Multimedia Đọc Báo in

Những "ông đồ trẻ" mê thư pháp trên đất Ban Mê

20:16, 22/02/2015

Mấy năm gần đây, cứ mỗi dịp tết đến xuân về, trên tuyến đường chính gần khu Quảng trường TP. Buôn Ma Thuột lại xuất hiện hình ảnh những “ông đồ trẻ” cũng áo dài, khăn đóng,  bút lông, nghiên mực say sưa vẽ nên những nét chữ thư pháp uốn lượn, bay bổng… như  góp thêm một nét xưa cho phố núi khi vào xuân…

Giới trẻ mê nghệ thuật của người già

Trong khi đa số giới trẻ bây giờ gửi đam mê vào các dòng nhạc trẻ, pop-rock, ballad, hip hop hoặc dành thời gian đi phượt hay tán gẫu trên Facebook… thì một số bạn trẻ lại chọn cho mình niềm đam mê vào “môn nghệ thuật của người già”: viết và cho chữ thư pháp.  Song thay vì viết bằng chữ Nho, chữ Nôm như ông đồ ngày xưa thì các ông đồ trẻ bây giờ chủ yếu viết bằng chữ Việt trông khá “có nghề” khiến nhiều người xin chữ trầm trồ, thán phục.

Một buổi sinh hoạt của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ thư pháp trẻ Dak Lak.
Một buổi sinh hoạt của các bạn trẻ trong Câu lạc bộ thư pháp trẻ Dak Lak.

Thành lập chưa đầy 2 năm, Câu lạc bộ (CLB) thư pháp trẻ Dak Lak nay  đã có đến hơn 40 thành viên. Họ đa phần là học sinh, sinh viên và niềm đam mê môn nghệ thuật này đã gắn kết họ lại, cùng nhau gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Chưa đầy 30 tuổi, nhưng Nguyễn Thanh Tùng đã có thâm niên hơn 8 năm gắn bó với mực tàu, giấy đỏ, là một trong những trụ cột của CLB, luôn đứng ra “chia sẻ” kiến thức về nghệ thuật viết thư pháp cho các bạn trong CLB, Tùng vốn là sinh viên khoa mỹ thuật nên anh luôn dành tình cảm đặc biệt cho thư pháp. Tùng nhớ lại, anh đến với thư pháp bằng niềm đam mê, tự học hỏi từ những người đi trước chứ không hề qua bất kỳ trường lớp nào. Lần đầu tiên cầm bút lông, nghiên mực, không ai hướng dẫn, anh phải tự mày mò, học hỏi từ những người biết chút ít về thư pháp. Với số tiền ít ỏi bố mẹ gửi cho hằng tháng, Tùng dành cả vào việc mua bút lông, mực tàu, và sách về nghiền ngẫm một cách say sưa. Ra trường, anh cùng một vài người bạn (bây giờ là đồng chủ nhiệm câu lạc bộ) chọn thư pháp làm nghề kiếm sống và đã có thể sống được với nghề này nhờ một cửa hàng tranh nho nhỏ (hay còn gọi là thư phòng) chuyên về thư pháp trên đường Trần Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

Khi chưa thành lập CLB, mỗi dịp xuân về, anh lại một mình thuê gian hàng, cặm cụi nắn nót những dòng thư pháp trên nền giấy đỏ. Tương tự Nguyễn Thanh Tùng, mê thư pháp từ một lần du lịch đến Huế và may mắn gặp được một ông đồ tận tình chỉ dạy, bạn Đinh Thế Cường (hiện là sinh viên năm 2, khoa sư phạm âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Dak Lak) quyết định ở lại Huế thêm một thời  gian để học cách viết chữ thư pháp. Cường cho hay, việc dùng những con chữ tạo hình bức tranh có sức hấp dẫn, mê hoặc đối với anh, và chính thú vui tao nhã này khiến anh thấy mình trở nên thanh thoát hơn... Từ khi CLB được thành lập, đều đặn, cứ vào chủ nhật hằng tuần, các bạn tập hợp nhau lại tại thư phòng của Tùng để học thư pháp và xem đây như là một cách để rèn luyện tính nhẫn nại, kiên trì. Ban đầu, với những người mới tập tành thì chỉ viết trên giấy A4, hoặc giấy vở học sinh, khi đã thành thạo hơn thì mới dùng đến các loại giấy xuyến chỉ, vải toan hoặc giấy boar để thể hiện tác phẩm. Nội dung viết thường xoay quanh câu đối, lời hay ý đẹp hay các chữ: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Mê mẩn với loại hình nghệ thuật này nên dù là một ý hay trong câu đối, một chữ “đắt” trong văn bia, nếu có cơ hội bắt gặp đều được các bạn sưu tầm, học viết, và trở thành đề tài để bàn luận cho cả nhóm.

Để thêm phần sinh động cho tác phẩm, các bạn còn “mượn” thêm phong cảnh quê hương như cỏ cây, sông, trăng… làm phong phú cho những nét chữ uốn lượn. Tìm đến với câu lạc bộ từ niềm đam mê đặc biệt dành cho thư pháp, Nguyễn Ngọc Mai Thảo An (sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Dak Lak) chia sẻ, học thư pháp còn là một cách để em hướng đạo, tìm về một khoảng lặng bình yên trong tâm hồn.

Gìn giữ văn hóa truyền thống 

Ai đã từng mê thư pháp mới hiểu, viết được nét chữ đã khó, làm sao để chuyển tải nội tâm của người viết, tức làm cho tác phẩm “có hồn” lại càng khó hơn. Bởi chỉ cần sai một đường nét thì coi như chữ đó phải bỏ đi, và những ai tinh tế sẽ nhìn thấy cái “vụng” của người cầm bút. Theo Tùng, chữ thư pháp có điểm lớn, điểm nhỏ, có nét thể hiện sự cứng cáp, nhưng vẫn giữ độ mềm mại nhất định nhờ những cái phớt bút để nét mực mờ dần, tạo nên sự uyển chuyển. Một bức thư pháp nhìn vào có vẻ đầy ngẫu hứng, nhưng thật ra, đòi hỏi người viết phải thật tĩnh tâm. Chính những gì được bộc lộ ra từ chiều sâu trong tâm hồn người viết, tức cả tâm khí và trí lực mới là yếu tố để làm nên một bức thư pháp “có hồn”. Trong thư phòng treo đến cả trăm bức thư pháp do chính Tùng và Cường sáng tạo ra, mỗi tác phẩm ra đời không chỉ để bày bán mà còn mang giá trị nghệ thuật cao cho loại hình nghệ thuật vốn tưởng đã đi vào hoài cổ này. Từng nét uốn lượn theo con chữ chỉ là vỏ bề ngoài, còn phía sau là những đậm, nhạt, sáng, tối như chính những gam màu của cuộc sống do tác giả cảm nhận được. Cường tâm sự, dù đã có nhiều năm cầm bút lông, nhưng bao giờ cũng thế, mỗi khi đặt bút vẽ nên từng nét chữ, em không khỏi thấy hồi hộp pha lẫn thú vị, bởi mỗi nét chữ viết ra là thêm một lần cảm xúc được trải nghiệm với nghệ thuật thư pháp.

Xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa mỗi độ Xuân về.
Xin chữ đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa mỗi độ Xuân về.

Có lẽ chính vì thế nên việc học viết thư pháp không phải là chuyện dễ, ngoài đam mê còn có cả khổ luyện. Theo một số thành viên mới trong CLB, bộ môn này đòi hỏi người viết phải tập trung cao độ, không chỉ đôi tay khéo léo mà cái đầu cũng phải kiên trì, suy tính các đường đi của nét bút. Và nhiều người trong số đó không ít lần cảm thấy nản vì ban đầu tập mãi vẫn chỉ là những nét vạch chồng chéo, loang lổ, thậm chí phải bỏ ra gần cả tháng mới đưa bút cơ bản theo đúng các nét thanh, đậm, đường cong… Bên cạnh việc giữ sinh hoạt đều đặn hàng tuần, các thành viên trong CLB còn kết nối với nhau nhờ mạng xã hội Face book. Tại đây, các bạn có thể trực tuyến chia sẻ nhiều hơn về kinh nghiệm cùng thỏa niềm đam mê với môn nghệ thuật này. 

Mỗi ngày trôi qua, các bạn trẻ tìm đến tham gia CLB ngày càng nhiều hơn, thế nhưng, Tùng khẳng định, không thể “chạy” theo phong trào, phải có tình yêu đặc biệt dành cho môn nghệ thuật này thì mới có thể “vẽ” ra những nét chữ chứa đựng cái tinh tế trong tâm hồn được. Mê thư pháp đến nỗi mở cả thư phòng để đi theo con đường này, song, cả Tùng, Cường đều không nặng lòng với việc kiếm được nhiều hay ít tiền mà quan trọng hơn là để có cơ hội được hướng dẫn cho các bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật này. Ngày qua ngày, giữa phố thị tấp nập, những bạn trẻ ấy vẫn lặng lẽ tìm kiếm nguồn sáng tạo giữa những nét vẽ, đơn giản chỉ để môn nghệ thuật truyền thống không bị mai một đi trước cuộc sống.

Phố núi đang chuyển mình bước vào một mùa xuân mới, các thành viên trong CLB thư pháp trẻ Dak Lak cũng đang nỗ lực mài giũa nét bút, tất bật tìm thuê gian hàng để kịp làm “ông đồ xuống phố”, góp thêm nét xưa cho phố thị lúc vào xuân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc