Bảo tồn bản sắc văn hóa chưa được hiểu một cách thấu đáo (!)
Trong các văn bản về phát triển văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung hầu như ít đề cập tới vấn đề làm thế nào để bảo tồn và làm giàu vốn văn hóa này.
Thường thì trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của chính quyền các cấp, các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội bao giờ cũng được nêu cụ thể với hệ thống chỉ tiêu/chỉ số/giải pháp rõ ràng. Nhưng với lĩnh vực văn hóa thì chỉ dừng lại ở mức gắn khái niệm ấy với các loại hình dịch vụ (như phát thanh - truyền hình, cung cấp sách báo, ấn phẩm, điện ảnh, sân khấu…) hay các hoạt động văn hóa mang tính sự nghiệp (nghiên cứu, thông tin tuyên truyền, cổ động, khai quật khảo cổ, phát triển hệ thống thư viện, bảo tàng…) mà không thấy có bất kỳ hệ thống chỉ tiêu/chỉ số/giải pháp khả thi và cụ thể nào nhằm đạt được mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa như “một thực thể sống” đúng nghĩa - và biến các giá trị đó thành động lực của tiến trình phát triển nói chung. Đặc biệt, các tri thức bản địa của người dân tộc thiểu số tại chỗ - được coi là cốt lõi của văn hóa truyền thống đều không được tính đến trong “khung kế hoạch” của các cấp chính quyền.
Không gian sinh hoạt văn hóa của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên được tái hiện chân thật sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều người. |
Chính vì “bỏ qua” điều đó, hoặc người làm công tác tham mưu thực hiện chính sách, chủ trương bảo tồn và phát triển văn hóa còn nhận thức một cách chung chung, không gắn kết chặt chẽ với hoàn cảnh, điều kiện đời sống kinh tế - xã hội hiện hữu của người dân tộc thiểu số nên các chính sách, dự án văn hóa ít đạt hiệu quả như mong đợi. Qua tìm hiểu có thể thấy hầu như các chủ trương, dự án bảo tồn, phát triển văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số khi triển khai, thực hiện đã có sự khác biệt với chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, thậm chí ngay cả khi nó được tiến hành ở cùng một địa bàn. Hệ quả là việc thực thi cả hai chính sách cho người dân tộc thiểu số - văn hóa và kinh tế-xã hội đều không song cùng, gắn kết và tương tác với nhau trong quá trình phát triển nói chung.
Điều này có thể thấy rõ qua chương trình xây dựng Nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Do những hạn chế nêu trên nên hiệu quả mang lại từ dự án không cao. Trong số 585 Nhà văn hóa cộng đồng đã được xây dựng thì theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch chỉ có khoảng 20 nhà/20 buôn có tổ chức sinh hoạt (chứ không phải thực hành văn hóa) cộng đồng, còn lại đóng cửa và hiện đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Vì sao có tình trạng này? Trong hội thảo “Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động Nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn Đắk Lắk” được ngành Văn hóa tổ chức vào đầu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng đó là hệ quả tất yếu từ suy nghĩ, hành động theo kiểu áp đặt: “Bản sắc văn hóa” của người dân tộc thiểu số bị quy chiếu theo tiêu chuẩn số đông và bị hướng dẫn, chi phối theo nhận thức của những người làm công tác bảo tồn, phát triển văn hóa. Có thể nói, cứ theo đà này cùng với sự tác động từ những nhân tố tự nhiên, xã hội bên ngoài sẽ tiếp tục khiến bản sắc văn hóa và thực hành văn hóa của các tộc người thiểu số còn biến đổi mạnh mẽ (theo chiều hướng không tích cực) nhiều hơn nữa.
Trong chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người dân tộc thiểu số, các nghị quyết cùng chiến lược phát triển văn hóa đều nói đến việc phải bảo tồn (bảo vệ) bản sắc văn hóa của các tộc người. Tuy nhiên, trên thực tế chưa được nhận thức một cách thấu đáo nên đã có những tác động tiêu cực đến việc bảo tồn, phát triển văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đó là văn hóa phi vật thể bị mai một, sự đứt gãy của cấu trúc xã hội truyền thống, bất bình đẳng trong văn hóa, sự mất mát của tri thức bản địa, luật tục và thực hành tín ngưỡng truyền thống.
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc