Multimedia Đọc Báo in

NÉT XUÂN TRÊN CÁNH ĐỒNG THƠ DAK LAK

20:12, 22/02/2015

Thơ có cách biểu hiện trong đời sống khá nhẹ nhàng. Nếu ví cuộc sống như mặt hồ thì thơ khi sôi động nhất cũng chỉ là làn sóng nhẹ.

Và vì vậy giữa đời sống xô bồ hiện nay nhiều lúc thơ thường bị chìm khuất. Thế nhưng cuộc sống không thể không có thơ. Thơ đã sống cùng với đời sống của xã hội và sống đời sống riêng của nó. Không vỗ sóng tung bờ nhưng nó cứ âm thầm bền bỉ, thấm vào bờ, thấm vào cuộc sống con người, thấm vào từng tế bào, góp phần làm nên tâm hồn của mỗi chúng ta và là một phần văn hóa của đất nước. 

Đấy cũng điều bảo đảm cho thơ tồn tại và tồn tại mãi ở bất cứ đâu, bất cứ vùng đất nào. Ở Dak Lak cũng vậy. Không gây được sự ồn ào như các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác, nhưng thơ Dak Lak vẫn như cánh đồng mỗi năm đều có mùa gặt hái. Các nhà thơ, các cây bút thơ Dak Lak vẫn như những nông phu âm thầm gieo hạt, cấy trồng. Người yêu thơ sẽ thấy trên cánh đồng ấy những người thơ chăm chỉ “gieo” chữ như Lê Vĩnh Tài, Huệ Nguyên (đã mất), Vũ Dy, Đặng Bá Tiến, Tiến Thảo, Đỗ Toàn Diện, Sơn Thúy, Nguyễn Đức Khẩn… Mỗi người một mức độ thăng hoa, mỗi người một phong cách thể hiện con chữ, cảm xúc khác nhau, nhưng tất cả họ đã cùng cất tiếng để tạo nên những “làn sóng trên mặt hồ”, để cho thơ Dak Lak không bị nằm lại sau dòng chảy của thơ cả nước và phần nào có đóng góp cho nền thơ của đất nước.

Người ở hàng tiên phong vẫn là Lê Vĩnh Tài. Anh là người viết sung sức nhất hiện nay. Mang danh “kẻ tiên phong” tìm kiếm cách nói mới, cách thể hiện mới cho thơ (không chỉ cho thơ Dak Lak mà còn của cả nền thơ Việt) từ gần chục năm nay ta thấy thơ Lê Vĩnh Tài xuất hiện với mật độ khá dày trên các tờ báo văn học, nhiều nhất là báo mạng. Bạn yêu thơ chỉ cần vào google gõ tên Lê Vĩnh Tài trong vòng 0,37 giây sẽ có tới 3.000.000 kết quả. Từ bỏ lối viết vần điệu êm ái đầy chất trữ tình, Lê Vĩnh Tài đến với trường phái thơ hiện đại và hậu hiện đại với nhiều câu thơ vắt dòng, ngôn ngữ đời thường, mang tính tự sự. Trên Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin của Hội Văn học - Nghệ thuật Dak Lak, thơ Lê Vĩnh Tài xuất hiện đều đặn hằng tháng. Thơ Lê Vĩnh Tài gợi cho người đọc nhiều ngẫm ngợi xa xôi. Người đọc thơ theo kiểu truyền thống: muốn hiểu ngay câu thơ nói gì, bài thơ nói gì, muốn được nghe âm điệu du dương êm ái có thể không thích thơ Lê Vĩnh Tài. Nhưng biết làm sao được…, thời đại đã khác, thơ cũng cần đổi khác. Thơ bây giờ đang cần thay đổi từ nội dung phản ánh đến cách thức thể hiện; đối tượng của thơ bây giờ chính là chiều sâu của tâm hồn, bề sâu của đời sống xã hội hôm nay với rất nhiều vấn đề phức tạp, khó giải thích. Vì thế thơ hôm nay cần nhiều sức gợi mở để người đọc suy ngẫm. Đọc những câu thơ sau đây của Lê Vĩnh Tài ta thấy rõ điều đó:

núi

rung chuông

 như nhà thờ

 gió lạnh

 trên gian hàng phía xa

 hội chợ giá rẻ

 bán những tiếng chuông màu trắng…

Huệ Nguyên là một gương mặt khác rất đáng trân trọng trong đội ngũ làm thơ Dak Lak. Anh thực sự là một người có tài thơ. Đáng tiếc là trời không cho anh đi đến cuối chặng đời như bao người khác. Sau 4 tập thơ: Thơ và Tôi, Ngày xa em, Mùa gọi, Phía ngày loang nắng, đã từng được tặng giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, thơ Huệ Nguyên đang được nhiều người chú ý, được nhiều tờ báo văn học đăng tải, đôi cánh thơ của anh đang bay cao, bỗng dưng… ngày 4-11-2014 anh đã vĩnh viễn ra đi ở cái tuổi 29 bởi căn bệnh quái ác loạn dưỡng cơ và suy phổi cấp. Thơ Huệ Nguyên thể hiện rõ ở lối nghĩ và cách dụng từ khá mới mẻ. Ví dụ:             

Có những hôm bầy ngựa gió đi hoang

chạy tướp ngày tháng chạp

chúng lao qua cánh đồng thon dáng chị

gặm manh áo sờn nâu

mật nắng rám trên lưng mẹ

gánh ngày còng tuổi già nua…

                                                                     (Sải vó)

Đoạn thơ trên rất giàu hình ảnh, hình ảnh nào cũng mới mẻ, có nhiều cách dùng từ lạ, lạ nhưng hợp lý, lạ nhưng không tù mù khó hiểu. Bầy ngựa gió đi hoang, chạy tướp ngày, mật nắng rám, gánh ngày còng tuổi… đủ cho thấy sự dày công  của Huệ Nguyên trên từng con chữ. 

Vũ Dy, một thầy giáo dạy học ở Krông Bông có lối thơ khá hiện đại. Thơ anh hầu hết không có vần, có bài ngỡ như văn xuôi, nhưng lối dùng từ của anh khá độc đáo, cho người đọc nhiều suy tưởng. Ví dụ trong bài Tượng mưa anh viết:

Tôi tìm thấy trong thế giới tượng

điều không tìm thấy trong thế giới người

cõi tôi lô nhô bóng tượng đêm gào thét vô ngôn    

bay như chim phí qua từng mùa lúa rẫy định mệnh

phờ phạc trò chơi kiếp phận

 tâm linh không còn phương ngoái lại

 trong thẳm sâu rừng con mắt gỗ cứ im nhìn theo suốt nẻo…

Đọc đoạn thơ trên buộc ta liên tưởng tới văn hóa Tây Nguyên quá khứ và hiện tại; rừng Tây Nguyên xưa và nay và cao hơn ấy là những phận người…       

Đặng Bá Tiến là một gương mặt thơ khác nữa. Thơ anh nhiều trải nghiệm, nhiều nỗi đời; lối viết vừa truyền thống vừa mới mẻ. Ví dụ viết về sự khô hạn ở vùng biên giới, anh có những câu thơ khá ấn tượng:

Nơi ấy sáu tháng ròng nắng bỏng giấc chiêm bao

Ánh trăng rớt như mảnh sành trên suối cạn

Hoặc khi anh viết về hoa gạo:

Tháng ba rụng xuống vai mình

Bông hoa gạo nói lặng thinh bằng màu

Cây già nào biết bạc đầu

Màu hoa vẫn thắm trong bao mắt người!

Nhờ những trải nghiệm, những nỗi đời trong thơ và cách viết mới mẻ, rõ nhất ở trường ca Rừng cổ tích, nên năm 2014 Đặng Bá Tiến đã giành được giải Nhất Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài công nhân giai đoạn 2010 -2014 do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp tổ chức, giải thưởng cuộc thi Xứ Nghệ quê mình và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngoài các tác giả chủ lực nói trên, một số cây bút khác như Tiến Thảo, Sơn Thúy, Đỗ Toàn Diện, Trần Phố, Nguyễn Đức Khẩn… ở những mức độ khác nhau cũng đang có sự đổi mới trong cách viết và có những đóng góp nhất định cho cánh đồng thơ Dak Lak thêm nhiều hương sắc.\

Phan Vũ


Ý kiến bạn đọc