Cần đổi mới việc tổ chức các lớp bồi dưỡng sáng tác trẻ
Từ những năm 1992, Hội Văn học - Nghệ thuật Đắk Lắk đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo, Tỉnh Đoàn duy trì hoạt động thường niên là mở lớp bồi dưỡng sáng tác thiếu nhi. Suốt 20 năm qua, Hội đã phối hợp tổ chức 16 trại Hạ Xanh và 6 trại sáng tác thiếu nhi dân tộc thiểu số của riêng Hội Văn học - Nghệ thuật mang tên Hương Rừng.
Các lớp bồi dưỡng sáng tác thiếu nhi được những người tâm huyết với sự nghiệp văn chương tỉnh nhà thành lập với một chuỗi các hoạt động như truyền dạy, hướng dẫn các em sáng tác, tạo điều kiện cho các em đi thực tế sáng tác sau đó sửa bài vở và in tuyển tập cho các em. Được duy trì đều đặn vào các dịp hè, các lớp bồi dưỡng sáng tác này đã có được những thành quả nhất định với sự ra đời của một lớp thế hệ viết mới, trẻ trung, sung sức và tràn trề nhiệt huyết như H’Siêu Byă, H’Xíu Hmok, H’Phila Niê, H’Wêra…
Các tập Hạ Xanh, Hương Rừng tuyển chọn đăng tác phẩm thơ, văn thiếu nhi qua mỗi trại sáng tác. Ảnh: Lan Anh |
Tuy nhiên, càng ngày thời gian tổ chức trại sáng tác càng bị rút ngắn lại. Từ thời gian nửa tháng, mười ngày, vì nhiều lý do trong đó lý do lớn nhất là không đủ kinh phí, trại sáng tác hiện nay chỉ diễn ra khoảng một tuần rồi tập trung bốn ngày vào giữa dịp hè. Sau đó, kết thúc trại sáng tác thiếu nhi, các em về với học hành, bận rộn với những thi cử, cuộc sống thường nhật. Những em tham gia trại lần thứ hai, thứ ba rất ít; đa phần, các em chỉ tham gia được một mùa trại sáng tác. Con số các em hiện đang viết lách thật sự chỉ dừng lại ở vài cái tên như đã kể trên. Trong khi đó, nếu thống kê số lượng các em học sinh từng tham gia các lớp Hạ Xanh, Hương Rừng trong 20 năm qua phải kể đến vài trăm người. Số người sáng tác “rơi rụng” quả là quá lớn.
Thiết nghĩ, để làm “sôi động” hơn bầu không khí sáng tác văn học trẻ của Đắk Lắk, để lực lượng viết trẻ ở Tây Nguyên không bị đánh giá “quá yếu và quá mỏng” như hiện nay, vừa duy trì các trại sáng tác, cần phải tạo thêm những nét mới mẻ, sáng tạo trong việc khuyến khích các cây bút trẻ. Cụ thể như: những học sinh tham gia trại sáng tác thiếu nhi sẽ được tiếp tục theo dõi, giúp đỡ và khuyến khích sáng tác; các em sẽ được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp bồi dưỡng khác nhau do chính các văn nghệ sĩ giúp đỡ, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, cần tăng thêm kinh phí cho công tác tổ chức trại sáng tác thiếu nhi, có như vậy mới bảo đảm được thời gian cần và đủ cho một trại sáng tác, để các em có thời gian được nghe giảng, được hướng dẫn, có thời gian thẩm thấu và từng bước hình thành tác phẩm một cách hiệu quả nhất. Hoạt động của trại sáng tác thiếu nhi cần được tổ chức phong phú, gần gũi với đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng hay các đơn vị bộ đội một cách cụ thể để các em được đắm mình trong không gian thực sự trong sự định hướng cụ thể chứ không phải là chuyến đi du lịch Nha Trang hay Đà Lạt như một sự thư giãn. Hội Văn học - Nghệ thuật cần phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Đắk Lắk thực hiện một số chương trình thường kỳ phổ biến tác phẩm, đặc biệt trên Tạp chí Cư Yang Sin đăng tải tác phẩm của các em trong chuyên mục sáng tác trẻ. Ngoài ra, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cần phối hợp thường xuyên và liên tục hơn với các đơn vị như Sở GD-ĐT, Tỉnh Đoàn, các đơn vị khác, thay đổi hình thức tổ chức trại sáng tác thiếu nhi, thay đổi cách thức lựa chọn, tìm kiếm nhân tố trẻ, nhân tố mới bằng việc tổ chức một số cuộc thi viết, vẽ với mô hình lớn, nhỏ khác nhau. Song song đó, cần thành lập một Câu lạc bộ Sáng tác văn học nghệ thuật trẻ….
Làm được như vậy sẽ tạo nên nhiều thay đổi trong phong trào sáng tác trẻ, góp phần tạo sự khởi sắc cho văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số trẻ nói riêng và văn học nghệ thuật tại Đắk Lắk nói chung.
Niê Thanh Mai
Ý kiến bạn đọc