Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo hình tượng nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam

08:59, 30/04/2015

Triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” vừa được tổ chức tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak, với sự phối hợp của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nam Định là dịp để nhiều người hiểu hơn về một linh vật trong văn hóa Việt Nam, đó là con nghê.

Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Nhiều người có thể dễ dàng nhận ra hình tượng con rồng, sư tử do những đặc trưng vốn có của nó, thế nhưng con nghê trong văn hóa Việt Nam thì khó hơn, vì nghê là một con vật mang tính huyền thoại, hư cấu và có nhiều sự đan xen giữa văn hóa bản địa và văn hóa du nhập. Theo ông Hải, hình tượng con nghê bắt nguồn từ chó đá và dần biến đổi qua từng thời kỳ để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của người dân. Con nghê từ con vật hư cấu đã trở thành một trong những hình tượng vô cùng tiêu biểu trong thế giới biểu tượng phong phú của văn hóa Việt Nam.

Một bạn trẻ đang tìm hiểu, tham quan triển lãm.
Một bạn trẻ đang tìm hiểu, tham quan triển lãm.

Nói về sự hình thành của con nghê trong văn hóa Việt Nam, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, giảng viên môn Nghiên cứu Mỹ thuật cổ Việt Nam, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng khẳng định: Từ thời Lý con nghê đã xuất hiện ngay trong các không gian như đền thờ, cung điện. Con nghê bắt nguồn từ chó đá, linh vật thường được đặt trước cổng làng, cổng đình và trước cửa nhà. Sau này do nhu cầu về một linh vật có thể được đặt ở những nơi linh thiêng hơn như đền, chùa, đình, miếu... chó đá đã được kết hợp thêm với hình tượng của những con vật khác như sư tử, rồng… để tạo nên con nghê. Đặc biệt, sang thế kỷ 17, ở những không gian tín ngưỡng, xuất hiện thêm những con nghê đầu mọc sừng, thân mọc vảy. Càng về sau, nghê càng trở thành một con vật linh thiêng trong tín ngưỡng văn hóa Việt Nam.

Theo chị Nguyễn Hồng Thủy, cán bộ phòng nghiên cứu sưu tầm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 60 hiện vật trưng bày tại Triển lãm lần này chỉ là một trong số ít những hiện vật về nghê của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; mặt khác để trưng bày và giới thiệu về những con nghê này đến với công chúng ở Dak Lak, đòi hỏi sự cẩn thận cũng như công sức rất lớn của các nhân viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Dak Lak vì kích thước và trọng lượng của nhiều con nghê rất lớn.

Triển lãm hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam đã giúp nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ hiểu thêm về linh vật nghê của Việt Nam, điều mà lâu nay nhiều người còn mơ hồ về nguồn gốc và ý nghĩa của nó. “Sau khi đi xem triển lãm em đã biết nhiều hơn về nghệ thuật điêu khắc cổ ở Việt Nam. Em cảm thấy tự hào về sự sáng tạo của cha ông mình”, em Nguyễn Đức Bảo, học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Du tâm sự. Còn em Trần Thị Linh, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên thì cho rằng, Triển lãm đã mang đến cho các em thêm nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử điêu khắc cổ của dân tộc. Từng hiện vật đã gợi về một quá trình lịch sử văn hóa vô cùng sáng tạo và đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam. Em Linh chia sẻ: “Khi được ngắm nhìn từng bức tượng, cùng với những nét trạm trổ tinh tế, có cảm giác em như được ngược dòng lịch sử, chứng kiến từng cử chỉ, thao tác của các nghệ nhân xưa. Thật may mắn khi em được tận mắt nhìn thấy những sản phẩm văn hóa đầy tính sáng tạo của cha ông”.

Bà Mai Hoan Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thì khẳng định: Việc trưng bày triển lãm về nghê và sư tử tại Bảo tàng tỉnh Dak Lak đã góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, các đơn vị và người dân trong việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa nhằm định hướng thẩm mỹ công chúng để từ đó trân trọng, tự hào với kho tàng di sản và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Hà Thiên Ân


Ý kiến bạn đọc