Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - người bạn đồng hành của tuổi thơ

07:32, 19/09/2015
Nguyễn Nhật Ánh bắt đầu viết cho thiếu nhi vào năm 1985. Năm đó, anh ra mắt bạn đọc hai tác phẩm văn xuôi: Trước vòng chung kết (Nxb Măng non) và Cú phạt đền (Nxb Kim Đồng). Cả hai đều xoay quanh đề tài bóng đá, một trò chơi mà các em rất yêu thích và nhà văn cũng rất sở trường. Sau “cú phạt đền” thành công ấy, Nguyễn Nhật Ánh liên tục ra sách, ghi nhiều “bàn thắng” ngoạn mục (Kính vạn hoa, Chuyện xứ Lang Biang, Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, Chúc một ngày tốt lành…), trở thành một trong những nhà văn được yêu thích nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Như vậy, hoạt động sáng tác của Nguyễn Nhật Ánh diễn ra vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây cũng là lúc văn học thiếu nhi nước nhà gặp vô vàn khó khăn trên con đường phát triển. Cơ chế thị trường đã đặt nhà văn vào thế cạnh tranh bình đẳng, bạn đọc bị phân tán do sự thu hút của các trò chơi trực tuyến và sách truyện nước ngoài xâm nhập mỗi lúc một nhiều. Đã có lúc, văn học thiếu nhi rơi vào tình trạng khủng hoảng, gây nên những quan ngại sâu sắc cho xã hội, nhất là với người  sáng tác. Đứng trước tình trạng văn chương Việt Nam lép vế ngay trên sân nhà, lòng tự ái nghề nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh bị đánh thức. Anh luôn trăn trở về việc làm sao thu hút được bạn đọc trở lại với văn học Việt Nam, yêu thích đọc truyện chữ nhiều hơn truyện tranh. Theo đó, giải pháp duy nhất là nhà văn phải viết thật nhiều tác phẩm hay cho các em nhằm hạn chế dần ảnh hưởng của sách ngoại, nhất là với những cuốn có nội dung không phù hợp. Công việc này không hề dễ dàng, bởi sách truyện  nước ngoài vốn giàu khả năng hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc.

Điều tâm niệm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là phải thay đổi cách viết, tức phải tiếp cận cái mới, tạo phong cách mới. Có như thế, các em mới cảm thấy hứng thú, yêu thích mỗi khi tìm đọc tác phẩm của nhà văn Việt Nam. Trong suốt 30 năm qua, Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tác với một tinh thần đổi mới như vậy. Nỗ lực của anh đã được đền đáp xứng đáng. Dường như bất cứ tác phẩm nào, từ Kính vạn hoa đến Chuyện xứ Lang Biang, rồi Tôi là Bêtô, Chúc một ngày tốt lành, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ… của anh cũng luôn được công chúng đón nhận một cách hào hứng, nồng nhiệt. Nhìn rộng ra, ở Việt Nam, hiếm có nhà văn nào thu hút được một số lượng bạn đọc hâm mộ rộng rãi như anh. Sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Nhật Ánh chính là ở khả năng kiến tạo sự hòa hợp, hòa điệu tâm hồn giữa tâm hồn nhà văn và bạn đọc. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh giúp cho các em tìm thấy cuộc sống của mình trên từng trang sách. Người lớn đọc anh cũng cảm thấy hạnh phúc khi được trở về với thời thơ dại, tâm hồn thư thái hơn sau những vật lộn mưu sinh. Có thể nói, sách Nguyễn Nhật Ánh có trăm nghìn mảnh đời, trăm nghìn tâm trạng buồn, vui, hờn giận… của tuổi thơ. Vì thế, chúng làm hài lòng bạn đọc, qua đó, tạo nên sự đồng cảm, tin cậy.

Đọc Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta có thể tìm thấy những tương đồng rất thú vị với văn chương thế giới. Sự gặp gỡ này xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Trước hết, Nguyễn Nhật Ánh đã đọc rất nhiều tác phẩm của Mark Twain, Edmond de Amicis, Victor Hugo, Hector Mallot… và nhiều nhà văn khác. Nhờ đọc mà anh thêm yêu nghề viết, đồng thời tìm được những gợi ý thiết thực cho công việc sáng tạo của mình.  Mặt khác, Nguyễn Nhật Ánh cũng mong muốn viết về những đề tài, thể loại tương tự bên ngoài song lại đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Chuyện xứ Lang Biang là một tác phẩm được nhà văn sáng tác trong hoàn cảnh như thế. Anh muốn tạo ra một Harry Potter Việt Nam, muốn “chứng minh người Việt mình cũng có khả năng siêu tưởng” (Văn Hồng, Nguyễn Nhật Ánh như một ví dụ). Trong những năm qua, nhiều tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đã được chuyển ngữ, được xuất bản sang nhiều nền văn hóa khác như Thái Lan, Nga, Nhật Bản… Những cuộc “xuất ngoại” như thế vừa có tác dụng nối dài truyền thống văn học thiếu nhi vốn được khởi đi từ Dế Mèn phiêu lưu ký (1959, tiếng Nga), đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh văn học Việt Nam trong con mắt bạn bè.

Thật sự thú vị khi đặt Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ của Nguyễn Nhật Ánh bên cạnh Chuyện con mèo dạy con hải âu bay của nhà văn người Chi Lê Luis Sepu’lved. Cả hai đều được viết theo thể đồng thoại, một thể văn nhân cách hóa loài vật rất được trẻ em ở mọi thời đại ưa thích. Quan trọng hơn, hai nhà văn đều có cách lập tứ, dựng truyện rất đặc biệt. Họ xây dựng nên những hiện thực phi lí, những hoàn cảnh có tính ngược đời để rồi qua đó gửi gắm một thông điệp đầy ý nghĩa nhân văn. Luis Sepu’lved, ngay từ nhan đề, đã khiến cho người đọc thắc mắc rằng, cơn cớ làm sao mà con mèo vốn không biết bay lại đi dạy cho con hải âu bay. Tương tự, Nguyễn Nhật Ánh cũng khiến người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, vừa thú vị, vừa khó tin chuyện Mèo Gấu đánh bạn với chuột Tí Hon, Út Hoa… và hằng ngày mang cơm cho chúng. “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn” (Chuyện con mèo dạy con hải âu bay). “Một tình yêu như vậy từ một con mèo (hay một con người) luôn tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh mà với nó bất cứ ai cũng có thể tạo nên phép màu cho thế giới này” (Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ). Không hẹn mà gặp, Nguyễn Nhật Ánh và Luis Sepu’lved đã đem tới cho các em những câu chuyện thật cảm động về mối quan hệ giữa các con vật. Đọc họ, chúng ta dễ dàng đồng tình với quan điểm sau đây về một cuộc sống cần có: Thế giới này vốn đầy nghịch lý, khác biệt, nhưng nếu biết bỏ qua những định kiến, biết tôn trọng sự đa dạng và đối xử với nhau bằng tình yêu, tình thương thì chắc chắn cuộc sống của con người cũng như muôn loài sẽ thay đổi, sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.

Hành trình sáng tạo văn chương cho tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh vẫn đang tiếp tục hứa hẹn gặt hái thêm nhiều thành công mới. Tuy vậy, những thành quả sáng tạo trong 30 năm vừa qua của nhà văn đã đủ khẳng định tầm vóc một cây bút giàu khả năng sáng tạo, đầy cá tính và rất linh hoạt trong việc tiếp cận thế giới tâm hồn tuổi thơ.

Lê Nhật Ký

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.