Cơm cháy ngày cũ
Buổi nhà tôi còn dùng rơm để làm chất đốt, mỗi lần mẹ nấu cơm, tôi thường chăm chắm vào bàn tay khi mẹ thoăn thoắt đưa từng cọng rơm óng ả vào bếp. Biết bố con tôi thích cơm cháy nên mẹ đã khéo léo đun lửa làm sao để có được món ngon khoái khẩu ấy. Cơm cháy thực sự khó nấu nung dưới ngọn lửa rơm chóng bùng, mau rụi. Thế là tay mẹ tới bữa lại đảo rơm, khơi lửa liên tục trong bếp, ngay cả lúc nồi cơm cạn nước rồi mẹ vẫn đảo và khơi như thế hòng có được miếng cháy cơm vừa ý. Khi nấu cơm bằng củi khô thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn, hễ cơm cạn thì bớt lửa, cời than sang một bên rồi đặt nồi lên đó, kiểu gì đến bữa cũng có cơm cháy để thưởng thức.
Cơm cháy bếp củi vàng rộm, từng hạt gạo chín đều, tươi nguyên đóng lại một mảng giòn rụm, tròn vành vạnh dưới đáy nồi, nếu ăn không vậy cũng đã ngon lắm rồi. Bố tôi đêm đến hay soi được cá đồng bằng ánh đèn măng - sông ngày chưa có điện. Tuyệt vời làm sao khi được ăn cơm cháy với cá đồng kho nghệ. Từng miếng cá đậm đà, vàng hươm, thơm phức được chúng tôi gắp bỏ lên những miếng cơm cháy, rồi bẻ gộp chúng lại tựa cái bánh có nhân bằng cá. Có chút vồ vập, đói khó nhưng dư vị cơm cháy, cá đồng ngày đó giờ nhắc lại cứ vẫn háo hức, bồi hồi.
Ngày còn đi học trên phố, mỗi bận nhớ cơm cháy của mẹ, đến buổi nấu cơm, tôi bật đi bật lại cái nồi cơm điện để có cháy ăn. Cơ may cũng được vài miếng cơm cháy mỏng dính nhưng chả giòn tí nào, màu sắc lại ợt ạt không thấm vào đâu so với miếng cháy xưa cũ thảo thơm, đậm đà. Cuộc sống đổi thay, người ta được thưởng thức cơm cháy ở nhà hàng, từ gánh hàng rong hay bên vỉa hè quán cóc. Lạ miệng đó, ngon đó nhưng khó để tìm lại dáng hình mẹ ngồi cời lửa với vị cơm cháy nồng nàn quyện trong củi bếp, rơm rạ cùng khoảnh khắc chen tay vào nồi tranh nhau miếng cháy to. Cái thuở sẻ bảy chia năm ấy lúc nào cũng gợi mở ra được khung cảnh bình yên, thương nhớ!
Nguyễn Tiến Dũng
Ý kiến bạn đọc