Multimedia Đọc Báo in

Bếp lửa chiều hôm

17:57, 23/04/2016
Khi ánh mặt trời nép mình sau lũy tre làng báo hiệu một ngày dài dần bắt đầu khép lại thì trong gian bếp nhỏ có một nguồn sáng ấm áp hơn khởi nguồn từ đôi tay mẹ đang được nhen nhóm lên. Ấy là bếp lửa chiều nồng đượm mùi khói và ấm áp yêu thương.

Bếp lửa chiều - hình ảnh ấy đã trở thành hình ảnh quen thuộc với những đứa trẻ sinh ra từ thôn quê. Có tuổi thơ của đứa trẻ quê nào thiếu đi mùi khói bếp hăng hắc cay nồng, thiếu những bữa cơm chiều bên ánh lửa bập bùng cả nhà quay quần hàn huyên trò chuyện, thiếu những hôm tập tành giúp mẹ nhóm lửa thổi cơm, mùi khói bếp cay xè bay vào mắt, con gái rấm rứt khóc vì chẳng đỡ đần được ba mẹ điều gì. Có những hôm bếp lửa trở thành sự mong đợi của những đứa trẻ. Bởi có gì bằng niềm vui được thấy bóng dáng mẹ lấp ló sau lũy tre làng, và theo sau đàn trâu đỉnh đủng là dáng người của bố. Bố mẹ về cũng là lúc bếp lửa được nhóm lên.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Bếp lửa chiều sưởi ấm cả tuổi thơ tôi. Ngày nhỏ, tôi không có nhiều bạn nên hay lê la cùng bà và mẹ bên gian bếp cũ. Với một đứa trẻ là tôi lúc đấy, bếp là thế giới thật sống động. Từ bếp, tôi được nghe cả bà và mẹ kể biết bao câu chuyện, những câu chuyện cổ tích cứ nuôi lớn trong tôi bao mơ ước xa xăm, gieo vào tôi bao niềm mong mỏi của con trẻ về một thế giới với bao điều kỳ diệu. Từ bếp, những hạt gạo rời rạc chốc lát trở thành những hạt cơm thơm dẻo mà dù ăn với bất kỳ thứ gì cũng thấy thật ngon. Khi mẹ thả vào bếp những hạt thóc vàng như một món quà của mùa màng cho đứa con gái, âm thanh những hạt thóc nổ lép bép ấy vang lên nghe thật vui tai như âm thanh pháo hoa mỗi dịp giao thừa. Từ bếp lửa tôi được ăn những hạt bỏng thơm giòn, được nếm thử vị khoai lang thơm ngọt đầu mùa nướng trên than củi. Tất cả chúng được làm nên từ gian bếp có bàn tay mẹ mà tuổi thơ tôi nào có thể quên.

Bếp lửa ngày xưa đơn sơ lắm, chỉ là một cái kiềng ba chân nho nhỏ  dựng ở góc bếp, khói bụi nghi ngút. Bếp thi thoảng mới được đun bằng củi còn lại đa phần được nhóm bằng rơm rạ vụ mùa. Ấy vậy mà nơi ấy lại trở thành một thế giới cổ tích với bao mơ ước được nhen nhóm, là nơi khởi nguồn của ước mơ về sự no đủ, về hạnh phúc gia đình.

Người Á Đông từ lâu đã xem lửa như một nguồn sống quý báu. Văn hóa Á Đông cũng xem lửa như biểu tượng của sự ấm áp, của tình thương, của hạnh phúc gia đình. Con gái ngay từ nhỏ đã được bố mẹ dạy cho cách nhóm lửa. Lớn lên một tí lại được bố mẹ nhắc nhở về việc phải biết giữ gìn và chăm chút căn bếp. Bếp lửa là linh hồn của một gia đình. Đó là ngọn nguồn của yêu thương. Người phụ nữ là người chủ của căn bếp đó. Chăm chút cho căn bếp cũng là cách người phụ nữ chăm chút cho gia đình, cho những người thân thương, trở thành người giữ lửa và vun vén cho tổ ấm của mình.

Ngày nay với sự tiện nghi hiện đại bếp củi được thay thế bằng bếp gas, bếp điện. Nhưng với những người đã sống tháng ngày tuổi thơ bên gian bếp củi liệu có ai quên được mùi rơm rạ phảng phất, mùi khói bếp cay nồng, quên được ký ức tuổi thơ của một thời nghèo khó. Như một sự kết nối, những hình ảnh của quá khứ sẽ mãi còn đó trong tiềm thức những người biết trân trọng, để rồi những gì đáng trân trọng sẽ được thế hệ sau chắt chiu và gìn giữ muôn đời. Còn với những đứa trẻ quê hôm nào, giữ lại một vài hình ảnh, gom góp vài ký ức về bếp quê là cách mà chúng lưu giữ cho mình khoảng trời tuổi thơ ngọt ngào.

Linh Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.