đại văn hào Gorky đã từng nói như thế. Bởi lẽ, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, công nghệ hiện đại như ngày nay, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp thu tri thức, thỏa mãn khát vọng hiểu biết, rèn luyện tư duy. Ngày nay dù có nhiều biến đổi, song với nhiều người, sách vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình lĩnh hội tri thức. Văn hóa đọc vẫn đứng trước cơ hội và thách thức ngang nhau. Khối lượng tri thức của nhân loại ngày càng phong phú, là một kho vô tận trên nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đáp ứng sự tìm hiểu, cơ hội đọc của tất cả mọi người. Thời hiện đại chúng ta đang sống, thông tin bùng nổ đến chóng mặt, đa dạng đa chiều không sao kể xiết, thỏa thích mà đọc, thỏa thích mà tìm hiểu. Bên cạnh đó, như trên đã nói, sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn, giải trí quá nhiều khiến cho văn hóa đọc gặp nhiều thách thức. Chính điều này là nỗi trăn trở của ngành văn hóa, cần lắm những con người ham mê đọc sách, tiếp thu tri thức qua nhiều cuốn sách hay. Chúng ta cần phải hình thành được một chiến lược phát triển văn hóa đọc cũng như các kế hoạch phát triển văn hóa đọc trên bình diện quốc gia trong tương lai. Trên cơ sở đó, ngành văn hóa mới có thể liên kết, phối hợp các thành phần, các lực lượng của văn hóa đọc tạo nên một xã hội học tập, ham đọc sách, góp phần phát triển tư duy, trí tuệ cũng như nhân lên những tình cảm mới của con người hiện đại
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc