Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ Tố Uyên làm thơ về mối tình đầu với nhà thơ Lưu Quang Vũ

16:23, 26/03/2015
Tập thơ “Ngày ấy mưa rơi” của nữ diễn viên điện ảnh Tố Uyên được in năm 1999. Tập thơ với 25 bài và một số phụ lục là những tư liệu quý giá về tình yêu, tình vợ chồng đầu tiên giữa Tố Uyên với cố nhà thơ, kịch tác giả nổi tiếng Lưu Quang Vũ.

Từ những năm 60 của thế kỷ 20, diễn viên Tố Uyên đã nổi tiếng với vai bé Nga trong phim “Chim vành khuyên”, một trong những bộ phim truyện nhựa thành công đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim được giải Bông sen vàng trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất và được giải thưởng Xuất sắc trong Liên hoan phim quốc tế Caclôvy Vari (Tiệp Khắc). Sau đó, Tố Uyên theo học và tốt nghiệp Trường múa Việt Nam, trở thành diễn viên Xưởng phim truyện Việt Nam, diễn viên Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Việt Nam. Từ sau “Chim vành khuyên”, chị tham gia đóng nhiều phim như “Cô giáo vùng cao”, “Nổi gió”, “Ngày lễ thánh”, “Biển gọi”, “Ngôi sao biển”...; các vở nhạc kịch và kịch múa như “Cô Sao”, “Chị Sứ”, “Núi rừng hãy lên tiếng”...

Lưu Quang Vũ-Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.
Lưu Quang Vũ-Tố Uyên và con trai Lưu Minh Vũ.

Theo thời gian ghi dưới các bài thơ thì năm 1967 mối tình của Lưu Quang Vũ và Tố Uyên rất nồng cháy. Hai người là bạn cùng học thuở thỏ. Lúc này Lưu Quang Vũ là lính không quân làm nghề thợ máy bay khi thì ở sân bay Cát Bi, khi ở sân bay Đa Phúc. Thời gian này Vũ viết rất nhiều thơ, trong đó có những bài thơ tặng người yêu Tố Uyên như “Bài hát ấy vẫn còn dang dở”, “Gửi Tố Uyên”, “Vườn trong phố”… Thơ tình của người lính thật da diết: “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay / Ta đã có những ngày vui sướng nhất / Đã uống cả men nồng và rượu chát” (Bài hát ấy vẫn còn dang dở); hay: “Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài / Em cũng mát lành như trái dưa mùa hạ” (Vườn trong phố). Trong bài thơ “Gửi Tố Uyên” dài 46 câu viết năm 1967, Lưu Quang Vũ đã dùng tất cả những từ ngữ đẹp nhất để ngợi ca người yêu, ngợi ca mối tình của mình:

.. Em vụt đến giữa đời anh chói lọi

Em vụt đến như mùa xuân bối rối

.. Em là rễ nối liền anh với đất

Lại là chồi nở búp đón sương mai.. .

Thấy thơ chưa đủ nói chuyện tình, Lưu Quang Vũ và Tố Uyên còn viết cho nhau những bức thư vô tận. Trong một bức thư  “Tố Uyên yêu thương” viết ngày 12-7-1968, Lưu Quang Vũ viết : “...Thế là từ đầu thư tới giờ anh toàn nói chuyện công việc, em nghe có chán tai không? Nói chuyện khác nhé! Chuyện của chúng mình. Tại sao em còn hỏi “Anh đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Còn phải suy nghĩ gì nữa, lúc nào mà anh chẳng nghĩ về em, mong được ở gần em. Tùy ở em đấy thôi, còn anh thì nhất định giống như anh con giai trong chuyện thơ “Sóng chụ xôn xao” của dân tộc Thái:

Không lấy được nàng ta làm loạn giữa phủ

Không lấy được nàng ta làm giặc giữa mường”...

Trong hồi ký của mình, mẹ Lưu Quang Vũ kể rằng: “Năm 1970, Vũ xuất ngũ. Lúc này Vũ đã có vợ là Tố Uyên và có một con trai tên là Lưu Minh Vũ. Tiếp sau đó là những năm cực kỳ gian nan vất vả của đời Vũ. Rời bộ đội chưa có công ăn việc làm, hạnh phúc riêng bỏ dở. Vợ chồng Vũ ly hôn khi con trai mới hơn một tuổi...”.

Mặc dù mối tình Uyên - Vũ sớm chia xa, rồi năm 1988 Lưu Quang Vũ qua đời vì bị nạn nhưng toàn bộ tập thơ “Ngày ấy mưa rơi” của Tố Uyên đều đau đáu, ám ảnh vẻ đẹp lung linh không bao giờ phai tàn của mối tình đầu. Năm 1972, cả Tố Uyên và Lưu Quang Vũ (khi ấy đã chia tay) đều về nơi sơ tán thăm con và hai người đều viết thơ tặng con trai. Trong các bài thơ, hai người đều nhắc đến nhau trân trọng: “Mưa vẫn giăng đầy trời - mùa đông lạnh / Mẹ đã thấy ánh nắng nơi con / … Bố rất vui/ Khi mẹ con mình nghĩ vậy!” (Thăm con sơ tán - Tố Uyên ). Còn Lưu Quang Vũ thì viết: “Con ơi con hãy tha thứ cho cha / cha chẳng thể nào sống cùng mẹ / đời cha nắng gắt / mẹ con cần suối mát đồng vui / con khôn lớn trên đời / hãy yêu thương mẹ / và hãy hiểu cho cha” (Nói với con cuối năm). Các bài thơ trong tập thơ “Ngày ấy mưa rơi” hầu hết được viết từ năm 1972 đến 1991, nghĩa là khi hai người đã chia xa song không hề bắt gặp chi tiết hoặc tâm trạng giận hờn, căm ghét mà Tố Uyên vẫn vời vợi một tình yêu bỏng cháy: “Em là gì / Anh có biết không / Em là cuộc đời rất thực (... ) Em là em / Em là tình yêu ! (Em). Trong bài thơ “Xa” đề tặng Lưu Quang Vũ, để nói tấm lòng mình về “Mối tình kia đâu dễ đứt”, Tố Uyên nhắc lại hình ảnh rất đẹp :

Chiếc áo choàng lúc thơ ngây

Chiếc mũ cát két ngày xưa em thường đội

một khoảng trời xanh hạnh phúc em - anh

Theo ta mãi những năm bé dại.

Dường như thời gian càng qua đi, Tố Uyên càng đau đáu với mối tình đầu của mình và Lưu Quang Vũ, những kỷ niệm càng trào lên với bao nhiêu đắng cay, tiếc nuối đã trở thành nguồn mạch cho những bài thơ của chị. Thiết nghĩ, nghiên cứu về cuộc đời cũng như thơ và kịch Lưu Quang Vũ, không thể không tìm hiểu mối tình của anh với Tố Uyên.  Mối tình này cho ta có thêm những hiểu biết sâu xa về những khát vọng, sở thích, bản ngã con người anh, như Tố Uyên đã hiểu, đã thông cảm: “(Anh) như cánh chim phải bay tìm hạnh phúc / cho mọi người chẳng phải riêng ta..”. (Xa). Hiểu như thế nên trong chị vẫn mới nguyên vẹn những rung động ban đầu: “Thuở ấy mưa vẫn cứ rơi/Lửa vẫn cháy bùng bên lều trại/Chỉ có chúng mình thôi/Đi bên nhau thuở ấy” (Ngày ấy mưa rơi).

Ngô Minh


Ý kiến bạn đọc