Multimedia Đọc Báo in

Mùa lũ tuổi thơ

08:05, 19/09/2015
Cứ mỗi lần đến mùa mưa lũ lòng tôi lại chênh chao rùng mình sợ hãi. Khi đó ký ức tuổi thơ trôi qua cùng những mùa lũ trên mảnh đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt lại trỗi dậy trong tôi.

Trước khi lũ về, trời bắt đầu đổ mưa. Gió vù vù, rít mạnh như những vị khách hung dữ chực nuốt trôi tất cả. Gió lật tung những phên tranh, phên rạ trên gian nhà chính lẫn chuồng gà. Dường như sức trai khỏe của ba lúc đó cũng không thể nào chống nổi vị khách hung dữ này. Bao lần người đưa phên lên mái để lợp thì ngay tức khắc bị gió quật trở lại. Và, chật vật lắm ba mới chắp vá được một vài phên.  Những lúc như vậy tôi nhận ra mình thật hạnh phúc khi có một mái ấm đủ đầy cả ba lẫn mẹ.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tối đến bên ánh đèn dầu leo lét cả nhà nhấp nhổm ăn cơm, vừa ăn vừa lo lũ về.  Đang ăn dở chừng bát cơm ba sực nhớ ra chỗ đặt bồ lúa không an toàn lại phải xê dịch chỗ khác. Mặc dù đã lường trước sức mạnh của mưa bão nhưng khi mưa ập về nhanh đến nỗi ba mẹ không kịp trở tay. Cơn mưa lùa xuống như thác đổ, từng làn nước ào ào dội xuống căn nhà nhỏ. Những phên tranh, rạ rách tơi tả.  Nhìn ba loay hoay tìm cách cứu vãn trong bất lực mà thấy thương người vô cùng. Mỗi làn nước dội xuống như xé ruột, xé gan của cả gia đình.

Đêm mưa giông hầu như ba mẹ đều trắng giấc. Chị em chúng tôi cựa quậy giấc tròn, giấc méo vì mưa tạt vào người ướt lạnh.  Nửa đêm tỉnh giấc, thỉnh thoảng tôi nghe tiếng then cửa kẽo cà kẽo kẹt. Tôi sợ chỉ độ dăm bảy phút nữa với tiếng kêu như thế then cửa sẽ bật tung mất. Ba đi tới, đi lui rồi cũng kiếm ra cái cối đá chèn ngay giữa cửa. Tiếng nhỏ Út run run kêu lạnh lẫn tiếng gà con liếp chiếp khiến tôi càng hoảng loạn hơn. Những lúc này mẹ luôn ôm chặt chị em tôi vào lòng. Và, tôi đã vượt qua cơn sợ hãi bằng hơi ấm của mẹ.

Sáng ra, tôi mở he hé cửa nách đứng nhìn, căng mắt hết cỡ. Quá ngạc nhiên bởi vì xung quanh nhà mênh mông là nước. Nước cuồn cuộn chảy bao trùm cả thửa cà tím, giờ chỉ thấy chấp chới một vài cái lá màu xanh.  Mẹ tôi đứng trong nhà nhìn dòng nước đang cuồn cuộn mắt đỏ hoe. Tôi biết mẹ đang xót của, nhìn thiên tai trong vô vọng.

Mưa tạnh cũng là lúc lũ trên nguồn bắt đầu dồn dập đổ về. Đám con nít lang thang trong mưa nhặt những trái bàng vàng ươm, ngấu nghiến vị chan chát, ngòn ngọt mặc người lớn đang ra đê cứu lũ. Từ thanh niên trai tráng, phụ nữ cho đến các cụ già, người cầm quốc, thuổng, người vác tải cát chắn đê. Tiếng loa trống vang lên thùng thùng thúc giục. Ai nấy đều gồng mình khiêng những bao cát nặng hơn cả thân người chỉ mong sao đê đừng vỡ. Những lúc này mới thấy trân quý tình làng nghĩa xóm, sự đồng lòng, chung sức vì việc chung.

Ngày thứ sáu, lũ ngừng. Một tuần trôi qua cứ ngỡ như cả thế kỷ dài đằng đẵng. Nhìn cảnh vật ngổn ngang giữa đám sình bùn không thể không rơi nước mắt. Gà lợn, của nả trong nhà trôi theo lũ. Chỉ còn lại một vài miếng sành của chum đựng thóc, vài miếng gỗ xiêu vẹo trên bộ bàn ba đóng cho chúng tôi học, sách vở ướt nhẹp. Lần giở những trang sách chữ nhòe bệt vào nhau, nắng rồi cũng hong khô tất cả, nhưng dư âm của mưa bão vẫn hằn in trên nếp cong của tờ giấy. Những cuốn sách ngày xưa đó, giờ ở kho cũ ba tôi vẫn đang còn giữ lại. Mỗi khi giở ra, ký ức xưa quay về, nước mắt chảy xuống, thấm chung với vệt nước lũ…

Quyền Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.