Multimedia Đọc Báo in

30 năm theo đuổi niềm đam mê

10:23, 18/01/2015

Từ sở thích sưu tầm các loài hoa, cây cảnh và học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ những người đi trước rồi đi khắp nơi tìm những mẫu cây đẹp mang về trồng trong khuôn viên gia đình, tới nay, ông Trương Phi Hùng ở thôn 5 (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành nghệ nhân có tiếng trong giới chơi cây cảnh trên địa bàn tỉnh và sở hữu bộ sưu tập cây cảnh có giá trị cao.

Đến thăm vườn cây cảnh của ông Hùng vào những ngày giáp Tết, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm chậu sanh, si, sung, tùng,... với những thế uốn vô cùng khéo léo và đẹp mắt được ông Hùng chia theo từng loại, xếp gọn gàng trong khu vườn rộng chừng 2.000m2. Là nghệ nhân "lão làng" của Hội Sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Hùng luôn được người trong giới đánh giá cao về khả năng sáng tạo vì có nhiều "tác phẩm" đoạt giải trong các hội thi trên toàn quốc. Với ông, chăm sóc cây cảnh  là thú chơi, là niềm đam mê từ thời trai trẻ.

Nghệ nhân Phi Hùng chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.
Nghệ nhân Phi Hùng chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Yêu thích cây cảnh từ năm 15 tuổi nhưng gần 30 tuổi ông Hùng mới có một tác phẩm đầu tay. Để theo đuổi đam mê, ông đã cất công đi từ Nam ra Bắc, về tận miền Trung để tham khảo cách chơi, chăm sóc cây cảnh của những nghệ nhân có tiếng. Ông còn tham khảo trên sách báo, rồi tự mày mò sáng tạo ra những "tác phẩm" mang đậm phong cách của cá nhân. Vườn cây cảnh của ông Hùng hiện có trên 300 đầu cây đã được tạo dáng, vào chậu, để chuẩn bị phục vụ cho dịp lễ Tết. Nhờ thương hiệu riêng mà khách hàng rất chuộng cây cảnh của ông Hùng, có những cây được ông bán ra với giá hàng trăm triệu đồng nhưng không ai phàn nàn trả giá.

Người xưa có câu "chơi cây giữ chí", vì vậy, để tạo ra những cây cảnh có thế đẹp, tán đều đặn, đối xứng cành và mang ý nghĩa may mắn hay sung túc cho gia đình trong dịp Tết, người nghệ nhân phải hết sức tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất một thời gian dài chăm sóc, tạo dáng. Ngoài hình thức đẹp, cây cảnh còn được nghệ nhân đặt cho những cái tên hết sức ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, giàu sang, hạnh phúc như: Lão mai sinh quý tử, Trạng nguyên cập đệ, Tùng giáng long thăng,... Trong hàng loạt tác phẩm ấy, ông Hùng ưng ý nhất với Dáng làng. Dáng làng là tên của cặp cây đa Lâm bồ, được chính tay ông Hùng trồng và chăm sóc từ lúc mới vào nghề. Hỏi về giá trị Dáng làng ông Hùng cho hay cách đây 2 năm, vào dịp Tết có một "đại gia" ở Thanh Hóa đã trả giá 1,2 tỷ đồng để mua nhưng ông nhất quyết không bán. Ông Hùng chia sẻ: “Đã từ lâu lắm tôi không về thăm quê cũ. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, nhớ những hội hè đình đám đậm bản sắc dân tộc. 40 năm tâm huyết cùng nỗi nhớ quê hương tôi khắc, tạc vào Dáng làng để nhắc cho tôi và mọi người luôn nhớ, dù đi đâu, về đâu cũng phải nhớ tới quê hương, nguồn cội của mình”.

Ngoài những tác phẩm để đời như Dáng làng, ông Hùng cũng bén duyên với khá nhiều tác phẩm độc và lạ khác. Ông còn nhớ như in trong cuộc trưng bày tác phẩm triển lãm nhân dịp 25 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, có một vị khách người Mỹ cố gắng tìm gặp ông Hùng cho bằng được để mua cây Trạng Nguyên trên 20 năm tuổi có tên Tàn nhưng không phế. Điểm nổi bật của cây là mặc dù toàn bộ phần thân đã khô, rỗng ruột nhưng vẫn nở hoa. Ông Hùng nói: “Tôi đặt cái tên đó cho cây ví sự cứng cỏi của cây hoa như nghị lực phi thường của những người lính Cụ Hồ sau chiến tranh. Dù mất đi một phần cơ thể nhưng họ đã vượt lên, tiếp tục sống, lao động và cống hiến cho cộng đồng”. Ngoài ra, ông Hùng còn có một tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật mang tên Đioxin nỗi đau còn đó, được trưng bày trong triển lãm kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng Buôn Ma Thuột. Đó chỉ đơn thuần là một khối đá có hình dạng như chiếc sọ người, nhưng qua cách đặt tên tài tình của người nghệ nhân đã gợi lên nỗi ám ảnh về những đau thương và mất mát của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra.

Ông Hùng luôn tâm niệm chơi cây cảnh là nét văn hóa truyền thống, thú chơi tao nhã có từ lâu đời của người Việt cần được gìn giữ và bảo tồn. “Chơi cây cảnh giúp tâm hồn con người thanh thản, thư thái. Ngoài ra, trồng cây cảnh còn giúp môi trường xanh, sạch, đẹp, là thú vui lành mạnh, có ích cho mình và cho cả cộng đồng”- ông Hùng bộc bạch.

 Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.