"Trời sinh ra bác Xuân Thiều"
Những lớp bồi dưỡng viết văn như thế thường kiêm cả sáng tác. Các nhà văn Quân đội nổi tiếng như: Nguyễn Khải, Hữu Mai, Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh được mời đến giảng bài, trao đổi kinh nghiệm sáng tác. Nhà văn Xuân Thiều là người được mời đến nhiều nhất, bởi ông có nhiều kinh nghiệm về mở trại, cũng như trong khâu tổ chức, công tác giáo vụ… Một số nhà văn trẻ viết văn xuôi sau này nổi danh như Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng… (trưởng thành từ các quân khu) nay đều là những cây bút tên tuổi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, họ không thể quên công lao của thầy Xuân Thiều – đã phát hiện, động viên giúp đỡ họ.
Một lần, trại sáng tác mở vào dịp hè tại thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng). Gần hai tháng trời nhà văn Xuân Thiều phải đọc hàng trăm bản thảo: truyện ngắn, tiểu thuyết của hơn 30 trại viên là cây bút trẻ. Khi ấy ông đã ngoài 50 tuổi.
Hôm bế mạc trại, nhà văn Xuân Thiều lên đọc báo cáo tổng kết. Theo nhà văn thì ông đã có gần mười mấy năm chuyên đi mở trại, được đi từ Nam ra Bắc đã nhiều, nhưng không trại nào vui và đạt được nhiều tác phẩm chất lượng như trại ở Đồ Sơn lần này. Trong báo cáo, nhà văn cũng nêu tên một số cây bút có nhiều triển vọng. Và một cây bút trẻ trong số những người được nêu tên biểu dương ấy do quá hứng khởi nên đã ứng khẩu luôn hai câu thơ:
“Trời sinh ra bác Xuân Thiều
Nơi nào mở trại cũng điều bác đi”.
Được mệnh danh là Tú Hói, Đồ Nghệ, nhưng trong tình huống này nhà văn Xuân Thiều cũng không giấu nổi tiếng cười. Ông định ứng đối một câu thơ tếu táo với cậu học trò xuất sắc của mình cho vui, nhưng nhìn xuống hàng ghế đầu có các tướng lĩnh của Tổng cục Chính trị và Quân khu III, nên ông đành “kìm nén” sở trường ứng đối của mình để tiếp tục phần việc còn lại.
Lê Hồng Thiện
Ý kiến bạn đọc