Cái "ngang" của Nguyễn Tuân
Nhà thơ Tế Hanh kể khoảng năm 1973, một đoàn nhà văn Việt Nam gồm Nguyễn Tuân, Kim Lân, Tế Hanh được Hội Nhà văn Liên Xô (cũ) mời sang thăm. Khi đến thăm Nghĩa trang danh nhân thế giới ở Maxcơva, nơi yên nghỉ của các danh nhân nổi tiếng trên thế giới trong mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật, chính trị, triết gia và cả lãnh tụ, người phiên dịch đi theo đoàn đã bố trí cho mỗi người một bó hoa ai muốn viếng một danh nhân nào thì đặt hoa lên mộ danh nhân ấy. Nguyễn Tuân yêu cầu cô phiên dịch mua cho hai bó hoa. Kim Lân đặt hoa lên một Êrenbua, còn Nguyễn Tuân đặt hoa lên mộ Sêkhốp và Gôgôn, đi một đoạn chợt nhìn thấy mộ Khơrúpxốp, Nguyễn Tuân dừng lại thắp hương. Biết Kim Lân và Tế Hanh ngần ngại, Nguyễn Tuân giục Kim Lân và Tế Hanh "Các cậu ngại thì ra xe trước".
Cũng theo nhà thơ Tế Hanh, năm 1959 Nguyễn Tuân và Tế Hanh cùng Nguyễn Văn Bổng vào thăm Quảng Bình. Khi đến cầu Hiền Lương, Nguyễn Tuân yêu cầu đi ra giữa cầu, mọi người nhìn ông cứ lo lo vì chỉ bước thêm một bước nữa là sang bên kia (phía địch), bên ta có thể nổ súng. Đến thanh cầu cuối cùng, Nguyễn Tuân quay trở lại, đồng chí công an phụ trách hỏi Nguyễn Tuân, nhà văn cười và hỏi: "Nếu tôi bước quá một bước nữa thì sao nhỉ?...". Một lần khác vào năm 1964, Tế Hanh vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) cùng với Nguyễn Tuân và Tú Mỡ. Nguyễn Tuân rủ Tú Mỡ đi ra sát bốt công an ở giữa cầu tuyến để quan sát công an bên ta bàn giao với cảnh sát bên kia. Nhà thơ Tú Mỡ e ngại không đi, Nguyễn Tuân đi một mình. Nguyễn Tuân lại cứ ngang ngang, nghênh nghênh như vậy, làm mọi người hồi hộp lo âu, đến khi ông quay trở lại phía bên này cầu (thuộc địa phận của ta) thì mọi người mới yên tâm.
Khoảng năm 1968 – 1972, hồi nhà văn Hoàng Quốc Hải còn làm biên tập tạp chí Sáng tác Hà Nội (nay là Báo Người Hà Nội), giặc Mỹ cho máy bay B52 bắn phá miền Bắc và Hà Nội. Chúng bị quân và dân ta bắn rụng tơi tả. Nguyễn Tuân viết bài Tết về phi công Mỹ bị bắt giam với nhan đề "Cho giặc bay Mỹ nó ăn một cái tết ta". Nguyên văn tựa đề lúc đầu là "Cho giặc lái Hoa Kỳ nó ăn một cái tết ta" nhưng chữ "giặc lái" được nhà văn đánh một cái hoa thị (*) và chú thích: "Người Mỹ lái máy bay"... hoặc "Công dân Hoa Kỳ lái máy bay"...
Thấy cái từ chú thích trên có ý ngang ngang, nhà văn Hoàng Quốc Hải nói với Nguyễn Tuân: “Thưa bác...”. Thấy Hoàng Quốc Hải có vẻ ngập ngừng, ngần ngại, Nguyễn Tuân hỏi ngay:
- Cậu ngại cái hoa thị ấy phải không? Này, Hoàng Quốc Hải cứ để đấy cho mình chọc Tô Hoài (Tô Hoài lúc đó là Tổng Biên tập Tạp chí Sáng tác Hà Nội).
- Thưa bác, số báo này Nguyễn Bắc (lúc đó là Phó Tổng Biên tập và là Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội) trực chứ không phải bác Tô Hoài.
Nhà văn cười, cầm lấy bản thảo:
- Ờ thôi đưa đây.
Ông ngồi sửa ngay tại chỗ, gạch xóa mấy dòng, miệng lẩm nhẩm: "Mình chữa lại bản thảo cho Hoàng Quốc Hải".
Hôm sau, Nguyễn Tuân đến tòa soạn, Hoàng Quốc Hải nhắc: Anh Bắc lại dặn: "Bảo bác Tuân cắt cái đoạn ấy"... nhưng Nguyễn Tuân quyết không cắt như ý của anh Bắc.
Hôm sau gặp nhau, Nguyễn Tuân và Nguyễn Bắc cùng tranh luận, người bảo để nguyên, người bảo cắt. Nguyễn Tuân thuyết phục Nguyễn Bắc không nghe, liền đổi sắc mặt bực bội:
- Sao phải cắt?
- Tôi thấy cứng quá!
Nguyễn Tuân đứng lên nói dằn từng tiếng: "Này nhé, anh muốn cắt của tôi thì anh viết lấy mà cắt".
Nói xong, ông quay lưng đi thẳng.
Lê Hồng Bảo Uyên (st)
Ý kiến bạn đọc