Mong muốn đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng
Nhân dịp họa sĩ LÊ VẤN (Chi hội Mỹ thuật, Hội VH - NT Đắk Lắk) được mời tham gia Triển lãm Mỹ thuật Việt - Nga Handshake do Tổng lãnh sự Nga tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào trung tuần tháng 3, PV Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với họa sĩ về mỹ thuật đương đại nói chung.
Họa sĩ Lê Vấn (người đầu tiên bên trái) cùng đồng nghiệp Việt - Nga tại triển lãm. (Ảnh do họa sĩ Lê Vấn cung cấp) |
°Được biết, anh là một trong số 3 họa sĩ ở khu vực Tây Nguyên được mời tham gia Triển lãm mỹ thuật này, vậy tiêu chí để có mặt ở đó là gì thưa anh?
Triển lãm Mỹ thuật Việt - Nga Handshake bắt đầu từ ý tưởng cá nhân của GS.TS Olga Zatova - Giám tuyển Mỹ thuật Nga và họa sĩ Bùi Văn Quang (TP. Nha Trang-Khánh Hòa) với mục đích giới thiệu những họa sĩ có những sáng tác tiêu biểu cho hai vùng đất: Viễn Đông nước Nga và Nam Trung Bộ, Tây Nguyên - Việt Nam. Tôi có mặt vì có khá nhiều tác phẩm vẽ về Tây Nguyên.
°Dưới góc nhìn mỹ thuật, anh cảm nhận thế nào về triển lãm này?
Đến nay, Triển lãm mỹ thuật trên đã được tổ chức 4 lần (1 lần tại Thành phố Vladivostokn miền Viễn Đông nước Nga, 1 lần tại TP. Nha Trang, 2 lần tại TP. Hồ Chí Minh). Tôi tham gia với tinh thần vừa giới thiệu những tìm tòi riêng của mình trong sắc thái chung của mỹ thuật Việt Nam, vừa có cơ hội học hỏi những giá trị chuyên môn của đồng nghiệp trong nước và Nga. Mỹ thuật nước Nga thật sự là một nền mỹ thuật có truyền thống lâu đời, hình thành rõ tính chuyên nghiệp trong sáng tác, tổ chức hoạt động và giới thiệu triển lãm… Những điều đó, chúng ta nên học hỏi để góp phần thức đẩy đời sống mỹ thuật ở từng vùng, miền cũng như cả nước trong bối cảnh hiện nay.
Diện mạo chung của triển lãm lần này là sự cách tân các giá trị truyền thống trong hoàn cảnh Hậu Hiện đại, không câu nệ đề tài, hình thức, phong cách thể hiện... Tôi nhận thấy họa sĩ Việt Nam được mời tham gia triển lãm (10 người), hầu hết tác phẩm đều chú trọng và hướng tới việc chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Các họa sĩ Nga dường như ít chú trọng hơn về điều đó.
* Cuộc triển lãm được coi là hoạt động ngoại giao văn hóa Việt - Nga, anh tham gia vì công việc chung, nhưng cũng từ đây anh nghĩ thế nào về “niềm riêng” của mình trước đời sống mỹ thuật của địa phương và cả nước hiện nay?
Trong hoàn cảnh khó khăn của hoạt động mỹ thuật ở Nam Trung Bộ - Tây Nguyên là ít công chúng, tranh không bán được (triển lãm này rất ít tranh của họa sĩ Việt bán được), chúng tôi vẫn mong muốn đưa mỹ thuật đến gần hơn với công chúng, phản ánh được ý nguyện của công chúng bằng hình thức nghệ thuật ngày càng mới mẻ, gần gũi hơn.
Qua tìm hiểu, tôi biết giới họa sĩ Nga ít khó khăn hơn trong các vấn đề đã nêu. Họ sáng tác và sống được với nghề vì có thị trường tranh sôi động thông qua hệ thống gallery (trưng bày, giới thiệu) rộng khắp và đội ngũ giám tuyển tinh nghề để định hình, phát triển thị trường tranh trong nước cũng như quốc tế. Nhờ vậy mỹ thuật nói riêng và văn hóa - nghệ thuật nói chung của Nga luôn có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của mọi người. Thêm nữa, các họa sĩ Nga có các cơ chế hoạt động chuyên môn đa dạng và hiệu quả để đưa sản phẩm (tác phẩm) của mình thâm nhập nhiều vùng, nhiều quốc gia nhằm quảng bá (không chỉ dừng lại ở mục tiêu ngoại giao văn hóa, mà còn hướng đến mục tiêu thương mại), thành ra việc giới thiệu, triển lãm… kết hợp với mua bán tranh của họ luôn được mở mang và chú trọng, như trong khuôn khổ triển lãm trên là một ví dụ. Còn họa sĩ Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành nhỏ lẻ phải dựa (nhờ) vào sự kiện, hội hè mới được ra mắt với công chúng. Còn có bán được tranh hay không là “câu chuyện” khác. Tôi nghĩ là rất khó, vì không thường xuyên tạo ra được “không khí” mỹ thuật cũng như văn hóa - nghệ thuật như Nga.
Qua tâm sự của các họa sĩ Nga, họ có mong muốn tổ chức triển lãm như thế này ở nhiều thành phố khác ở Việt Nam, trong đó Buôn Ma Thuột - thủ phủ Tây Nguyên là một lựa chọn. Tôi ao ước sẽ có ngày đó, giúp đời sống mỹ thuật ở đây sôi động hơn.
* Xin cảm ơn họa sĩ!
Đình Đối (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc