Còn lại yêu thương
Mãi sau này, Gái mới biết nguyên do khiến bà nội bà ngoại ngăn cản tình duyên ba mẹ. Chuyện này cũng na ná như chuyện tình ba người trong tích xưa đã trở thành biểu tượng thờ cúng trong bếp của mỗi nhà. Khác là cổ tích gồm “hai ông một bà”, chuyện nay “ hai bà một ông”; khác nữa là kết thúc bi thảm của chuyện xưa khiến người người xót thương, thành tâm đưa rước vào dịp 23 tháng Chạp ta; còn đoạn kết oán hận của chuyện nay được hai bà truyền lại con cháu… Thời xuân sắc, hai bà cùng thương chàng trai đàn hát hay nhất làng; hình như bà nội và chàng kia trao duyên trước; bà ngoại “chen ngang”, làm bùng phát rắc rối. Giữa hai cô thôn nữ vốn thân quen bỗng chốc trải qua những cung bậc cuồng nộ của kẻ tình địch, với ghen ghét, căm hận; với lời lời cay độc lẫn trong nước mắt. Dẫu sau đó, chàng lấy người con gái khác, hai bà cũng yên bề gia thất nhưng nỗi đau của tình đầu vẫn khắc khoải. Và rồi, di họa của chuyện tình sớm kết trái oán hờn của một thời xa lắc còn khuấy động đến đời sau, khiến ba mẹ Gái phải chấp nhận lựa chọn nghiệt ngã - tình yêu hoặc lời mẹ.
Bà ngoại sớm mềm lòng trước cảnh rách nát của cháu con, sự thổn thức của trái tim người mẹ chẳng mấy chốc lấn át sự cứng rắn của lý trí. Có lẽ chính Gái đã khởi đầu để đem lại hòa khí giữa bà và ba mẹ. Lúc đầu thấy rể và con gái về, bà khinh khỉnh, không thèm nhìn rồi lảng đi chỗ khác; con thưa cũng chẳng ừ. Gái chạy tới vòng tay “ạ” rồi ôm cổ bà; bà gỡ tay ra, lạnh lùng: “Ra kia chơi!”. Bà quay lưng, Gái lẫm chẫm chạy theo, ngã dúi dụi, khóc nức nở. Bà giật mình quay lại, thoáng sững sờ rồi ôm chầm lấy cháu, xuýt xoa: “Thôi, bà thương, bà thương!”… Thế là bực tức dần tan.
Bà nội sắt đá hơn nhiều. Lần đầu mẹ Gái mua bánh về cúng ông nội, bà không cho đặt lên bàn thờ, giọng đay nghiến: “Không cưới hỏi, chẳng dâu con gì hết!”. Mẹ ra sau vườn đứng khóc rồi lặng lẽ bỏ về; cô chú thương vợ chồng anh trai nhưng không dám trái ý bà. Những lần giỗ chạp ở nhà nội sau đó, chỉ hai cha con về nhưng lẳng lặng, đến cười nói cũng kìm nén. Bà nhìn con cháu dửng dưng như người lạ, mặt lạnh như băng. Giận con ghét dâu, bà ác cảm luôn với cháu. Dưới mắt bà, những khiếm khuyết của Gái đều giống mẹ, cứ như bé là “sản phẩm” do riêng mẹ “tác thành” vậy. “Ngó kìa, con gái mà miệng rộng như cá ngão, đích thị là bản sao của mẹ nó!”. “Trẻ con mà mặt lúc nào cũng lầm lì, buồn đến đuổi ruồi không bay thế kia thì học hành cái gì! Nòi nhà này đâu có như thế! ”. “Nước da nó giống mẹ, đen như cột nhà cháy, trán dô, chân vòng kiềng… chắc mai này cho không cũng chẳng thằng nào rước!”. Ngày bé, Gái không buồn khi nghe những lời dè bỉu ấy nhưng sau này thì khác, nó giống như muôn nghìn mũi kim châm vào tâm hồn thơ trẻ. Gái không bao giờ muốn lại gần bà nội; hơn thế, cảm giác sợ sợ khi nhìn bà. Lời cay nghiệt của nội giống như lực đẩy vô hình khiến Gái dần xa nhà nội; lại như rào cản làm chân ngập ngừng khi về quê. Mỗi lần về nhà nội có việc, Gái tìm cách lẩn tránh, ba mẹ hết dỗ ngọt đến nạt nộ, bắt phải đi.
Minh họa: Trà My |
Đường về quê nội càng trở nên xa khi ba Gái tử nạn, mẹ đi bước nữa rồi cả nhà chuyển vào lập nghiệp ở thành phố đáng sống phương Nam. Khoảng cách hơn trăm cây số, với ba ngọn đèo chất ngất cùng khoảng cách lòng người khiến Gái càng ngại về quê. Nhưng mẹ không chiều ý con; đã có lần mẹ đưa Gái về nhà nội chạp mả. Sau khi sắm lễ cúng và trao con ít tiền để góp cùng gia tộc, mẹ về ngoại và hẹn giờ quay lại đón con. Khi con thắc mắc “sao mẹ không vào cùng” thì nhận được những lời buồn: “Không được con ạ! Con nhớ thay mẹ thắp hương cho ba”. Chỉ mỗi mình bên những người thân lâu lắm mới gặp lại, có khi quên tên và không biết xưng hô sao cho phải khiến Gái càng lạc lõng. Dù cô chú luôn niềm nở, dang tay ôm cháu vào lòng nhưng cũng không xóa được buồn tủi của bé. Suốt buổi, bé chỉ làm mỗi việc canh mèo đuổi gà rồi đứng thu lu một góc, ai hỏi gì đáp nấy; đến gắp thức ăn cũng ngại.
Bà nội không còn nặng lời với đứa cháu sớm mồ côi cha, sự thay đổi bắt đầu từ ánh mắt xót thương. Dường như nỗi niềm bà dành cho cháu phải đi đường vòng và lẩn khuất trong những cử chỉ như vô tình. Bấy giờ, bà bắt đầu nhận ra những nét giống ba của bé, tất nhiên toàn là “điểm sáng”. Bà khoe với người thân “Nó vẽ đẹp, khéo tay giống như ba”; “Giọng hát được lên truyền hình của nó cũng được di truyền từ cha đấy…”. Lúc bé chào ra về, bà chỉ gật, chẳng một lời động viên, nhắn gửi. Bần thần một lúc, bà quay qua các con, bâng quơ: “Chẳng biết con nhỏ còn tiền về xe không…”. Thế là mấy cô chú đồng loạt mở ví, nhét tiền vào túi của bé; người thì xoa đầu, dặn đi đường cẩn thận; người nhắc cố gắng học giỏi. Vẫn vòng vo xa xôi, bà bảo mấy đứa cháu ở quê: “Bọn trẻ ở phố dễ gì được ăn trái cây sạch; mấy đứa ra coi xoài, mít, ổi có trái nào chín…”. Lũ nhỏ tỏa ra vườn, thoăn thoắt leo lên cây để rồi sau đó tranh nhau xách trái cây ra xe cho chị. Dẫu vậy, với đứa cháu ở xa, dường như bà vẫn chưa thể vượt qua được khoảng cách mơ hồ do chính mình dựng lên để yêu thương trọn vẹn. Và cháu, đâu dễ phôi phai ký ức đau buồn thuở ấu thơ để hòa nhập với những người ruột thịt, gần đấy nhưng xa đấy.
Khác với võ đoán của bà nội ngày nào, Gái học giỏi đều các môn; lại có khiếu nhạc, họa. Ngoài học chính khóa rồi học thêm và tham gia các lớp năng khiếu đã cuốn hút hết thời gian của cô. Một phần vì thế mà suốt năm cuối cấp ba, Gái chưa một lần về nội, lối nhỏ về quê tưởng đã nhòa trong tâm trí. Và rồi, sự chăm chỉ của cô nữ sinh nghèo vượt khó được đáp lại xứng đáng với khá nhiều giải thưởng từ các cuộc thi. Khi đứng trên bục cao nhất để nhận thưởng trong cuộc thi kiến thức dành cho học sinh trên truyền hình, Gái vỡ òa vui sướng; lâng lâng ngây ngất khi biết sẽ được học bổng du học; lại rưng rưng nghĩ tới lúc phải xa người thân. Và rồi, quên cả ngần ngại, không cần mẹ nhắc, chẳng chờ đến giỗ chạp, Gái một mình đón xe về quê nội.
Vẫn cảnh quen thuộc, với cổng ngõ sơ sài bằng tre và lối nhỏ có chè tàu hai bên dẫn vào khoảng sân rợp bóng cây nhưng Gái bỗng hồi hộp, ngập ngừng. Đến sân, cô khựng lại khi thấy bà nội ngồi trên hiên, tay vẫn giữ gậy, mắt nhìn xa xăm. Gái kêu lên thảng thốt: “Nội ơi!”. Bà giật mình, đôi mắt mờ đục nháy nháy liên hồi, giọng giật ngược: “Ai đó? Ai đó?”. “Con đây!”- giọng cô nghẹn lại. Bà cuống quýt, hỏi dồn: “Gái hả, Gái phải không?!”. “Dạ…” - cô òa lên, nức nở. “Trời ơi!”- bà thốt lên rồi lập cập đứng dậy, người nhào về phía trước, tay run run chới với. Gái chạy tới ôm lấy bà; mái tóc xanh gục bên mái đầu bạc, nước mắt thấm đẫm trong khoảng lặng kéo dài. Lâu thật lâu, bà mới mếu máo: “Đội ơn trời Phật… đã cho bà còn gặp lại cháu!”.
Khi đã bình tâm ngồi chuyện trò cùng bà và cô Út, Gái càng hiểu bà hơn. Gần năm trước, bà bệnh nặng, tưởng không qua được, các cô chú muốn cho Gái hay nhưng bà không chịu. Sau bận ấy, hai mắt bà mờ dần nhưng lại quyết đi thăm đứa cháu ở xa. Mặc các con ngăn cản, bà vẫn không đổi ý. Cô Út phải tất bật chuẩn bị cho chuyến đi, nào hỏi địa chỉ, lên lộ trình, thuê xe, thuê cả bác sĩ đi cùng. Bà háo hức chờ ngày lên đường giống như đứa trẻ mong đến Tết. Cũng dịp ấy, Gái đoạt giải nhất cuộc thi trên truyền hình; liền đó báo đài đưa tin ngợi ca cô nữ sinh nghèo học giỏi. Bà không đọc báo, chẳng vào mạng nhưng vẫn biết tin vui về cháu qua những người thân ở gần. Nét mặt buồn triền miên của bà bỗng rạng rỡ, đã nhiều lần nghe chuyện của Gái nhưng bà hỏi đi hỏi lại, cứ như muốn kéo dài niềm vui. Và rồi, một lần nữa bà làm cả nhà chưng hửng khi thông báo hủy chuyến đi thăm cháu. Các con gặng hỏi nhưng bà chỉ im lặng, thở dài. Từ đó, ngày ngày bà ngồi bất động trên hiên, ngồi từ sáng tới chiều, mắt dõi về phía con đường dẫn vào làng.
“Sao nội không muốn gặp lại con?” - Gái đột ngột lên tiếng. Bà vẫn lặng thinh, tay trong tay cháu; lúc lâu mới cất giọng rời rạc, buồn buồn: “Thuở cháu thơ dại, bà không nâng niu mà còn ghẻ lạnh; khi cháu thành đạt, sao có thể góp mặt chung vui mà không hổ thẹn?!”… Cháu ngã vào lòng bà, đưa tay ôm chặt bờ vai gầy. Bà cháu ngồi bên nhau từ trưa cho đến khi nắng chiều nhòa trên hàng cau trước ngõ. Rưng rưng, nghẹn ngào khiến cuộc trò chuyện nhiều lần gián đoạn trong nước mắt. Mấy lần Gái đứng lên để về nhưng bà cứ nắm tay, năn nỉ: “Ngồi với bà chút nữa!”
Chia tay, bà chống gậy tiễn cháu ra ngõ, giọng rụt rè: “Mẹ cháu… dạo này khỏe không?”. Gái “đứng hình”, tròn mắt nhìn bà, miệng nhoẻn cười mà nước mắt ứa ra. Không cất nên lời, cô chỉ gật đầu rồi lại ôm lấy bà, nhòa lệ.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc