Multimedia Đọc Báo in

Làng tôi thời xưa cũ

07:53, 13/09/2015
Cách đây nửa thế kỷ, làng Yên Phó của tôi bé xíu, bé đến nỗi bọn trẻ con chúng tôi cầm chiếc dây diều chạy từ đầu làng đến cuối làng chỉ hết chừng dăm phút.
 
Mỗi khi có cơn giông, chiếc lá đa từ cây đa Ông Tích ngoài bờ sông Vạc bay vèo một phát là có thể đáp xuống cánh đồng Rộc; rồi nếu gió xoay ngược thì nắm rạ phơi trên bờ đồng Rộc có thể vừa bay vừa múa lên ngọn đa có những tổ chim phất phơ từ năm ngoái.

Làng có vài chục nóc nhà, to bé, cao thấp có khác nhau một tẹo, nhưng đều chung một điểm là vách đất, mái rạ; nhà nào giàu thì có tường đắp bằng đất, mái lợp ngói. Sớm chiều, mái nhà nào cũng có những làn khói lam bay lên; nhiều nóc nhà có khói như vậy tạo thành một vùng quê thanh bình, yên ả; mà sau này lớn lên, dẫu có đi đâu về đâu, thì trong nỗi nhớ về làng, mỗi chúng tôi đều đau đáu về cái làn khói mờ ảo thấm đẫm màu cổ tích ấy... Bởi trong làn khói có mùi của rơm rạ nỏ, có hương của những củ khoai lang cạn nước cháy dưới đáy nồi, có mùi khê của nồi cám lợn trào nước, có cả mùi phân bò trong chuồng nhà ai vừa đảo... Khói lam chiều tỏa trong gió lan theo tiếng chú chó con nhà ai cứ ăng ẳng khi gần khi xa; hình như chú đang đuổi theo con chuồn chuồn, hay đang quay tròn trên sân cát còn in vết chổi tre bà chủ vừa quét, sủa với chính cái đuôi của mình...

             Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Ngôi nhà chúng tôi sinh ra và lớn lên cách đây nửa thế kỷ có kết cấu theo mẫu chung của ông cha để lại, gồm ba gian, hai chái. Gian giữa để làm phòng thờ và tiếp khách, gian bên phải dành để kê giường ngủ, gian bên trái là " buồng", để thóc gạo và các vật dụng của gia đình. Hai chái là hai bên đầu nhà, một chái để dành khi nhà có con trai lớn cưới vợ thì kê giường nằm ngoài đó, sinh đẻ ngoài đó; còn một chái để kê chiếc cối xay lúa, cối giã gạo... Hai chái là phần thấp xuống của hông nhà, thường không đắp vách, xây tường, mà để trống cho thoáng. Chính vì vậy, về mùa hè, nơi đây thường là chỗ để cả nhà trải chiếu ăn cơm, uống cốc nước chè xanh và bàn chuyện mùa màng. Trưa hè, mẹ mắc chiếc võng trên hai đầu cột, kể câu chuyện cổ tích, ru câu dân ca trong tiếng kẽo kẹt của chiếc võng. Ta thiu thiu ngủ trong tiếng mẹ, tiếng võng; để rồi đi suốt một đời chẳng thể nguôi quên...

Nửa thế kỷ rồi, lứa chúng tôi xa làng đã ngần ấy năm; về làng, ở với làng đợt thì chục ngày, đợt thì cả tháng, chân lội khắp các ngõ cùng hẻm cụt ngày xưa, có chỗ lạ, có chỗ quen; có chỗ nhận ra ngay nhưng có chỗ phải hỏi thăm... Nhìn chung làng bây giờ to thêm, hiện đại thêm; nhiều người đỗ đạt. Cây đa Ông Tích không còn nữa. Cũng như người, cây đã nằm xuống, để lại một khoảng trống không thể bù đắp của làng, của tuổi thơ chúng tôi. Con sông Vạc bị bèo lục bình bao vây từng mảng lớn, không còn một bóng thuyền, một cánh buồm nâu, một câu hò thơ thới của anh lái nơi mũi thuyền khi chiều về, trăng lên. Trẻ con trong làng thôi chơi trò ô ăn quan, hết chắt chuyền, chẳng nu na nu nống.... Chúng đang già dần so với lũ trẻ chúng tôi ngày xưa…

Riêng tôi, tôi vẫn không thể nào thích ứng nổi với hình ảnh quê mới bây giờ. Mỗi lần nhắm mắt lại, tôi vẫn chỉ thấy con đường làng, đồng quê cũ, phong tục xưa, mái nhà cổ lại rõ mồn một. Thế đấy, tôi yêu làng mới của tôi, nhưng tôi cũng vẫn nhớ, không thể nào quên làng Yên Phó của tôi ngày xưa - một miền quê tôi neo giữ trong ký ức cho đến tận bây giờ!

 Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc