Những vùng đất tôi qua
Gần hai mươi năm đặt chân lên Tây Nguyên, bước chân tôi đã từng đi qua biết bao vùng đất huyền thoại, từ đỉnh Lang Bian, Cư Yang Sin đến rừng Yok Đôn điệp trùng và hùng vĩ. Trên tất cả những địa danh nổi tiếng ấy, tôi đã cùng bạn bè vít cong cần rượu uống cho thật say để nghe em - cô gái miền sơn cước đẹp như cánh hoa rừng kể về tên đất, tên làng của mình với lòng tự hào và niềm kiêu hãnh.
Những lúc như thế, trí tưởng tượng của tôi như cùng theo ánh mắt của em mà rong chơi, quên đi bộn bề thực tại. Rằng thuở ấy trời đất không chia cắt, con người sống gần gũi với nhau thật thà và tử tế. Trên vùng đất Lang Bian quanh năm mây trắng ấy, con chim trắng của Yàng (Trời) dẫn con cháu của thần K’Bùng, K’Kông đi tìm đất hứa. Liệng ba vòng chim đậu xuống và con cháu của hai vị đã dừng chân lập nghiệp. Tạ ơn Yàng, con người và muôn thú cùng vác đất, đội đá, đắp đàn để cúng thờ và tưởng nhớ... Ngọn núi Lang Bian bây giờ chính là dấu tích tạ ơn trời đất thuở hồng hoang. Đẹp hơn nữa, ngọn núi ấy đượm một mối tình chung thủy. Truyền thuyết kể rằng, có chàng Lang - con trai vị Tù trưởng bộ tộc Lát hùng mạnh đem lòng yêu nàng Bian xinh đẹp, con gái của Tù trưởng Jrềnh - bộ tộc Sre. Duyên không thành bởi mối cừu thù giữa hai dòng tộc, họ đau khổ tìm nhau và ngồi trên ngọn núi, mặc cho bóng xế, trăng lên, sương tan, đêm xuống... đôi tình nhân kia vẫn bên nhau không xa rời. Và rặng núi Lang Bian (xã Lát - Đà Lạt) ngày nay là biểu tượng cho mối tình bi tráng ấy. Giờ đây, ai đến Đà Lạt đứng bên bờ hồ Xuân Hương nhìn xuyên qua đồi Cù sẽ nhận ra ngay hai ngọn núi (cao hơn 2.100m) tựa như bộ ngực căng đầy của nàng Bian nằm lặng ngắm thế sự, mây trời...
Giữa hai đỉnh núi trước đây được nối liền nhau bằng một con đường mòn hun hút gió, nay bị cây rừng che khuất. Đến được với hai ngọn núi kia, phải đi theo hai hướng: một từ Lạc Dương lên, hai phải vòng qua vùng rau quả Thái Phiên mà lên. Nhớ một lần ngồi trên đỉnh núi, khi cuộc rượu đã tàn, anh bạn nhạc sĩ K’Đích của tôi kể rằng, sau cái chết và sự hóa thân của chàng Lang và nàng Bian bạc phận, Tù trưởng Jrềnh hối hận nên đã quyết tâm thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil và Srê thành dân tộc K’ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc đều được yêu nhau, cưới nhau, tình yêu của họ không có một thế lực nào chia cắt nổi. Vào những ngày đẹp trời, đứng ở Lang Bian phóng tầm mắt nhìn xuống, du khách sẽ thấy buôn làng của người Chil, Lát… nối tiếp nhau âm thầm nhả khói dưới những thung lũng xanh mướt, ngày đêm rì rầm tiếng thông reo và suối chảy. Xa hơn một chút là thành phố Đà Lạt hiện ra giữa đồi dốc chập chùng. Ở đó có nhiều biệt thự, trường học, tháp chuông cao vút như thể muốn vươn lên và hướng về Lang Bian huyền thoại. Tôi có cảm giác những lúc thư thái ấy, Đà Lạt như một thảo nguyên ban sơ từ trong xa xưa hiện về khiến lòng người trở nên mềm mại và thấm thía với ý thức cội nguồn hơn, nó sáng lên và lấp lánh với những câu chuyện được xem như truyền thuyết ấy.
Lại nữa, cứ dọc dài Tây Nguyên, từ Nam qua Bắc sẽ gặp rừng đại ngàn Yok Đôn kỳ thú, nơi hợp lưu của nhiều vùng văn hóa giàu bản sắc. Và chính sự đa sắc màu này của cộng đồng người ở Buôn Đôn đã vẫy gọi, níu chân biết bao người. Cái tên Yok Đôn - một bên là rừng đại ngàn bí ẩn và dường như còn âm vang hào hùng của những cuộc săn voi từ thuở nào; còn một bên là buôn làng yên ả của người Êđê, M’nông, Lào... cùng soi bóng xuống dòng Sêrêpôk ngày đêm ầm ào cuộn chảy. Buôn Đôn ở đó, trong một vùng đất hòa trộn giữa truyền thuyết và hiện thực. Cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 50 km về hướng Tây, vùng đất này được lưu dấu trên bản đồ Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tác giả Monfelleur trong tập chuyên khảo về Dak Lak (Monographie du Darlac - Hà Nội 1930) đã mô tả sinh động đời sống của các tộc người bản xứ, trong đó có những cuộc săn voi của các bộ tộc M’nông, Lào được khắc họa như một nét văn hóa nổi bật, đậm chất Tây Nguyên hùng tráng.
Đến bây giờ Buôn Đôn vẫn chưa mất đi vẻ đẹp thơ mộng và hùng vĩ vốn có. Từ bến nước Buôn Trí đến thác Bảy Nhánh dài hơn chục cây số, dọc theo sông Sêrêpôk có những đảo nổi như Keng Tý, Keng Khám và Keng Apa... xanh rờn bóng mát dưới những tán cây si. Nơi đây quần tụ nhiều cụm cư dân thuộc các xã Krông Na, Ea Wer, Ea Huar có cuộc sống thanh bình và trù phú. Đặt chân lên Buôn Đôn sẽ được ngồi trên lưng voi dạo chơi dưới những cánh rừng, sông suối kỳ thú và khi trở lại với buôn làng, lại được ngồi trong ngôi nhà dài truyền thống uống rượu cần với thịt nướng, cơm lam đặc sản; được nhìn ngắm những bộ chiêng ché cổ xưa và nhiều dụng cụ săn bắt voi rừng được con cháu của “vua săn voi” Khunjunôp trân trọng lưu giữ hơn trăm năm qua.
Có thể nói không ở đâu như mảnh đất Tây Nguyên này - sinh động mà lắng sâu, âm vang mà dùng dằng không dứt. Trên mỗi vùng đất đều gắn với một huyền thoại đẹp đẽ và có tâm thế sống hướng thượng như mây trời, như rừng già thăm thẳm luôn lay động ký ức biết bao người.
Tùy bút của Đình Đối
Ý kiến bạn đọc