Multimedia Đọc Báo in

Đôi nét về tác giả bài thơ "Hôm nay mùng tám tháng ba"

21:20, 06/03/2015
Nói như nhà thơ Chế Lan Viên, trong đời làm thơ của mỗi nhà thơ, chỉ cần có một câu thơ để đời là quý lắm rồi. Đối với nhà thơ Tú Sót, với bài thơ “Hôm nay mùng tám tháng ba”, tuy chỉ có bốn câu lục bát rất hài hước, nhưng khiến bất cứ ai đọc cũng nhớ. Từ ngày bài thơ đó ra đời, hằng năm cứ đến ngày 8-3 - Ngày Quốc tế Phụ nữ, ai cũng nhớ, nhất là những ông chồng đã ở tuổi lục tuần:

“Hôm nay mùng tám tháng ba

Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi

Tôi phần bà nửa đĩa xôi

Sợ bà yếu bụng… tôi xơi hộ bà”

Đọc xong ai mà không ôm bụng cười. Bởi cái nghịch lý hóm hỉnh: Áo của mình mà lại giặt hộ bà - ông cho rằng giặt áo của ông là nghĩa vụ thường nhật của bà vợ. Lý do nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 thì ưu tiên cho phụ nữ nghỉ ngơi nên ông giặt áo thay bà. Đấy là việc làm hộ. Cũng nhân ngày đó ông còn “ăn hộ” bà nữa mới là sự gây cười:

“Tôi phần bà nửa đĩa xôi

Sợ bà yếu bụng… tôi xơi hộ bà”

Tưởng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, ông  làm hộ bà đã ổn rồi, lại còn ăn hộ bà - ăn hộ là bất ổn, là ăn tham, nhưng sự ăn tham rất có lý là vì bà yếu bụng. Thôi thì để nhà thơ ăn hộ vậy. Tiếng cười giữa cụ ông, cụ bà “cất lên” từ cái vui đồng điệu ấy.

Tác giả bài thơ nói trên - nhà thơ Tú Sót có tên thật là Chu Thành, quê ở xã Diễn Trường, Diễn Châu, Nghệ An; sinh năm 1930. Năm 1948, ông nhập ngũ; năm 1954 được cử sang Bắc Kinh (Trung Quốc) học đại học. Ông biên tập sách dịch tiếng Trung Quốc ở Nhà xuất bản Thanh Niên (Hà Nội).

Tại sao Chu Thành lấy bút danh là Tú Sót? Trả lời câu hỏi này, ông nói rất khiêm tốn: “Tú Sót nghĩa là những gì của Tú Xương, Tú Mỡ để sót lại. Tú Sót mới đi theo nhặt lộc rơi, lộc vãi của các cụ chứ không dám “vượt mặt” các cụ và các đàn anh”.

Ngoài làm công tác biên tập dịch tiếng Trung ra tiếng Việt, Tú Sót còn làm thơ châm. Ông đã cho in tập thơ châm “Gà trống đẻ” phê phán tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, tham nhũng quan liêu. Ngoài ra, ông còn có tập Thơ đố, cho trẻ em và người lớn, bằng những hình tượng điển hình của động vật và tĩnh vật để bạn đọc đoán vật gì, con gì. Tuy là thơ đố, Tú Sót cũng gửi gắm chút lòng hăng hái chống tiêu cực, như câu đố về đôi guốc:

“Gian lao vất vả cùng đi

Giường cao, chiếu sạch anh thì bỏ tôi”

Theo nhà văn Đắc Trung người cùng công tác gần 30 năm với Tú Sót ở Nhà xuất bản Thanh Niên cho biết: “Hai câu đố trên tuy là đố về đôi guốc, nhưng là ám chỉ phê một ông quan quê Nghệ An đang công tác ở Hà Nội, nhân có bạn bè  cùng Nghệ An đến chơi, lại tỏ vẻ khó chịu không tiếp”.

Lần khác, Tú Sót đi họ nghe một vị quan lên diễn đàn nói thao thao bất tuyệt, toàn trích dẫn danh ngôn kinh điển để lên lớp. Bực mình, Tú Sót bỏ họp ra về bèn làm thơ đố, có tựa đề Cái ống nhổ:

“Thân eo, bụng rỗng, mồm loe

Nhớp nhơ cái bụng còn khoe cái mồm

Bị người phỉ nhổ cho luôn

Thế mà vẫn cứ giở mồm ra khoe”

Tú Sót là thế đấy! Thơ vui đấy, thơ đố đấy! Bài thì vui, bài thì sâu cay dày vỏ. Tú Sót mất ngày 27-3-2006 (sau ngày 8-3 mười chín ngày), thọ 76 tuổi.

Lê Hồng Bảo Uyên (giới thiệu)


Ý kiến bạn đọc