Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều (Tiếp theo và hết)

08:47, 05/12/2015

4.Tôn vinh Đại thi hào Nguyễn Du

Với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học nước nhà và sự phát triển văn hóa của nhân loại, tháng 12-1964, tại thành phố Béclin (Đức) Hội đồng Hòa bình thế giới ra quyết nghị tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1675-1965) cùng với 8 danh nhân văn hóa trên toàn thế giới. Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã có Chỉ thị số 112-CT-TW ngày 26-10-1965 “Về việc kỷ niệm Nguyễn Du”. Đây là cột mốc lớn trong việc nghiên cứu, khẳng định và tôn vinh Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Từ đó đến nay các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị tác phẩm của Nguyễn Du, nhất là Truyện Kiều luôn được tiến hành và thu nhiều kết quả mới, nhất là vào các dịp kỷ niệm 240 năm, 245 năm ngày sinh của Nguyễn Du do Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), Hội Nhà văn Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh phối hợp tổ chức.

Ngày 25-10-2013, tại kỳ họp lần thứ 37 của Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) họp ở Paris (Pháp) đã chính thức ban hành Nghị quyết số 37C/15 phê chuẩn Quyết định số 191EX/32 và 192EX/32, nhất trí vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du cùng với 107 danh nhân văn hóa toàn thế giới. Theo đó, hoạt động tôn vinh được triển khai ở Việt Nam và tại các nước trong cộng đồng UNESCO (niên độ 2014-2015).

Ngày 15-8-2014, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 8467-CV/VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư về việc “Đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới trong năm 2015. Tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm; mời đại diện lãnh đạo Đảng, nhà nước dự”.

Ngày 31-10-2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch số 470/KH-UBND về Kế hoạch Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh và vinh danh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang phối hợp với các Ban, bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai tổ chức các hoạt động, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Lễ kỷ niệm 250 năm Ngày sinh Danh nhân văn hóa thế giới, Đại thi hào Nguyễn Du (dự kiến vào đầu tháng 12 năm 2015).

5.Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du

Khu lưu niệm Nguyễn Du được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ, các hạng mục chính của Khu lưu niệm bao gồm:

*Nhà thờ Nguyễn Du: năm 1824, Nguyễn Ngũ cùng con cháu trong dòng họ đã đưa hài cốt Nguyễn Du về quê nhà cải táng và lập đền thờ ngay trên khu vườn cũ của ông tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân). Khoảng thời gian từ năm 1934-1935 nhà thờ bị hỏng. Năm 1940, Hội Khai trí Tiến Đức cùng con cháu họ Nguyễn Tiên Điền xây dựng nhà thờ trong khu vườn họ Nguyễn. Năm 2010, nhà thờ Đại thi hào Nguyễn Du được xây dựng mới và khánh thành vào tháng 11-2012.

Nhà Văn thánh – Bình văn: Văn thánh hàng huyện thờ Khổng Tử do Nguyễn Nghiễm xây dựng. Trước đây, mỗi dịp xuân về các bậc túc nho trong vùng về đây báo ơn, bình văn, đọc thơ và tổ chức lễ “cầu khoa” cầu cho con em trong vùng thành danh trên con đường khoa cử.

Đàn tế, bia đá Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du): Năm 1762, sau khi Nguyễn Nghiễm được phong Tể tướng, ông cùng em trai là Nguyễn Trọng lập đàn tế, dựng bia đá tưởng nhớ công ơn của cha mẹ.

* Mộ Đại thi hào Nguyễn Du: Nguyễn Du lâm bệnh và mất tại Huế vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (ngày 16 tháng 9 năm 1820) thọ 55 tuổi. Phần mộ đặt tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1824, con là Nguyễn Ngũ và cháu là Nguyễn Thắng dời về cải táng trong vườn nhà tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, huyện Nghị Xuân). Năm 1826, Nguyễn Ngũ dịch chuyển ra cạnh đó 500 m, hai năm sau được chuyển ra khu nghĩa trang tại xứ Đồng Cùng thuộc thôn Tiền Giáp. Với dự án Tôn tạo khu di tích Nguyễn Du bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (1999-2004), khu mộ đã được xây dựng, chỉnh trang lại như hiện nay.

* Đền thờ, mộ Nguyễn Nghiễm (1708-1776): Nguyễn Nghiễm là con trai thứ hai của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh và là thân phụ Đại thi hào Nguyễn Du. Ông là nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà sử học uyên bác và là người đứng đầu về con đường cử nghiệp, khoa bảng họ Nguyễn – Tiên Điền. Ông đậu tiến sỹ năm 1731, làm Tế tửu Quốc tử Giám (1742), giữ chức Tể tướng (1762) và trong gần 50 năm làm quan của mình, ông đã để lại nhiều trước tác có giá trị như: “Quân trung liện vịnh”, Xuân đình tạp vịnh”, “Cổ lễ nhạc thi văn” và bài phú Nôm “Khổng Tử mộng Chu Công”… Đền thờ được xây dựng khi ông còn sống (sinh từ), thuộc thôn Bảo Kệ, xã Tiên Điền và nhân dân thường gọi đây là đền “Đức Đại vương hai”. Phần mộ ông hiện nằm tại thôn Tiên Thanh, xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.

* Đền thờ Nguyễn Trọng (1710 – 1789), là chú ruột Nguyễn Du, người giỏi về văn thơ, lý, số, y học. Đền thờ được xây dựng khi ông còn sống (sinh từ) ở thôn Tiên Quang, xã Tiên Điền. Kiến trúc đơn giản, nội thất còn giữ lại nhiều đồ tế khí, hoành phi câu đối có giá trị. Trước đền thờ có voi, ngựa đá, tấm bia “Tích thiện gia” và trong khuôn viên còn có mộ phần của ông.

* Khu lăng Văn Sự: Là khu mộ tổ đời thứ 3 của họ Nguyễn – Tiên Điền, gồm mộ Nguyễn Thể – bố Nguyễn Quỳnh; Thuật Hiên công Nguyễn Khản; Phương Trạch hầu Nguyễn Ôn; Chính thất Lê Quý thị (vợ Phương Trạch hầu); Giới Hiên công Nguyễn Huệ và chính thất Nguyễn Quý Thị (vợ Nguyễn Huệ).

* Không gian văn hóa Nguyễn Du: Xây dựng vào năm 2000, gồm Tượng đài, Thư viện Nguyễn Du, Hội trường; Nhà thờ, Nhà bảo tàng Nguyễn Du…

Hiện nay, mỗi năm Khu lưu niệm Nguyễn Du đón từ 1,8 đến 2 vạn lượt khách đến tham quan, trong đó có rất nhiều đoàn khách quốc tế, các chuyên gia, sinh viên các trường đại học đến tìm hiểu, nghiên cứu.

(Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)

[links()]


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.