Multimedia Đọc Báo in

Khói chiều mùa gặt

08:39, 30/10/2016

Mùa gặt về tự bao giờ, sắc vàng của những bông lúa óng ả, cong vút trên cánh đồng gọi cái hanh hao, se se lạnh của mùa thu và cả những sợi khói lam chiều vương vất, bảng lảng nơi đồng quê.

Chiều về, giữa mùa gặt, không gian thôn quê thật đông vui, tấp nập. Tiếng máy tuốt lúa sình sịch trên đường, tiếng nói cười của những thợ gặt vang vang trên cánh đồng và cả âm thanh của những bầy chim ri, chim chiền chiện đang chao nghiêng trên đồng ruộng.

Giữa bức tranh thanh bình đến yên ả ấy, những đám khói tỏa lên ở những thửa ruộng mới gặt, nơi đầu ngõ hay trên con đường làng uốn lượn quanh triền núi. Màu bàng bạc của khói, mùi khen khét của rơm đốt khiến tôi nao nao nhận ra mùi vị của đồng quê, không phải hôm nay mới có mà nó đã quá quen với tuổi thơ của những đứa trẻ quê chúng tôi.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Mỗi mùa gặt về, tôi không sao quên được cái vị khói lam chiều nơi những cánh đồng còn trơ gốc rạ. Cứ sau khi gặt xong, những ngọn khói lại ùa về cùng với gió mùa thu hiu hiu se se. Người dân quê tôi hay phơi rơm ngay ở ruộng hoặc ở đầu đường và chỉ cần phơi một nắng, rơm đã khô nỏ rồi chất đống và đốt luôn để lấy tro bón ruộng vào mùa sau.

 Vì thế, bức tranh chiều quê tôi cứ bàng bạc đến lạ. Đó là cái bàng bạc của những sợi khói mùa gặt đang bảng lảng trong không trung, vương vất trên cây rồi chờn vờn trên cánh đồng còn trơ gốc rạ. Cả một bức tranh quê như choàng lên một sắc màu của mùa gặt, một sắc màu đặc trưng nơi thôn quê.

Rong ruổi trên con đường làng mỗi buổi chiều, sống mũi cay cay bởi khói đồng, tôi như lạc vào một không gian hư ảo, chập chờn. Vị khói đưa tôi trở về tuổi thơ của những ngày xưa cũ. Vào mùa gặt, bọn trẻ quê chúng tôi chạy quanh đống rơm còn hăng hăng mùi lúa để chơi trò chơi. Vui nhất là những khi bố mẹ hay các nhà đốt rơm ở đường, cả bọn kéo nhau ra, lấy cây cời ra xem có hạt lúa nào sót lại nổ thành bỏng không. Tìm được hạt bỏng nổ trắng toát trong lớp tro đen vội vã đưa lên miệng ăn đến ngon lành.

 Có lúc, mạo hiểm hơn, cả bọn thách đố nhau nhảy qua đống rơm lửa đang cháy ngùn ngụt hay thi nhau chạy qua làn khói xem đứa thắng. Mỗi khi chạy qua, khói tạt vào mặt, mắt và mũi cay sè mà vẫn cứ cười rôm rả. Bồng bềnh trong làn khói lam chiều, tôi nhớ về nồi cơm nhỏ của bà ngày nào. Mùa phơi rơm, bà nấu cơm bằng rơm khô, bà vùi kín nồi cơm vào tro rơm để cơm được chín kỹ. Những sợi khói tỏa ra từ bếp lửa, lan lên khỏi mái cọ và bay vút lên trời cao, để lại bát cơm trắng ngần thơm mùi gạo mới.

Miên man trong làn khói chiều, tôi trở về hiện tại, nơi quê tôi có mẹ và những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn để làm nên hạt nếp, hạt tẻ. Làn khói mơn man quanh tôi như gọi về cái vị đồng quê đã nuôi chị em tôi khôn lớn, nhắc tôi nhận ra đó là cái vị của lam lũ, của khó nhọc được quyện bởi những giọt mồ hôi mà mẹ và người dân quê tôi đổ xuống đồng tự bao giờ. Phía sau làn khói như đang bồng bềnh lãng mạn của buổi chiều quê ấy là tấm lưng thấm đẫm mồ hôi của những con người cần cù, chăm chút từng gốc lúa, từng nhánh mạ để cho bông lúa trĩu nặng.

Khói lam chiều mùa gặt, sao mà bảng lảng và vương vấn đến vậy. 

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.