Multimedia Đọc Báo in

Ký ức đồng làng

16:02, 19/12/2015
Đồng làng ngày xưa rộng tít tắp, thẳng cánh cò bay, đúng như câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi “ Mênh mông biển lúa, đâu trời đẹp hơn”. Đồng quê ngày xưa là “Đồng hợp tác”, cả làng cùng cấy cày, gặt hái, cùng ăn cùng chia theo mùa vụ; được mùa thì cả làng cùng no, mất mùa thì cả làng chịu đói. Làng chẳng có người giàu, nên cũng chẳng ai biết mình nghèo, tất cả sàn sàn như nhau…

Vào mùa lúa chín, đồng làng mênh mông như biển vàng dập dờn lượn sóng trong gió. Đi gặt lúa trên đồng hợp tác thật vui. Từng đoàn người chia theo tổ dàn hàng ngang trên đồng để cắt lúa. Lúa cắt sát gốc rạ, được xếp theo hàng, một người đi sau dùng cây liềm lớn, đặt chiếc đòn gánh ngang ngọn lúa, xén rạ riêng, lúa riêng. Một tốp khác là những thanh niên khỏe mạnh bó lúa để gánh về sân kho hợp tác xã. Cá cua trên đồng nhiều vô kể, nếu chịu khó để ý sẽ bắt được cả ký. Hễ nghe ai đó trở sống liềm đập xuống mặt ruộng, là y như rằng có một chú cá sộp (trong Nam gọi là cá quả, cá lóc) phải nộp mạng; nhiều người còn bắt được cả những con ba ba nặng hai, ba kilôgam.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tuổi thơ làng quê, ra đồng – có nghĩa là được hòa vào thiên nhiên, vào cảnh vật quen thuộc, như cá về với nước. Đồng quê vào vụ gặt thoáng đãng và ẩm mùi lúa chín, mùi rạ héo. Chân trần, không dép guốc lội lên rạ rơm, lội lên bùn ngấu mới thấy được tất cả sự tê mê, khoái cảm thấm vào gan bàn chân, vào từng đầu ngón chân. Cào cào, châu chấu không còn chỗ náu bay tóe cả vào người, vào mặt, tiếng chân đạp gió phành phạch. Từng đàn cò trắng lội sau chân người gặt, mò tép mò tôm. Chim sẻ, chim ri sà xuống bờ ruộng nhặt thóc rơi, rồi lại vụt bay lên, từng đôi, từng đôi cãi nhau chí chóe...

Đồng quê cho người quê bông lúa, củ khoai; đồng quê còn hiến dâng bao sản vật thơm ngon cùng với hương vị riêng của nó. Tuổi thơ ngày nay có nhiều điều vui, nhưng cũng lắm thiệt thòi vì những cảnh, những hình ngày hôm qua đã “một đi không trở lại”. Đồng quê bây giờ với những hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu được con người sử dụng liên tục và dày đặc đã hủy diệt những sinh vật, những đặc sản của vùng quê vốn vang bóng một thời. Đồng quê ngày xưa, bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, mùa nào thức nấy đều có những sản vật riêng. Mùa Xuân, khi lúa đương thì con gái, gió Xuân hây hẩy trên cả một thảm đồng xanh ngút ngàn, thì cũng là lúc bọn trẻ của làng vào mùa “Be dạy, đăng đơm”. “Dạy” – là hố nước chừng hai mét vuông, hoặc to hơn, nhỏ hơn, tùy thuộc vào bờ ruộng. Muốn đắp “dạy”, người ta chọn những bờ ruộng được xẻ trước đó để lưu thông giữa hai thửa ruộng rồi đắp chặn lại và tát cạn nước, miết bùn cho thật trơn. Ở những chỗ này, tôm cá thường bơi qua bơi lại, đến khi đường đi bị chặn thì “tức chí” nhảy qua để sang bên kia. Chúng đâu biết rằng đang nhảy vào chỗ cạn. Mà cá mắc cạn thì hết đường thoát. “Dạy” thường được đắp và tát vào sáu giờ chiều, khoảng mười giờ đêm thì đi “Thăm dạy”...

Đi bắt cua mùa hè cũng là một trong những kỷ niệm tuổi thơ với đồng quê. Khi lúa đã cắt xong, cua không còn chỗ nấp, phải đào “mà” (hang) để trú. Mà cua có hai loại: Mà cũ và mà mới. Mà cũ là hang cua đã đào từ trước, còn “mà đùn” là mà mới đào, bùn đất cua đùn ra trước miệng hang còn mới nguyên. Thấy mà đùn thì chắc một trăm phần trăm có một chú cua trong đó. Trưa nắng chang chang, cả cánh đồng vắng lặng, chỉ thỉnh thoảng có người đi phơi rạ trên bờ ruộng. Bọn trẻ với chiếc quần đùi, chiếc áo cộc và chiếc giỏ cua buộc bằng quai dây chuối đeo bên hông hì họp bươi móc tìm cua. Sang chiều, đến giờ phải về đi học thì cũng là lúc giỏ cua đã đầy trĩu hông. Cua bắt về được đổ vào chiếc nồi hông, chọn những con lép, con óp để nấu canh, còn những con ngon, con mẩy mẹ chúng dành để ngày mai đi chợ bán lấy tiền đong gạo. Cua bò rào rào trong nồi, phun bong bóng trắng xóa, nghe thật vui…

Có lẽ nghìn năm nay, đồng quê của làng đã vậy, và vẫn như vậy! Khác chăng là đồng quê thời nay đã bị chia ô, phân khoảnh theo từng hộ, từng nhà; có bờ be đập đắp, có ruộng thấp bờ cao; thậm chí nhiều vùng bờ xôi ruộng mật hai bên đường Làng đã được vượt thổ thành những nhà cao tầng theo kế hoạch dãn dân tách hộ nhằm đáp ứng nhu cầu tăng dân số của làng…

Ôi, nhớ lắm, ký ức về đồng làng ngày xưa…

Đinh Hữu Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.