Multimedia Đọc Báo in

CON KHỈ LÔNG VÀNG

06:59, 09/02/2016

Một sáng xuân, ông Thịnh được tốp bạn chiến đấu cũ kéo đi chiêu đãi. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, ông chưa bao giờ được vào một nhà hàng sang đến như vậy.

Ông ngồi co mình lại trong bộ đồ lính đã cũ, lặng lẽ quan sát chung quanh, mặc cho tốp bạn hí húi chọn đồ ăn thức uống trong cuốn sổ của nhà hàng... Chợt có tiếng choe chóe như tiếng kêu thất thanh của một con vật. Ông Thịnh giật mình quay lại: đó là tiếng kêu của con khỉ. Một ông khách ngồi trên ghế, tay cầm một con dao nhỏ bằng in-nôc sáng lóa. Trên bàn là một chai rượu, một chiếc đĩa và một chiếc muỗng nhỏ. Chiếc bàn được cấu tạo khá đặc biệt: Nó có một lỗ tròn, một bộ điều chỉnh để cái lỗ to nhỏ tùy theo ý muốn. Đầu con khỉ bị đút vào cái lỗ. Ông khách vặn bộ phận điều chỉnh, lỗ tròn dần thu hẹp lại, ôm vừa gọn cổ con khỉ. Rồi ông ta đưa lưỡi dao sắc ngọt xén từng mảng lông trên đầu con vật “- Có lẽ con khỉ bị vết thương ở đầu, ông khách chăm sóc cho nó chăng?”- ông Thịnh thầm đoán như vậy. Bỗng ông giật nẩy mình: Bằng một phát chém gọn nhẹ nhưng sắc lẹm đến thuần thục, một mảnh xương trên đầu con khỉ đứt lìa. Mảnh xương sọ không rơi xuống, mà dính lắt lẻo bởi một miếng da. Với tay lấy chiếc muỗng nhỏ trên bàn, kéo chiếc đĩa lại gần, ông ta xúc từng thìa óc con khỉ bỏ vào đĩa, đổ một thứ nước gì đấy vào rồi dùng thìa khuấy đều… Ông Thịnh bỗng hoa mắt lợm giọng đến độ gần như sắp nôn thốc nôn tháo, khi thấy ông khách xúc từng thìa cái thứ óc khỉ sền sệt cho lên miệng; thong thả nuốt, thong thả chiêu từng ngụm rượu. Ông Thịnh bật dậy, chạy như người bị đuổi, mặc cho các bạn ông gọi ơi ới đằng sau. Vừa chạy, ông Thịnh vừa lắp bắp: - Líu ơi, Líu à.... Người ta chặt đầu mày... Líu ơi... Líu ơi...

Líu ơi! - Đấy là hai tiếng  thân quen  mà ông Thịnh đã gọi ba mươi năm về trước. Tiếng gọi một người bạn, một tri kỷ tri âm đã gắn bó thân thiết với ông suốt ba năm trời vò võ một thân một mình, giữa bốn bề rừng xanh núi đỏ. Líu - bạn của ông - là một con khỉ lông vàng... 

                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

…Vào chiến trường, đang hăm hở với chí làm trai “ra đi, nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực”, thì Thịnh lại được giao làm anh thủ kho trông coi một kho gạo lớn của sư đoàn. Cuộc chiến tranh như một cái cối xay, cứ quay mãi những vòng quay số phận, hắt ra trăm ngàn những điều bất ngờ. Thịnh là một trong số những điều bất ngờ ấy. Đồng đội anh như những hạt thóc, cứ quay mãi hết chiến trường này đến chiến trường khác, để lại một mình Thịnh - một hạt thóc bị quên lãng, bị bỏ vương suốt ba năm trời với những bao gạo. Để rồi, một buổi sáng nọ, nghe tiếng cuốc mở đường ở sát gần chỗ ở của mình, Thịnh mò ra, và bị… tóm. Khi ấy, anh như người rừng, tóc dài chấm lưng, râu buông kín ngực, lớ ngớ như một tên thám báo bị bắt giữa những người lính thanh niên xung phong mở đường. Lúc này, anh chàng “ Người rừng” mới ngớ ra rằng: Đất nước đã thống nhất!

- Chịch ơ, Chịch ờ

- Chịch ơ chịch ờ...

Tiếng gọi không ra tiếng người, cũng không phải tiếng Khướu. Nó choe chóe như tiếng đứa trẻ lên ba học gọi.

- Ơ Líu ơi, Líu ơi! Thịnh ở đây này!

Kẻ gọi, người đáp, hấp tấp, vồn vã. Líu ào từ trên ngọn cây xuống. Hai chi trước của nó chuyền nhanh tăm tắp, vội vàng như không thể vội vàng hơn. Thịnh ngạc nhiên vì thấy quanh bụng nó có mấy trái bắp tươi. Thì ra con khỉ dùng dây chuối buộc vòng quanh bụng rồi nhét các trái bắp vào. Xuống đất, nó rút từng trái đưa cho Thịnh. Được đến 5 trái, đủ một nồi luộc. Líu nhe răng cười khẹc khẹc  rồi nhảy lên vai Thịnh. Nó bới mái tóc người rừng của Thịnh để bắt chấy. Quả là đầu Thịnh có chấy thật. Đã hai năm rồi, không cắt tóc, cạo râu, con người Thịnh xồm xoàm từ chân lên đến đầu. Thịnh chỉ khác Líu ở chỗ có hai mảnh vải gọi là quần áo để che da thịt. Líu làm quen với Thịnh, thân thiết được với Thịnh cũng có lẽ do cái hình hài rậm rạp của râu tóc và thái độ, hành động thân thiện mà anh mang lại cho nó.

… Nhớ những lần đầu, khi đơn vị đã đi được vài tháng, một thân một mình vào ra giữa rừng, Thịnh đâm hoảng. Cô đơn đến rợn người, và cả những nỗi sợ vô hình Thịnh không gọi thành tên được. Khu kho của Thịnh nằm ở giữa rừng già, dưới những tán cây cổ thụ dày đến nỗi bốn mùa chỉ đều là bóng râm. Ngày đi kiểm tra kho, cây súng khoác sau lưng, con dao rựa cầm tay, Thịnh vòng hết lượt, từ kho gạo đến kho thực phẩm. Chỗ nào có chuột khoét, mối xông, Thịnh làm bẫy và xịt thuốc diệt trừ. Có bữa thu được cả chục con chuột, Thịnh đem chôn vào một góc rừng. Mãi, thành một khu mả chuột rộng cả vài chục mét vuông. Sống với rừng, Thịnh cảm nhận được hồn rừng thật gần, thật thiêng liêng và thật đáng sợ. Gặp bữa trời lặng, rừng oi như một bãi tha ma khổng lồ, có cảm giác như từng con mắt lá cũng soi mói nhìn Thịnh - một sinh vật từ lãnh thổ khác lọt vào, nhỏ nhoi và đơn độc. Con rắn xanh treo lủng lẳng, đuôi cuộn trên cành cây cao, thả mình dài cả mét, láo liên nhìn như sắp buông xuống quấn vào cổ Thịnh. Những khi trời động, cả cánh rừng vặn quấn, đổ lá rào rào, và những âm thanh rên rỉ của cành cây xiết vào nhau; rồi những tiếng lịch bịch âm âm trên mặt đất, tiếng rào rào trên ngọn cây tầng thấp như hàng trăm con người nháo nhào nhảy từ trên cao xuống. Ngó ra, chẳng thấy ai, chỉ là những cành cây khô mục bị gió vặn gãy rơi xuống. Mỗi bận mưa giông, đất trời tối om. Trong cái nhờ nhờ của màn mưa xiên chéo, Thịnh chỉ còn một phản xạ duy nhất giúp cho anh tĩnh trí là ôm khẩu súng đã bật nấc liên thanh, sẵn sàng xả đạn. Một lần, trong cơn hãi hùng của thân phận đơn độc, Thịnh đã xả trọn một băng lên tàng cây cao trên đầu, vào làn mưa dày đặc. Nhưng, tiếng súng chỉ càng khiến cho màn rừng như tối hơn, bí hiểm thêm, mưa trút ào ạt như không có điểm dừng…

Thịnh buộc phải làm quen dần với hoàn cảnh mình đang phải đối mặt. Đơn vị không một ai quay về. Họ đang bị cuốn theo dòng chảy của chiến trận, mà sau này, Thịnh mới biết là họ đang trôi theo dòng xoáy của cuộc tổng tấn công mùa Xuân một chín bảy lăm; từ Huế vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Xuân Lộc, rồi Sài Gòn. Khí thế thần tốc như dòng lũ sục sôi của “Một ngày bằng hai mươi năm” cuốn đồng đội của anh trôi mãi. Anh đã bị quên lãng, một thân một mình giữa khu rừng già, tách biệt với đồng loại, làm một chiến binh đơn độc giữ kho lương thực, thực phẩm. Việc đầu tiên Thịnh nghĩ tới là phải giữ cho được ngọn lửa để sinh tồn; để khẳng định rằng Thịnh vẫn tồn tại, vẫn đang là MỘT - CON - NGƯỜI. Hộp diêm đã quẹt đến que cuối cùng, cục than trong bếp còn lóe đỏ; Thịnh chặt củi nuôi tiếp. Suốt ba năm trời, đống tro Thịnh xúc ra góc rừng đã cao bằng đụn rạ. Chính ngọn lửa đã sưởi ấm cho Thịnh, sưởi ấm cái ý chí tưởng đã có lúc ngụt tắt trong lòng anh...

Giữa lúc ấy thì Líu đến. Thịnh phát hiện ra Líu khi nó lẻn vào kho gạo để ăn vụng. Thịnh bực bội định vung cây dao đang cầm trên tay nện cho nó một nhát. Nhưng anh khựng lại: “A, một thằng bạn!” - Thịnh reo khẽ. Anh lùi lại, ngồi xuống một bao gạo nhìn con khỉ chằm chằm. Lạ thay, con khỉ không chạy, cũng ngồi nhìn anh, thỉnh thoảng lại nhai búng gạo nó đang ngậm trong miệng. Bốn mắt nhìn nhau, như giao cảm, như thăm dò. Thịnh đưa bàn tay vẫy vẫy; lúc đó con khỉ mới co chân nhảy ra cửa, phót lên ngọn cây cao. Nó ngồi đấy, giương đôi mắt thao láo nhìn Thịnh. Thịnh trở vào kho, vá lại bao gạo, miệng lầm bầm chửi: “Đồ khỉ”.

Lạ thay, những ngày sau đó, con khỉ lại đến ngồi trên chạc ba, chỗ ngọn cây nó đã ngồi lúc trước. Không một cử chỉ, hành động nào của Thịnh bị nó bỏ sót. Thịnh đi xuống suối, con khỉ chuyền cành theo sau. Thịnh nấu cơm, nó chuyền xuống cành cây gần đấy, ngồi nhìn. Khoảng cách giữa hai sinh vật - một người, một khỉ - đã thu hẹp dần: Ba chục mét, hai chục mét, rồi mười mét. Vào một bữa cơm trưa, khi ăn cơm, Thịnh xúc ra một bát đặt xuống đất, vẫy con khỉ , rồi chỉ vào bát cơm. Con khỉ rụt rè thăm dò rồi nhảy xuống. Sau một hồi lưỡng lự, nó đến bốc cơm bỏ vào miệng, rồi lại nhót lên cây... Một tuần sau, nó trở thành bạn của Thịnh.

Líu đã trở thành bạn thân của Thịnh trong suốt những năm tháng anh ở rừng. Nó giúp anh quên đi cái khoảng thời gian cô đơn đến rợn người. Nó trở thành anh lính gác nhanh nhẹn, kẻ cộng sự đắc lực cho anh: Xua đàn chuột ra xa khỏi những bao gạo; nhặt củi khô về cho anh đun nấu, bắt chấy, nhặt gàu trên mái tóc, bộ râu đã ba năm không cắt, không cạo bờm xờm của anh. Nhiều lần, nó đã cứu Thịnh thoát chết trong gang tấc. Ấy là sau một ngày mưa tầm tã, trời đất cũng như bủng ra, bợt đi vì mưa, vì lạnh. Ban ngày, mải che chắn, dọi lại những chỗ bị dột, bị mưa tạt vào kho, Thịnh mệt bở hơi tai và định buông màn đi ngủ sớm. Vừa sắp ngả lưng, con khỉ bỗng khịt khịt mũi rồi nhảy vọt lên đầu giường. Nó lôi cái gối của Thịnh lên: Một con rắn độc xanh lè nằm cuộn tròn. Thấy động, con rắn bực bội rít lên những tiếng chói tai rồi trườn ra rừng. Bữa khác, Thịnh xuống suối rửa mặt. Vừa mưa xong, con suối đổ nước cuồn cuộn. Chợt một cây gỗ mục lao tới, hất Thịnh ngã sấp xuống dòng nước đang réo ầm ầm. Thịnh chới với, nổi chìm trong nước. Con khỉ kêu khẹc khẹc, chuyền cành cây trên bờ theo Thịnh. Đến một thân cây có nhiều dây leo treo toòng teng, nó dùng răng cắn đứt một sợi, ném xuống cho Thịnh. Thịnh nắm đầu dây, lắt lẻo, ngoi ngóp một hồi rồi cũng bám được vào thân cây. Thoát chết!

Những đêm trăng giữa rừng già thật đẹp. Từng đốm trăng hiếm hoi nhờ chiếu xiên được qua kẽ lá, như những quả trứng vàng nhảy lộp độp trên mặt đất. Gió lào thào câu chuyện muôn đời của núi non, cây lá. Hương rừng thoang thoảng từ những giò phong lan tỏa đi, từ muôn vàn loài hoa của đại ngàn lâng lâng trong gió, trong trăng. Những đêm trăng như vậy, Thịnh và Líu thường ngồi trên một tảng đá mà Thịnh đã vần từ dưới suối về làm ghế. Thịnh lặng lẽ ngắm bóng mình, còn Líu nhảy lên vai anh xoa tóc, nghịch râu, rồi trườn xuống đầu gối Thịnh. Nó vòng tay ôm lưng anh, đầu gục vào ngực anh, nũng nịu. Thịnh cũng vòng một cánh tay ôm lưng con khỉ, tay kia nâng mặt  nó lên mà nhìn. Lạ thay, dưới đêm trăng, trong một không gian tĩnh lặng của khu rừng già, trong nỗi lòng chất chứa bao niềm cô đơn, thương nhớ... Thịnh thấy đôi mắt con khỉ sao bỗng long lanh, ngời ngợi cũng đang nhìn mình. “Ôi, Líu! Líu ơi!”- Thịnh rên lên...

Líu - là tên cô gái cùng làng mà Thịnh đã thầm yêu trộm nhớ. Líu mặt tròn, nước da trắng, thân hình nảy nở của một cơ thể mười bảy tuổi. Yêu, nhưng Thịnh không dám ngỏ lời, chỉ  đứng xa nhìn lại. Một bữa, vào buổi trưa hè, nằm ngủ, nhưng nóng quá, chẳng thể ngủ được, Thịnh thấp thểnh bước ra rặng tre đầu làng. Vừa lúc ấy, Líu đi bắt cua về, mới rửa chân dưới bến ao làng bước lên, quần còn xắn cao quá bắp đùi. Thịnh ngỡ ngàng. Chao ôi là đôi bắp chân con gái! Sao mà trắng thế, nuột nà đến thế! Líu luống cuống cúi xuống bỏ ống quần, nhưng mới được một bên thì giỏ cua trên hông cô tuột dây rơi xuống. Hom giỏ bật ra, cua bò lổm ngổm trên đất. Thịnh nhao đến, cùng nhặt cua bỏ vào lại trong giỏ cho Líu. Đầu Thịnh chạm vào đầu Líu, tay Thịnh chạm vào bắp vế Líu. Líu đỏ mặt xách giỏ cua đi như chạy. Thịnh ngỡ ngàng đứng như trời trồng nhìn theo bóng Líu. Khi lên đường đi chiến đấu, Thịnh mang theo hình ảnh quê hương có hình bóng Líu với đôi cặp giò ngần trắng; đôi má đỏ bừng giữa buổi trưa hè ngày nào. Lấy tên Líu đặt cho con khỉ - như người bạn duy nhất ở giữa rừng già - hằng ngày gọi tên Líu, Thịnh thấy bớt cô đơn nhiều lắm; thấy quê hương như gần thêm; thấy mình cần phải sống để đợi ngày về với Líu của anh...

***

- Chịch ơ, Chịch à...

Líu lại gọi. Nó là con khỉ thông minh. Thịnh dạy nó gọi, chỉ nửa tháng sau là nó đã nhớ và gọi được tên Thịnh; tuy còn ngọng, nhưng cũng là gọi Thịnh. Thịnh đặt tên cho nó là Líu, nó cũng hiểu và chấp nhận. Sự giao tiếp giữa nó và Thịnh đã đến mức thân thiện, và có cả sợi dây liên kết vô hình của giác quan thứ sáu. Nó biết cù vào cổ cho anh cười mỗi khi nỗi buồn bất chợt ập đến. Nó như hiểu mối dây liên hệ của loài người, và biết rằng Thịnh không có bạn, cũng như nó - là con khỉ đơn độc...

- Chịch ơ, Chịch à...

Thịnh đang đảo gạo trong kho, nghe tiếng Líu gọi, vội bước ra. Thịnh cảm giác như tiếng gọi lần này của Líu có vẻ gì đó khác thường. Và, Thịnh bỗng sững sờ bước giật lùi, không tin vào điều mình đang nhìn thấy. Líu vừa từ ngọn cây cao xuống, hai tay nó bưng chiếc sọ người đã đen xỉn. Thịnh ngồi phịch xuống đất, cố trấn tĩnh nghĩ xem Líu lấy chiếc sọ người từ đâu. Líu đặt chiếc đầu lâu xuống đất, rồi nhảy thoăn thoắt lên ngọn cây cổ thụ. Đến chỗ đụn cây dại như chiếc bắp cải khổng lồ, Líu lôi ra một chiếc bòng giao liên. Chiếc bòng rơi xuống rồi vướng vào ngọn cây thấp phía dưới. Líu lôi tiếp ra một vuông vải. Vuông vải bay phấp phới từ trên ba chục mét, Thịnh nhận ra là chiếc võng dù. Từ trong chiếc võng bung ra một bộ quân phục. Cuối cùng, Líu lôi ra một dải gì đen đen, rõ dài; vì ở quá cao nên Thịnh nhìn không rõ. Líu cầm trên tay dải đen đó, tay kia bám cây tụt xuống. Trời ơi, một suối tóc dài của một người con gái đẹp - Thịnh kêu khẽ.

Bằng ngôn ngữ giao tiếp mà chỉ Thịnh, ngần ấy năm sống với Líu mới hiểu được, Thịnh biết đây là xương sọ và hành trang của một cô gái giao liên, vì lý do nào đấy, có thể là sau khi đưa được đoàn quân đi trót lọt, lúc trở về một mình, gặp địch phục kích, cô chạy thoát vào rừng, nhưng do vết thương quá nặng, nên đã hy sinh. Hoặc có thể cô bị lên cơn sốt rét ác tính, mắc võng nằm lại và đã lịm đi. Lục trong chiếc bòng, mọi thứ đều đã ẩm mục, nhưng qua những dòng chữ ghi trên tờ giấy đựng trong chiếc lọ thuỷ tinh nút kỹ, Thịnh rõ: Cô gái tên là Thảo, Phan Thị Thu Thảo, người Quảng Nam, nhập ngũ năm một chín sáu tám. Líu đã thấy xác cô chỉ còn chiếc hộp sọ. Chẳng hiểu bằng cách nào mà nó tha được ngần ấy thứ dấu lên đụn cây cao. Nó dấu, có lẽ chỉ như trò chơi của loài khỉ, chứ chẳng vì mục đích gì. Nhưng với Thịnh, điều này có ý nghĩa như một nghĩa cử, một thái độ nhân văn với người đã khuất. Thịnh làm lễ chôn cất người đồng đội xấu số với tất cả sự trân trọng, lòng thành kính. Anh bỏ công đẽo một hình người, rồi mặc bộ quân phục cũ của Thảo, đặt chiếc hộp sọ và mái tóc dài đã được anh chải rất kỹ lên trên. Thịnh cũng đặt thêm vào mái tóc Thảo chiếc lược bằng nhôm, lâu nay anh vẫn cất kỹ trong ba lô, định ngày về tặng Líu. Không có nhang đèn, anh tìm những thân cây khô có mùi thơm, đốt thành đống lửa nhỏ; đặt lên mộ bát cơm, đĩa rau rừng xào thịt hộp và hai bó hoa rừng, một của anh, một của Líu. Anh quỳ bên ngôi mộ mới đắp, lầm rầm khấn vái cầu mong cho vong hồn Thảo ngủ yên. Líu ngồi bên anh, nhỏ nhoi, im lặng; chỉ có cái đầu cứ ngúc ngoắc hết nhìn ngôi mộ, lại ngoái nhìn anh. Một cơn gió to ào xuống đột ngột. Cây rũ lá trút xuống phủ kín ngôi mộ. Ngọn lửa réo ù ù, phun hoa lách tách. Có lẽ vong hồn Thảo đã trở về, linh nghiệm trước lời khấn của Thịnh.

Sau khi bị đại đội làm đường bắt giải đi đột ngột vì nghi ngờ anh là biệt kích, Thịnh không có dịp trở lại kho để từ biệt Líu. Chỉ sau khi đã cạo râu cắt tóc để trở thành một quân nhân bình thường, Thịnh được ngồi ở Tiểu đoàn bộ một tuần để viết tường trình về toàn bộ sự việc mình bị quên  lãng suốt ba năm ở một khu rừng cổ thụ.  Rồi Thịnh được lệnh dẫn đường cho một tiểu đội với trang bị súng ống đầy đủ đi “Kiểm tra thực tế”. Đến kho, việc đầu tiên là Thịnh lao đi tìm Líu. Nhưng Líu đã bỏ đi. Trên mộ Thảo vẫn còn mấy bông hoa rừng đã héo cắm lộn xộn. Có lẽ Líu đã đặt vào đây trước khi bỏ đi. Hoặc cũng có thể nó đang đi tìm Thịnh ở một nơi nào đó. Hú gọi mãi không thấy Líu - người bạn thân thiết suốt những tháng năm anh đơn độc trong rừng, một nỗi buồn tê tái ập đến trong lòng Thịnh. Đầu cúi gục, lòng tái tê, Thịnh quỳ lạy bên mộ Thảo lần cuối, rồi đau đớn ra xe trở về. Sau đó anh xuất ngũ về quê. May mắn cho Thịnh là  cô Líu ở quê vẫn chưa lấy chồng. Anh đã cưới Líu và sinh được ba người con. Có một điều cô Líu không sao hiểu được: Vì sao trong giấc ngủ, mặc dù nằm bên cô, nhưng Thịnh vẫn ú ớ gọi tên cô thảng thốt: Líu ơi, Líu à... Cô lay Thịnh dậy, thấy trán anh ướt đẫm mồ hôi.... Lại nói về buổi chiều sau khi ở nhà hàng về, ông Thịnh lên cơn sốt. Trong cơn mê sảng, ông thấy Líu của ông bị người ta chém đầu moi óc. Hai con mắt Líu trừng trừng nhìn ông đầy oán trách. Ông Thịnh ngồi bật dậy, đôi mắt vô hồn nhìn chung quanh ngơ ngác. Bà Líu - vợ ông - cứ ôm lấy chồng mà khóc. Ông Thịnh được đưa đi bệnh viện. Bác sĩ kết luận ông bị chứng tâm thần phân liệt. 

Một sáng nọ, bà Líu thấy ông dắt về một con khỉ nhỏ có bộ lông vàng óng như tơ. Ông chăm con khỉ đến quên ăn quên ngủ, thân thiết như người bạn. Căn bệnh của ông, nhờ đó cũng khỏi dần.

Mùa Xuân này con khỉ đã vào tuổi lên ba… 

Truyện ngắn của Đinh Hữu Trường

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.