Niềm hy vọng từ những đội chiêng trẻ
Những ngày cuối tháng 7 vừa qua, Liên hoan Đội chiêng trẻ và sử dụng nhạc cụ tre, nứa các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk năm 2015 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức đã tạo không gian diễn xướng cho các đội chiêng trẻ của tỉnh biểu diễn và thể hiện tài năng của mình.
Lần đầu tiên tham dự Liên hoan, H’Rô Na Ayun (SN 2000) đã không giấu được niềm vui mừng khi em cùng các bạn trong đội chiêng nữ buôn Ea Đun, xã Ea Kênh (Krông Pắc) đạt giải A với tiết mục biểu diễn cồng chiêng “Mừng được mùa”. H’Rô Na cho biết, trong một lần tham gia sinh hoạt tại Nhà cộng đồng của buôn, em và các bạn được các anh chị chi đoàn buôn phổ biến kế hoạch mở lớp học đánh cồng chiêng và đã xung phong tham gia. Được sự động viên của già làng, bố mẹ và các anh chị đoàn viên, đội chiêng nữ đầu tiên của buôn đã được thành lập và hoàn thành khóa học đánh chiêng. H’Rô Na hồ hởi: “Em không nghĩ rằng sẽ được đi thi và đạt giải tại Liên hoan lần này. Đây là điều rất bất ngờ và vinh dự đối với em và các bạn”. Còn già làng Ea Sinh, nghệ nhân đã truyền dạy đánh cồng chiêng cho các em nữ thì tự hào: “Trong buôn trước đây chỉ có mấy ông già đánh chiêng thôi, giờ đã thành lập đội chiêng nữ của buôn rồi. Nữ cũng như nam, già nhất định sẽ truyền dạy hết những điều mình biết để truyền thống văn hóa của cha ông không bị mai một”. Tại Liên hoan lần này, đội chiêng nữ của buôn Ea Đun là đội chiêng nữ duy nhất đạt giải A.
Tiết mục biểu diễn chiêng tre và chiêng đồng của đội chiêng trẻ TP. Buôn Ma Thuột. |
Bên cạnh các tiết mục biểu diễn cồng, chiêng, Liên hoan đã thu hút sự quan tâm của người xem ở các tiết mục hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc. Sân chơi này cũng đã phát hiện nhiều nghệ nhân trẻ biểu diễn điêu luyện các nhạc cụ dân tộc như: Y Hai (Krông Bông) diễn tấu đing năm rất bài bản; Y Thu Êban (TP. Buôn Ma Thuột) biểu diễn tiết mục độc tấu đing năm với phong cách chững chạc, tự tin... Là thành viên của đội cồng chiêng TP. Buôn Ma Thuột đạt hai giải tiết mục xuất sắc và cá nhân xuất sắc với màn biểu diễn hòa tấu đing pah, đàn T’rưng và đing năm, em Y Thu Êban tâm sự: “Từ nhỏ khi được nghe các nghệ nhân biểu diễn đàn t’rưng em đã mê rồi. Lớn lên được bố mẹ khuyến khích, em đăng ký tham gia vào đội chiêng trẻ và được truyền dạy đánh đàn T’rưng. Em rất vui vì những nỗ lực của mình với các bạn trong thời gian qua đã được ghi nhận. Chúng em rất biết ơn các già làng, nghệ nhân đã tận tình chỉ dạy để chúng em hiểu và giữ gìn các giá trị văn hóa của dân tộc mình qua những âm điệu của tiếng cồng, chiêng và các nhạc cụ dân tộc độc đáo này”.
Nhận xét về chất lượng biểu diễn của các em tại Liên hoan, NSƯT Vũ Lân, Trưởng Ban giám khảo cho biết, bản thân ông rất vui khi thấy các em biểu diễn thành thục các bộ chiêng tre và chiêng đồng của dân tộc mình. Có nhiều đội chiêng trẻ tuổi từ 13 đến 16 nhưng đã chơi nhuần nhuyễn những bài chiêng với 6, 7 âm điệu, tiết tấu khác nhau như đội chiêng xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin), buôn Kon H’ring (huyện Cư M’gar)... Bên cạnh đó, có khá nhiều đội đã mang đến Liên hoan những bản sắc riêng hết sức độc đáo của dân tộc mình trong những bài biểu diễn tổng hợp, diễn tấu tổng hợp các nhạc cụ dân tộc. “Đây là những tín hiệu vui mà tôi tin rằng các già làng, nghệ nhân khi xem các em biểu diễn sẽ càng yên tâm khi trao truyền lại cho thế hệ trẻ giá trị văn hóa độc đáo của cha ông để lại. Liên hoan lần này cũng là dịp để thế hệ trẻ có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, tiếp tục duy trì và phát triển phong trào”, NSƯT Vũ Lân tâm sự.
Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phan Thị Như Thủy cho biết, trong những năm qua việc gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng tại tỉnh ta nói riêng và Tây Nguyên nói chung là nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Thời gian gần đây, ở các buôn làng, số người biết sử dụng cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc ngày càng mai một. Đáng báo động là có một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên chưa quan tâm và nhận thức sâu sắc về giá trị của nhạc cụ truyền thống cũng như di sản văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Do đó, Liên hoan Đội chiêng trẻ và sử dụng nhạc cụ tre, nứa các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk năm 2015 là dịp để động viên, khích lệ, nhân rộng và thu hút các bạn trẻ tham gia, mở rộng giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành Văn hóa tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng chiến lược đầu tư công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 – 2020.
Liên hoan Đội chiêng trẻ và sử dụng nhạc cụ tre, nứa các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk năm 2015 được tổ chức trong hai ngày 30 và 31-7 tại hai cụm thi Krông Pắc và Buôn Đôn, với sự tham gia của 12 đội chiêng đến từ các huyện: Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Krông Búk, Cư Kuin, Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Ana, Lắk, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột. Liên hoan thu hút gần 200 diễn viên là thanh thiếu niên các dân tộc thiểu số như: Êđê, J’rai, Xê Đăng, Êđê Bih, M’nông, Mường... Các đội tham dự tranh tài ở các nội dung: biểu diễn tổng hợp, diễn tấu chiêng đồng và hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 4 giải B, 5 giải C, 4 giải cá nhân xuất sắc nhất và 2 giải tiết mục xuất sắc nhất cho các đoàn và cá nhân tham dự.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc