Multimedia Đọc Báo in

"Địa chí Đắk Lắk" - bộ "bách khoa toàn thư" về Đắk Lắk

08:56, 21/11/2015
Nhằm phác họa một bức tranh toàn cảnh, chân thực, chính xác và sinh động về vùng đất và con người Đắk Lắk, vừa qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã phát hành tập sách “Địa chí Đắk Lắk”.

Với độ dày 1.574 trang, khổ 19x27 cm, “Địa chí Đắk Lắk” được biên soạn công phu, nghiêm túc trong khoảng thời gian hơn 7 năm. Để tiến hành việc biên soạn tập sách, Ban Chủ nhiệm đề tài là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ cùng một số nhà khoa học ở Trung ương và địa phương tổ chức biên soạn; đồng thời thành lập 5 tiểu ban. Từ cuối năm 2008, các tiểu ban đã tổ chức nhiều đợt điền dã, sưu tầm tài liệu, xây dựng đề cương chi tiết, tổ chức biên soạn từng phần đề tài Địa chí; mời các chuyên gia của Trung ương và địa phương đọc góp ý, chỉnh sửa; tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan, các nhà chuyên môn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ về bản thảo Địa chí Đắk Lắk. Để việc kết nối, thống nhất thông tin, số liệu, biên tập thành sách, phát hành rộng rãi đến bạn đọc, UBND tỉnh thành lập Tổ biên tập, giúp Ban chỉ đạo, Hội đồng biên soạn biên tập hoàn thiện đề tài Địa chí để xuất bản sách “Địa chí Đắk Lắk”.

Là bộ sách tổng hợp ghi chép một cách khá toàn diện các đặc điểm tự nhiên, dân tộc, dân cư, hành chính, chính trị, lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và cũng là một công trình khoa học có quy mô lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, có thể coi “Địa chí Đắk Lắk” là bộ “bách khoa toàn thư” về tỉnh Đắk Lắk. Tập sách gồm 5 phần lớn, mỗi phần có một số chương, tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh.

Ở phần thứ nhất: Địa lý, với 9 chương, phản ánh một cách tổng thể về vùng đất và con người, tiềm năng đất đai, khí hậu, sông nước, núi rừng, khoáng sản, đa dạng sinh học và sự hình thành, phát triển của cộng đồng các dân tộc anh em cư trú trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Phần thứ hai: Lịch sử, gồm có 4 chương, phác họa bức tranh về sự phát triển của vùng Đắk Lắk từ lúc con người sinh sống đầu tiên đến ngày nay qua các thời kỳ lịch sử, các chế độ xã hội. Từ đó rút ra những nét khái quát, đặc trưng về truyền thống dân tộc, những con người tiêu biểu của quê hương trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới.

Phần thứ ba: Kinh tế, gồm 6 chương, giới thiệu về lịch sử và hiện trạng, triển vọng, những khó khăn và thuận lợi trong xây dựng các ngành kinh tế ở Đắk Lắk: nông nghiệp (trồng trọt, thủy lợi, chăn nuôi), lâm nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, bưu chính, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, tín dụng, ngân hàng… Trong đó, chú trọng phác họa bức tranh tổng thể về tiềm năng, tiềm lực và những kết quả đạt được trong 35 năm xây dựng và phát triển kinh tế Đắk Lắk từ ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Phần thứ tư: Văn hóa, xã hội với 14 chương, trình bày bức tranh toàn diện, phong phú về nền văn hóa vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn Đắk Lắk qua các thời kỳ lịch sử hình thành, phát triển và định hình như ngày nay. Điều nổi bật ở đây là sự giới thiệu tương đối đầy đủ về nền văn hóa đa dạng, mang đậm bản sắc của các dân tộc ở Đắk Lắk, chủ yếu là của các tộc người bản địa: Êđê, M’nông, Gia Rai. Đó chính là văn hóa nhà dài, văn hóa bến nước, văn hóa lễ hội, văn hóa luật tục, văn hóa sử thi, văn hóa cồng chiêng – kiệt tác truyền khẩu phi vật thể của nhân loại… Nội dung nữa ở phần thứ tư này cũng nêu những thành tựu đã đạt được, hạn chế và thuận lợi của Đắk Lắk trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa – thông tin, thể dục – thể thao, khoa học và công nghệ.

Phần thứ năm: Các huyện, thị xã, thành phố giới thiệu những nét nổi bật về mọi mặt của TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và 13 huyện của tỉnh (Buôn Đôn, Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Lắk, M’Đrắk).

Với nội dung bao quát nhưng vẫn cụ thể, tập sách “Địa chí Đắk Lắk” đã đáp ứng yêu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, các nhà khoa học, các ngành các giới... trong tỉnh, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, góp phần xây dựng Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp…

 Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.