Multimedia Đọc Báo in

Bộ tem gỗ đầu tiên về "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam": Độc đáo và ấn tượng

09:38, 27/09/2016

Tại Bảo tàng Đắk Lắk, bên cạnh bộ sách gỗ về một số anh hùng dân tộc Việt Nam, có một tác phẩm khác hiện đang được trưng bày cũng tạo nhiều ấn tượng bởi sự độc đáo, mới lạ. Đó là bộ tem gỗ của nghệ nhân Võ Văn Hải (hội viên Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk) đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục “Bộ tem bằng gỗ đầu tiên về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”.

Dựa trên bộ tem “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” do Bộ Bưu chính – Viễn thông phát hành ngày 30-8-2005, nghệ nhân Võ Văn Hải đã mô phỏng để xây dựng nên bộ tem trên nền gỗ, mặt tem được khắc bằng bút lửa – một nghề thủ công mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

Được phóng lớn so với bản gốc của mẫu tem do Bộ Bưu Chính – Viễn thông phát hành, mỗi con tem có khổ 17cm x 22cm, đường răng hoa thị xung quanh và được xếp thành khung gồm 7 tem x 8 hàng. 54 con tem về các dân tộc xếp theo bảng chữ cái tên các dân tộc và 2 “vi nhét” mang hình ảnh quốc kỳ, quốc huy với dòng chữ: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” đã tạo nên bộ tem mang nhiều ý nghĩa, phản ánh được những nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc mà vẫn bảo đảm yếu tố hài hòa trong một cách nhìn tổng thể về các dân tộc Việt Nam – một nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc trong khối đoàn kết thống nhất. Điều này được thể hiện trong nội dung mà mỗi con tem chứa đựng: Bên cạnh hình ảnh hai người nam nữ ở độ tuổi trung niên trong trạng thái đang hoạt động với tư thế tự nhiên, thoải mái cùng trang phục dân tộc truyền thống, từng con tem còn thể hiện những nét đặc trưng về văn hóa riêng của mỗi dân tộc như công cụ lao động, nhà ở, nhạc cụ, hoa văn trang trí...

Nghệ nhân Võ Văn Hải và bộ tem gỗ “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.
Nghệ nhân Võ Văn Hải và bộ tem gỗ “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam”.

Nghệ nhân Võ Văn Hải chia sẻ: Từ khi có ý tưởng cho đến lúc hoàn thành bộ tem là một khoảng thời gian khá dài. Để nắm bắt, có thêm kiến thức, từ đó thể hiện nội dung được chính xác, sinh động, tạo nên sức sống cho từng con tem, ông đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về các dân tộc Việt Nam. Bằng niềm đam mê, sự trân trọng và thực hiện với cả tấm lòng, thông qua những nét đậm, nhạt, nghệ nhân Võ Văn Hải đã dành hơn 3 tháng để tập trung khắc họa nên hình ảnh đặc trưng của từng dân tộc bằng nghệ thuật bút lửa. Điều này không phải ai cũng làm được vì đòi hỏi người nghệ nhân phải có khiếu hội họa, sự khéo léo, cũng như tính nhẫn nại, tỉ mỉ, bởi nếu tay nghề yếu, sử dụng lửa quá nhẹ thì sẽ không khắc được hình, ngược lại nếu dùng lửa mạnh tay có thể làm cháy, phá vỡ tác phẩm.

Ngoài ý tưởng hay, tay nghề khéo thì nguyên vật liệu cũng là yếu tố đáng chú ý cho sự thành công của một tác phẩm. Qua nhiều lần thử nghiệm, ông đã chọn gỗ bạch tùng và gỗ dừa - là hai loại gỗ đáp ứng được yêu cầu của việc lưu trữ, bảo tàng bởi khi được xử lý kỹ sẽ duy trì được tuổi thọ hàng trăm năm, trong khi những loại khác có tuổi thọ ngắn hơn (khoảng từ 10 – 20 năm); đặc biệt khi phủ lớp sơn pê-u lên sẽ chuyển màu làm nổi bật từng đường nét được khắc họa trên bộ tem...

Với sự thể hiện chính xác về nội dung, hài hòa về bố cục và mỹ thuật bộ tem gỗ “Cộng đồng các dân tộc Việt Nam” đã phần nào truyền tải, giới thiệu đến người xem những nét văn hóa độc đáo của 54 dân tộc anh em. Đây không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn là một công trình ý nghĩa, có giá trị bảo tồn và nghiên cứu, góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam...   

Một số kỷ lục Việt Nam được xác lập của nghệ nhân Võ Văn Hải:

-Cuốn sách bìa bằng nu cây cà phê lớn nhất Việt Nam (năm 2011)

-Viên đá “kỳ thạch vi ngoạn ảnh” ghi nhiều hình ảnh nhất (năm 2011)

-Cuốn sách gỗ Anh hùng dân tộc Trương Định bằng 3 ngôn ngữ: Việt – Anh – Pháp (năm 2013)

-Bộ tem bằng gỗ đầu tiên về cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (năm 2013)

-Cuốn sách gỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bằng 3 ngôn ngữ: Việt – Anh – Pháp lớn nhất Việt Nam (năm 2014).

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.