Multimedia Đọc Báo in

Người trọn cuộc đời dành cho Tổ quốc, cho Đảng và cho thơ

04:17, 04/10/2015
Lớn lên giữa lúc phong trào cách mạng, do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, đang phát triển mạnh mẽ, trong thời kỳ Cách mạng Dân chủ, Tố Hữu đã sớm giác ngộ cách mạng. Và chịu ảnh hưởng của cha, một nhà nho nghèo thích thơ và hay ngâm thơ cho con nghe, Tố Hữu đã tập làm thơ tứ tuyệt hồi mười tuổi.

Năm 1936, Tố Hữu gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản và trở thành người lãnh đạo Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Huế. Năm 1937, Tố Hữu gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi ấy, Tố Hữu đã có những bài thơ đăng trên các báo “Thế giới”  ở Bắc Kỳ, “Mới” ở Nam Kỳ và “Dân” ở Trung Kỳ. Năm 1938, Tố Hữu được cử vào Thành ủy Huế, phụ trách tuyên truyền và thanh vận. Tháng 4-1939, Tố Hữu bị địch bắt và kết án hai năm tù, giam ở Huế. Do đấu tranh chống tra tấn, Tố Hữu bị tăng án và đày đi Lao Bảo, rồi Buôn Ma Thuột, sau đó đi trại tập trung Đắk Lay (Kon Tum).

Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002)
Nhà thơ Tố Hữu (1920-2002)

Suốt những năm tháng bị giam cầm trong nhà lao, Tố Hữu vừa rèn luyện ý chí đấu tranh, vừa sáng tác thơ ca cách mạng. Những bài thơ ấy sau này được tập hợp trong tập Thơ (1946), và năm 1959, được in lại dưới nhan đề “Từ ấy”.

Năm 1942, mặt trận dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật và đế quốc Pháp là Việt Minh thành lập, không những đã ảnh hưởng sâu rộng trong dân chúng, mà còn vang dội vào cả trong các nhà tù. Tháng 3 năm ấy, Tố Hữu vượt ngục về Thanh Hóa tham gia xây dựng lại cơ sở. Từ năm 1943 đến 1945, Tố Hữu được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, tham gia Ban lãnh đạo Chiến khu Quang Trung Hà - Nam - Ninh. Trên tờ báo “Đuổi giặc nước” xuất bản tại Thanh Hóa, người ta thấy Tố Hữu đã không chỉ dùng thơ để tả nỗi lòng mình, mà còn để tuyên truyền cổ động cho cách mạng.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, tháng 3-1945, Tố Hữu được Trung ương phái vào tổ chức Uỷ ban Khởi nghĩa ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và liên lạc với các đồng chí hoạt động cách mạng ở Nam Trung Bộ; tham gia Xứ ủy lâm thời Trung Bộ, sau đó, được cử làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Tố Hữu là Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ. Năm 1946, Tố Hữu được điều ra Trung ương phụ trách công tác văn hóa và thanh niên, sau đó, về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Năm 1947, Tố Hữu lên Việt Bắc phụ trách vận động văn hóa kháng chiến. Năm 1950, Tố Hữu phụ trách công tác tuyên truyền và văn nghệ.

Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ II, Tố Hữu được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Năm 1960, tại Đại hội Đảng lần thứ III, Tố Hữu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được bầu vào Ban Bí thư. Năm 1976, tại Đại hội Đảng lần thứ IV, Tố Hữu được bầu vào Ban Chấp hành Trụng ương Đảng và là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1980, Tố Hữu được Trung ương bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Năm 1981, Tố Hữu là đại biểu Quốc hội khóa VII và được Quốc hội cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.

Từ năm 1968 đến 1980, Tố Hữu được giao các trọng trách: Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa học - Giáo dục Trung ương, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, Giám đốc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Tháng 3-1982, tại Đại hội Đảng lần thứ V, Tố Hữu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng cho đến tháng 6-1986. Sau đó, Tố Hữu được giao phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng.

Tháng 10-1991, Tố Hữu được Bộ Chính trị phân công tham gia tổng kết, nghiên cứu một số vấn đề về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và khoa học.

Gần 70 năm hoạt động cách mạng sôi nổi, dù ở đâu và làm việc gì, Tố Hữu đã đem hết sức lực, trí tuệ cống hiến cho Đảng và nhân dân.

Tố Hữu là một nhà hoạt động chính trị, đồng thời là một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam. Những tác phẩm của Tố Hữu là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thật các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình.

Những tác phẩm của Tố Hữu đã xuất bản gồm có: “Thơ” (1946); “Từ ấy” (in lại có bổ sung từ tập Thơ) (1959); “Ba mươi năm đời ta có Đảng” (1959); “Gió lộng” (1961); “Việt Bắc” (1962); “Thơ Tố Hữu” (tuyển thơ) (1963); “Bác Hồ” (1970); “Ra trận” (1972); “Nước non ngàn dặm” (1973); “Máu và hoa” (1977); “Tố Hữu thơ” (tuyển) (1977); “Tố Hữu tác phẩm” (1979); “Thơ Tố Hữu toàn tập” (1979); “Tố Hữu – thơ” (1985); “Tố Hữu - Trăm bài thơ” (1987); “Một tiếng đờn” (1992)…

Về tác phẩm lý luận có: “Về văn học và nghệ thuật” (1972); “Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta” (1973); “Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật” (1981); “Phấn đấu vì một nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa” (1982). Thơ Tố Hữu đã được dịch ra một số tiếng nước ngoài như: Pháp, Đức…

Do những công lao và thành tích đối với cách mạng, Tố Hữu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Tố Hữu còn được vinh dự nhận ba giải thưởng văn học: Giải nhất Giải thưởng văn học của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954-1955) cho tập thơ “Việt Bắc”; Giải thưởng văn học Đông Nam Á của Thái Lan (1996) cho tập thơ “Một tiếng đờn”; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Tố Hữu là nhà thơ của lý tưởng cộng sản:

“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

Mặt trời chân lý chói qua tim ”

Tố Hữu là nhà thơ thời sự nhất, luôn hòa nhập với cuộc đời chung, nhưng lại khẳng định được bản sắc riêng độc đáo.

“Suốt 30 năm qua, nước Việt Nam đã sống như một thiên anh hùng ca vĩ đại, đau thương và dũng cảm, kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ, một cuộc đọ sức ác liệt vang dội khắp bốn phương. Đây là vấn đề tự do của một dân tộc và Tố Hữu là nhà thơ sáng suốt, dũng cảm của thiên anh hùng ca đó, không phải là duy nhất nhưng là một trong những nhà thơ có những bài thơ được nhân dân tiếp thụ trực tiếp xem như của riêng họ” (*).

Xuân Diệu đã viết về Tố Hữu: “ Tố Hữu muốn làm những bài thơ cho hàng triệu người và đã học hỏi ở quần chúng. Anh viết những câu thơ mà người ta có thể uống như uống nước mát, có thể hít thở như hít thở không khí trong lành”.

Tố Hữu đã chiếm được khối óc và trái tim của hàng triệu độc giả.

Tố Hữu là một chiến sĩ cộng sản trung kiên và là một tài năng thơ ca của nền văn học cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Xuyến

------------------

(*) Jacques Gaucheron -Tạp chí Europe, số tháng 10-1975, số đặc biệt: Việt Nam tự do.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.