Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về hương sắc đầu làng

04:17, 04/10/2015
Đầu làng hồi xưa có nhiều thứ lắm. Đầu tiên là chiếc Cổng làng cổ kính, rồi đến chiếc ao làng có cơ man là dứa dại xung quanh bờ và rất nhiều hoa súng tím; rồi đến bụi tre uốn cong hình cần câu, cò đậu trắng xóa. Xa kia là cánh đồng xanh xanh ruộng màu và vàng vàng đồng lúa…

Nhưng hấp dẫn nhất vẫn là… mùi hương ở đầu làng. Hương đầu làng mỗi mùa mỗi khác, mỗi ngày mỗi khác, mỗi buổi mỗi khác; chẳng khi nào giống khi nào. Mùa xuân, từ trong làng đi ra là hít được cái mùi mưa bụi lây phây thoáng đãng trong gió nhẹ từ đồng xa, trộn với hương nhánh lúa xanh đương thì con gái. Mưa xuân kéo dài suốt tháng giêng, đến nỗi hương xuân cũng la đà ngọn lúa, thong thả, nhẩn nha trên ngọn tre làng. Mùa hè, hương của làng được cảm nhận qua tiếng cô ve sầu râm ran vòm xanh. Tiếng ve nghe bằng tai, cảm nhận được bằng mũi bởi có mùi nhựa mít sánh đặc trên đầu que của mấy cô cậu đi săn tìm “ Tiếng hát mùa hè”, với mồ hôi nhễ nhại, nồng mùi nắng trưa. Hương hoa súng, hoa sen dưới ao Mèo thoảng lên một mùi tím hồng, ngan ngát. Gió quạt phành phạch trên những lùm dứa dại; đâu đây có mùi tổ chim chắc mới kết, còn ngai ngái hương hoa cỏ. Tiếng đạp chân tanh tách và tiếng cánh vỗ xè xè của anh cào cào bay qua, hút cậu học trò nhỏ vứt sách vở xuống vệ cỏ, rón rén, rón rén từng bước về phía có mùi ngai ngái hoa cỏ. Mùa thu, bước ra cổng làng là gặp tràn trề hương lúa kết đòng đòng, mênh mang đến độ muốn nhảy lên mà hát. Bụi tre đã úa vàng, thả từng lá, từng lá lao xao xuống con đường làng sạch như lau bởi gió thu ngan ngát. Mặt nước ao Mèo lăn tăn, bóng anh chuồn chuồn ớt dập dềnh đá nước lừa chị cá rô nhấp nhổm dưới tàu lá sen đã vàng một nửa. Trong cụm dứa dại, bầy chim non đã trưởng thành, bay đi tận đâu, để lại chiếc tổ cô đơn đậm mùi ngai ngái. Mùa đông về, cổng làng vắng hơn, chỉ thấy bóng mấy anh chị học trò sù sụ trong những chiếc áo bông như những cây nấm lùn di động với mùi hương ngô rang ấm nồng trong túi áo. Đàn cò trắng trên ngọn tre đã di cư, chú chuồn chuồn ớt đã di cư, chị cá rô cũng đã thôi nhấp nhổm… chỉ còn cơ man là gió hun hút từ cánh đồng ẩm mùi gốc rạ túa về…

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

 Hương đầu làng mỗi mùa mỗi khác, mỗi ngày mỗi khác, mỗi buổi mỗi khác; chẳng khi nào giống khi nào. Mùa xuân thoang thoảng hương hoa xoan tím trong sớm tinh khôi; mùa hè với thơm lừng mùi khói đốt lá khô mỗi chiều về; mùa thu lại dặt dìu hương bông hoa dẻ kín đáo sau bụi tre; mùa đông có ấm nồng màu than đỏ trong đống củi gốc tre cha bứng từ mùa hè để dành, và mẹ nhen để giữ ấm suốt mùa giá lạnh. Tiếng ổ rơm lào xào cùng tiếng ồn ào của bầy con rúc vào nách mẹ khi chiều đông xuống. Mùa đông ấm mùi tình mẹ, thơm nghĩa tình cha và nồng nàn hương mái ấm gia đình…

Làng quê – đấy là nơi ta khôn lớn thành người, là nơi ta vạm vỡ vóc dáng ra đi, là nguồn cội khi ta quay về. Đầu làng - đấy là nơi ta đi, về trọn một đời người: Từ khi ta vẫy mũ chào làng để bước vào cuộc sống sinh nhai nơi đất khách; cũng là nơi ta ngả mũ chào làng khi chân yếu mắt mờ, để sống nốt những tháng ngày đầy ân huệ với làng...

Có một điều, làng chẳng bao giờ đợi chờ ta trả ân trả nghĩa. Làng chẳng bao giờ trách cứ ta điều gì. Hãy về với làng mỗi khi ta có chuyện buồn, vui. Và khi về với làng, hãy cứ từ từ cảm nhận - hương vị tình nghĩa từ cổng làng đang nhắc ta, xem ta có còn là người con của làng không đấy!

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.