Multimedia Đọc Báo in

Tản mạn quanh đời sống mỹ thuật Buôn Ma Thuột

07:12, 29/10/2016

Ảm đạm và buồn… là tâm sự chung của những người cầm cọ ở TP. Buôn Ma Thuột hiện nay. Quả đúng vậy, hoạt động mỹ thuật ở đây ít thấy hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nói chung và công chúng yêu hội họa nói riêng. Có chăng, thi thoảng trong cả năm, thậm chí nhiều hơn, một vài triển lãm mỹ thuật được giới họa sĩ trong tỉnh, khu vực miền Trung - Tây Nguyên đứng ra tổ chức và giao lưu.

Họa sĩ Hồ Hậu-Chi hội Mỹ thuật Đắk Lắk nói rằng: “Những dịp trên chỉ kéo dài vài ngày để anh em trau dồi, trao đổi nghề nghiệp có tính chất nội bộ rồi thôi. Ai đem tranh về nhà nấy, chứ tuyệt nhiên không thấy gương mặt thứ ba-là công chúng tham gia tranh luận, phản biện và hơn thế là đòi hỏi chủ thể sáng tạo phải làm gì, đi theo hướng nào trong việc định hướng và phát triển mỹ thuật ở địa phương”. Điều đó thật buồn - và như họa sĩ Lê Vấn cắt nghĩa là do “sân chơi” này ít có điều kiện để tổ chức thường xuyên, chứ chưa nói là theo chuyên đề, chuyên ngành mỹ thuật trường phái mọi thời đại. Chính vì thế không kéo được công chúng đến với hội họa, vốn là bộ môn nghệ thuật ít tính đại chúng nhất trong số bảy bộ môn nghệ thuật kinh điển của nhân loại, thành ra anh em đành ngậm ngùi với nhau chứ chẳng biết làm gì hơn.

Triển lãm
Triển lãm "Sắc màu tháng Mười" do CLB Mỹ thuật nữ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Hà Nội tổ chức nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10-2016 tại TP. Buôn Ma Thuột.
 

Giới họa sĩ ở Buôn Ma Thuột, phần lớn họ nuôi đam mê và cũng để kiếm sống bằng nghề trang trí nội thất cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Họ phục vụ (vẽ tranh, tạo hình, sắp đặt) theo nhu cầu của “thượng đế”- và đây là khe cửa hẹp để giới cầm cọ tồn tại giữa đời sống thực và đời sống sáng tạo đúng nghĩa.

 
 
Họa sĩ  Lê Vấn

Không có công chúng, hay nói đúng hơn là không có không gian cố định để người cầm cọ Buôn Ma Thuột có điều kiện, cơ hội giới thiệu những sáng tác của mình với bạn bè và công chúng càng khiến đời sống mỹ thuật ở đây ảm đạm và buồn bã rất nhiều. Họ cho hay, tranh vẽ xong cất trong kho, chờ có cuộc triển lãm (phù hợp) mới đưa đi, xong lại mang về! Đã không ít họa sĩ trắc ẩn cho “đứa con tinh thần” của mình quá cám cảnh, nên đã tự tạo không gian trưng bày, giới thiệu tranh cho mình và đồng nghiệp. Có thể nói người mở đầu cho ý tưởng này là họa sĩ Hồ Hậu. Anh mở quán cà phê tại nhà riêng (số 3 đường Giáp Hải –TP. Buôn Ma Thuột) vừa để mưu sinh,  vừa tạo ra “sân chơi” cho anh em họa sĩ đưa tác phẩm đến đây giới thiệu với bạn bè và công chúng. Họa sĩ Phùng Đạt cũng tự mình theo đuổi cuộc chơi nghệ thuật hội họa tại nhà riêng (cà phê Văn-Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột). Ở đó, người họa sĩ tự cho là “đơn độc” này đã chia sẻ cảm xúc sáng tạo của mình với khách uống cà phê. Trong số đó cũng có không ít người mê hội họa và chính họ là cầu nối duy nhất đưa công chúng đến với tranh của Phùng Đạt và Hồ Hậu.

Họa sĩ Lê Vấn cũng như Y Nhi K’sor cho rằng, trong số 23 họa sĩ chuyên nghiệp ở TP. Buôn Ma Thuột, người có điều kiện để mở tụ điểm giới thiệu tranh và theo đuổi cuộc chơi trên không nhiều, nên nhìn chung đời sống mỹ thuật ở đây vẫn không có điểm nhấn nào đáng kể. Ngoài những quán cà phê - giới thiệu tranh của họa sĩ Hồ Hậu và Phùng Đạt thì cả thành phố khoảng 40 vạn dân này không có một gallery đúng nghĩa và một đội ngũ giám tuyển hội họa chuyên nghiệp lại càng không. Điều đó khiến không khí sáng tác, trao đổi, mua bán tranh ở đô thị Buôn Ma Thuột không nhộn nhịp như Đà Lạt, hay phố núi Plâyku láng giềng. Tranh vẽ xong lại xếp vào kho là thực tế không biết đến bao giờ mới có lối thoát.

Nhiều họa sĩ ở đây tâm sự và mong muốn chính quyền địa phương, mà trực tiếp là ngành văn hóa bố trí, sắp xếp cho anh em giới hội họa (kể cả nhiếp ảnh) một không gian trưng bày, giới thiệu sáng tác thích hợp, thuận tiện trong lòng TP. Buôn Ma Thuột. Để từ không gian ấy, người làm nghệ thuật từng bước thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo, thụ hưởng cho mình và cho mọi người, góp phần hình thành nên đời sống mỹ thuật thật sự sôi động trên vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.

Đình Đối

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.