Multimedia Đọc Báo in

Thương nhớ những mùa trăng...

09:57, 25/09/2015
Tháng 8 chạm ngõ, trăng non rọi về làm thức dậy một miền nhớ đến da diết. Nhớ cái tết trẻ con đón đêm rằm trên nền đất sóng sánh ánh trăng. Dẫu mỗi năm có một mùa trăng như thế, nhưng mùa trăng của ngày thơ vẫn dùng dằng, lưu luyến mãi chẳng muốn rời xa mỗi khi tháng Tám gọi về.
Múa lân phục vụ thiếu nhi dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Múa lân phục vụ thiếu nhi dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trung thu của trẻ em xóm nghèo ngày ấy không có đèn nhấp nháy, hình con thú hay siêu nhân, càng không có bánh Kinh đô hay Bibica thơm nức, cũng chẳng có đồ chơi đẹp nhưng ngọt ngào và trong trẻo đến lạ. Trẻ em xóm nhỏ đón Trung thu bằng những chiếc lồng đèn tự chế nên rất khác biệt. Đó chỉ là chiếc lồng đèn xanh, đỏ, vàng… đơn giản được cắt dán, làm từ giấy bóng gương đủ màu, với bên trong chỉ một chiếc nến nhỏ... Chỉ cần qua lễ Vu lan, lũ trẻ lại nũng nịu đòi người lớn làm lồng đèn cho và ngồi đếm ngược  thời gian mong cho chóng đến rằm tháng Tám! Rồi ba hoặc anh trai lớn cặm cụi ngồi vót nan, mấy đứa em nhỏ ngồi quanh, phụ anh cột từng nan lạt, phết hồ dán giấy. Thường thì lồng đèn ông sao  hay bánh ú được làm nhiều nhất vì khá đơn giản, trẻ con cũng có thể làm được. Chiếc đèn đón Trung thu với những cánh sao được dán giấy kiếng chắp nối, nhàu nhĩ, trang trí bên ngoài khá vụng về nhưng đó là thành quả lao động nghiêm túc nhất của hầu hết đám trẻ. Đám con trai, có đứa còn tự trang bị đồ chơi đêm trăng cho mình bằng cách lấy vỏ chai nhựa hoặc lon bia cắt một đầu để gắn nến vào, đầu kia đục hai lỗ đối xứng, buộc sợi dây vào cán để cầm tay, cầu kỳ hơn thì cắt thân giữa của vỏ lon thành những đường thẳng song song, để khi thắp nến vào, ánh sáng lóe ra cho thêm phần lung linh. Và chỉ chờ đến ngày 12 âm lịch, tờ mờ tối là lũ trẻ trong xóm đã xách đèn, í ới gọi nhau. Bữa cơm tối hôm đó đứa nào cũng ăn qua loa cho xong bởi tiếng trống lân đã khua xập xình ngoài đầu ngõ. Cả năm mới có một ngày nên mẹ cũng “ưu ái” chẳng o ép con cố ăn cho hết chén. Tiếng trống mỗi lúc một rộn ràng gõ nhịp, ông lân xanh, đỏ dẫn dầu đoàn lân nhảy múa, trẻ em háo hức nối đuôi theo, hòa vào dòng người. Thi thoảng, có làn gió táp qua, lồng đèn của một đứa bị tắt phụt, cả nhóm lại chụm nhau lại chắn gió, đứa lớn phụ giúp thắp lửa từ chiếc lồng đèn của mình sang cho đứa nhỏ, tiếng nói cười xôn xao vỡ òa trong đêm rằm, vui không gì bằng. Chơi chán, cả lũ xúm lại, ngồi bệt xuống nền đất ngửa mặt lên trời, trông trăng sáng, về khuya, khi trăng đã nhô lên đến đỉnh đầu thì ai về nhà nấy, chờ mẹ lấy mâm cỗ cúng rằm xuống, cả nhà quây quần phá cỗ…

Cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay, Trung thu của trẻ con thành phố có chiếc lồng đèn chạy pin nhấp nháy, có bánh Trung thu thơm nức, có ba mẹ  đưa đi chơi, sắm đồ đẹp. Song, những tiếng cười giòn tan trong đêm trăng rằm từ mùa Trung thu cũ - như một thứ âm thanh cứ rải vào lòng người, làm ta khó có thể  quên  được mùa Trung thu ở tuổi ấu thơ…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.