Multimedia Đọc Báo in

Nhớ mùa Trung thu!

10:09, 25/09/2015

Tùng tùng tùng, cắc cắc cắc, tùng tùng tùng, cắc tùng tùng tùng… Tiếng trống lân tưng bừng, tiếng hò hét cổ vũ của lũ trẻ con trong xóm đã khuấy động, gợi lại những ký ức tuổi thơ.

Xóm tôi nằm ở vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, đa số các gia đình đều làm nông, cái ăn, cái mặc còn thiếu làm sao dám mơ đến chuyện phá cỗ trăng rằm. Bánh nướng, bánh dẻo, lồng đèn… rất xa xỉ đối với lũ trẻ con trong xóm. Cứ mỗi mùa Trung thu đến nhìn cái Bi, cái Ti con bác hàng xóm nhà khá giả xách lồng đèn điện tử đi chơi quanh xóm, chúng tôi thích lắm, ước gì mình cũng có một chiếc như vậy, hoặc chỉ cầm một lần thôi cũng được. Còn nhớ mùa Trung thu năm tôi học lớp 7, gia đình bạn Lan chuyển về xóm định cư. Tối đó, vừa nghe tiếng trống lân, hai chị em Lan cầm chiếc lồng đèn kéo quân to cỡ chiếc thùng thiếc của má dùng để quay nước từ giếng, bọn trẻ chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cả nhóm tròn xoe mắt khi nhìn thấy từng khuôn hình ngộ nghĩnh ẩn phía bên trong lớp giấy của chiếc lồng đèn cứ xoay  vòng quanh dưới ánh sáng lung linh của ánh nến. Trước sự ngạc nhiên của các bạn, Lan tự hào khoe: “Ông nội mình làm đấy! Nhà ông còn có nhiều chiếc đẹp hơn cơ!” Cứ ngỡ nhỏ Lan “nổ”, cả nhóm ra “tối hậu thư”: “Không chơi với hai chị em nhà có điều kiện ấy”. Mặc dù nói như vậy, nhưng cứ tối đến chúng tôi vẫn len lén nhìn qua cửa nhà Lan để ngắm chiếc lồng đèn kéo quân được treo trước cửa. Ngày hôm sau, vừa tan trường chúng tôi rủ nhau đi xin một cây tre già, vài ống lồ ô về làm lồng đèn, làm đuốc rủ nhau đi. Không ai bảo ai, đứa cưa, đứa chẻ, đứa vót tre, còn tôi đảm nhiệm việc cắt giấy bóng kiếng, giấy màu để dán lồng đèn. Hì hục tới tận khuya, những chiếc lồng đèn ông sao, lồng đèn giấy cũng hoàn thành. Mới chập choạng tối, vừa nghe tiếng trống lân vang lên xa xa, chúng tôi hối hả xách lồng đèn, cầm đuốc ra đầu xóm đón, hăm hở hòa mình vào đoàn lân…
Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Đêm hội trăng rằm cho con em cán bộ,  nhân viên cơ quan.
Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức Đêm hội trăng rằm cho con em cán bộ, nhân viên cơ quan.

Mùa Trung thu năm sau, trường tôi phát động phong trào thi lồng đèn, yêu cầu các em học sinh phải tự làm. Tôi hí hửng: “Làm sao mấy bạn trong phố biết làm lồng đèn, thế nào mình cũng đoạt giải”. Tôi đem chuyện thi làm lồng đèn nói với các bạn trong xóm. Sau khi tranh luận sôi nổi, cái Lan nói: “Em sẽ nhờ ông nội làm giúp cho chị. Ông em chuyên làm lồng đèn bỏ sỉ cho các cửa hàng mà!”. Lúc này tôi mới ngớ người, nhớ lại chuyện mùa Trung thu khi gia đình Lan mới chuyển đến và tự cảm thấy xấu hổ vì mình đã hiểu nhầm Lan khi khoe: “Nhà ông mình có nhiều lồng đèn lắm!”. Cuối tuần, tôi sang nhà Lan nhờ ông nội em “thiết kế mẫu”, còn mình phụ ông cắt giấy màu, cắt hoa để trang trí lồng đèn. Vừa tỉ mẩn làm, ông nội vừa kể cho chúng tôi nghe sự tích chú Cuội cung trăng, chỉ một loáng sau ông đã uốn xong khung chiếc lồng đèn kéo quân cho tôi. Kết quả chiếc lồng đèn kéo quân của tôi là 1 trong 5 lồng đèn đẹp nhất lớp được chọn để tham dự Hội thi cấp trường. Đúng đêm rằm Trung thu, nhà trường tổ chức chấm giải, nhìn chiếc lồng đèn của mình được treo trang trọng trong sự tán thưởng của bạn bè, tôi hãnh diện lắm. Dù chỉ đoạt giải Khuyến khích, phần thưởng là vài chiếc bánh quy, mấy viên kẹo dừa, nhưng niềm vui lần đầu khai hội trên phố đã đi vào giấc ngủ và theo tôi mãi đến giờ.

Làng quê hôm nào giờ đã thành phố thị, lũ chúng tôi đứa đi học đại học, đứa thì đi nghĩa vụ quân sự, cũng có đứa lập gia đình, thi thoảng mới có dịp gặp nhau nhưng khi nào cũng vội. Họa hoằn lắm mới hỏi han nhau vài ba câu rồi lại tất bật, hối hả với “guồng quay” của cuộc sống. Năm nay, tôi quyết định tổ chức Trung thu cho các con mà cũng là cho mình, được cùng cười vui hồn nhiên như những cô bé, cậu bé tuổi lên bảy, lên mười, để trở về với tuổi thơ với những ký ức đẹp, để trao nhau nụ cười duyên thẹn thùng của những thiếu nữ, hay nét tinh nghịch của những anh chàng thanh thiếu niên. Đặc biệt là ánh mắt háo hức, tiếng cười giòn giã của các em nhỏ, chăm chú dõi nhìn - vây quanh Tôn Ngộ Không nhí nhảnh, ông Địa hài hước… Ai cũng có một mùa Trung thu của riêng mình!

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.