Ngân vang làn điệu hát sình ca trên cao nguyên
Là những cư dân ở miền núi phía Bắc, theo dòng người di cư, người Cao Lan tìm đến lập nghiệp ở thôn 12, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) đã từ lâu nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn được các lễ hội, nghi thức của dân tộc mình, đặc biệt trong đó là văn hóa hát sình ca.
Ông Đặng Đình May (dân tộc Cao Lan), Bí thư chi bộ thôn 12 xã Vụ Bổn cho biết, cũng giống như ca dao, dân ca của người Kinh, sình ca là lối hát đối đáp, giao duyên của người Cao Lan được hát trong đám cưới, ngày hội, trong dịp lễ, Tết và ngay cả trong đời thường. Ngày xưa, các bài sình ca được ghi bằng chữ Nôm theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, khi dịch ra tiếng Việt thường được chuyển thành thể lục bát cho có vần, có điệu dễ nghe, dễ thuộc. Ông May tâm sự: “Chúng tôi là dân di cư, xa quê hương lâu năm nên “thèm” được nghe tiếng sình ca lắm, ai cũng ủng hộ việc thành lập câu lạc bộ (CLB) sình ca để lưu giữ văn hóa quê hương và truyền dạy cho con cháu học tập”.
Các thành viên CLB sình ca trong một buổi sinh hoạt. |
Bắt đầu thành lập từ đầu năm 2015, CLB sình ca ở thôn 12 hiện có 6 thành viên, hầu hết là các cụ ông cụ bà đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”. Bà Lý Thị Minh, Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn 12 cũng là Chủ nhiệm CLB sình ca chia sẻ: “Hằng tuần, dù bận bịu thế nào các cụ đều gác mọi công việc để đến CLB sinh hoạt. Đến đây, các cụ không chỉ được thỏa sức ca hát những bài sình ca yêu thích, mà còn được trao đổi, trò truyện với nhau về ý nghĩa nhân sinh trong các bài sình ca. Sình ca không chỉ là món ăn tinh thần mà còn gợi nhắc cho mỗi người Cao Lan chúng tôi dù đi xa quê hương nhưng vẫn không quên văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Bà Minh kể, ngày xưa, trai gái Cao Lan cứ đến tuổi trăng tròn lại theo ông bà, cha mẹ tham gia hát sình ca. Người Cao Lan coi sình ca như “báu vật”, hồn cốt dân tộc, không ai là không biết hát. Sình ca theo người Cao Lan đến chợ phiên, lên nương, vào rừng, nhộn nhịp cùng mùa lễ hội. Thú vị nhất là những đêm hát đối giao duyên, trai gái làng trên, xóm dưới tụ tập chia thành từng tốp đặt lời đối đáp, ứng khẩu. “Mùa sình ca” của người Cao Lan thường diễn ra suốt từ tháng chạp đến hết tháng ba âm lịch. Sình ca có nhiều đề tài như ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, ngay cả những cảnh sinh hoạt đời thường cũng được thể hiện sinh động trong câu hát. Ngôn ngữ sình ca rất giản dị, dễ nghe, dễ học và gắn liền với đời sống hằng ngày. Có thể thấy lối thể hiện ngôn ngữ rất mộc mạc như trong bài hát “Mở đường” đi đón dâu: Thưa ông cậu ông chú. Tôi hôm nay là một người đi đón dâu. Các thứ đã đầy đủ cả rồi. Tôi xin ông cậu ông chú cho tôi được lên nhà. Có khi lại là lời đối đáp e ấp, mộc mạc của trai gái trong bài hát giao duyên truyền thống: Quả này chưa đến kỳ ăn. Mong sao chàng hiểu cảm thông cho nàng. Nàng này chưa hẹn năm nay. Chàng mà cứ đợi 3 năm cùng nàng/Sao nàng cứ chối duyên này. Duyên này hợp tính hợp tình. Hợp duyên hợp số hợp đôi duyên mình. Nàng về hỏi mẹ cùng cha. Cho chàng dâng lễ thành thân với nàng...
Khi còn quê hương Bắc Giang, bà Trần Thị Thanh (60 tuổi) đã nổi tiếng khắp bản gần bản xa là người có giọng hát sình ca mượt mà, truyền cảm, làm mê đắm biết bao chàng trai. Bà Thanh kể: “Thời con gái mình “nghiện” sình ca lắm. Nhiều hôm trốn cha mẹ để đi hát sình ca với chúng bạn. Có người nhà cách không biết bao nhiêu quả đồi nhưng vì mê hát sình ca mà chẳng quản đường sá xa xôi, tìm đến nhau để đối đáp, giao duyên cho thỏa. Nhiều cặp trai gái bén duyên nhau cũng từ đó. Nhưng luật tục ngày ấy hà khắc lắm, trai gái dù hát sình ca ăn ý đến nhường nào, yêu nhau thắm thiết biết bao nhưng nếu cha mẹ, ông bà không đồng ý thì cuộc tình đó cũng đành đứt đoạn!”. Đến bây giờ, nói đến đề tài sình ca nào bà Thanh có thể hát ngay. Tuy nhiên, điều làm bà Thanh cảm thấy buồn là thời nay lớp trẻ đã không còn thiết tha với sình ca của dân tộc mình nữa. “Khi người lớn chỉ dạy bọn nó chỉ cười khúc khích, tham gia 1 - 2 buổi học rồi nghỉ. Tuy vậy, các cụ ông, cụ bà trong CLB vẫn quyết tâm duy trì sinh hoạt và vận động con cháu tham gia CLB, để sau này mắt mình mờ, chân mình yếu, giọng mình run thì vẫn còn có người kế tục hát sình ca cho thôn, bản”- bà Thanh tâm sự.
Hiện tại, các thành viên CLB sình ca ở thôn 12 đang sưu tầm, ghi chép lại các bài sình ca và dịch ra tiếng Kinh để tiện cho việc truyền dạy cho con cháu. Tuy nhiên việc sưu tầm, biên dịch này mất khá nhiều thời gian do phần lớn tất cả các bài sình ca khi xưa đều được ghi chép bằng chữ Nôm, mà những người còn có khả năng đọc dịch tiếng Nôm trong thôn còn lại rất ít.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc